Diêm dân “thoi thóp” trên đồng muối, chính quyền địa phương làm ngơ?

(PLO) -Muối trúng mùa nhưng lại rớt giá thảm tệ, hàng ngàn hộ diêm dân ở Bạc Liêu vốn dĩ cuộc sống khó khăn nay lại càng thêm khốn khó vì sản phẩm của quá trình lao động không có đầu ra. Chẳng những sản xuất ngưng trệ, những hộ dân nghèo còn rơi vào cảnh cùng đường phải bỏ xứ tha phương.
 
Hàng ngàn hộ diêm dân cùng đường vì hạt muối làm ra không bán được.
Hàng ngàn hộ diêm dân cùng đường vì hạt muối làm ra không bán được.

Bị dồn ép đủ đường

Hòa Bình và Đông Hải là hai huyện có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, nơi được xem là vựa muối của vùng Tây Nam Bộ, thậm chí cả nước, với tổng sản lượng muối cung ứng ra thị trường hàng năm từ 200.000 đến 250.000 tấn.

Theo thống kê, với diện tích đất sản xuất muối 2385 ha, trong đó có 83 ha diện tích muối được đầu tư trải bạt (muối trắng), còn lại là diện tích làm muối truyền thống hơn 2300 ha, dự kiến tổng sản lượng muối mà diêm dân hai huyện trên thu hoạch đến tháng 5/2016 là hơn 145.000 tấn, thậm chí có thể đạt tới 160.000 tấn.

Theo ông Lâm Thành Trọng, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, thời gian qua nắng nóng kéo dài là điều kiện hết sức thuận lợi cho nghề làm muối của diêm dân. Tính đến thời điểm này, diêm dân huyện Đông Hải đã thu hoạch được 107.146 tấn muối nhưng chỉ bán được khoảng 15% lượng muối đã thu hoạch, số còn lại không bán được vì thương lái không mua.

Điều đáng nói giá muối tại thời điểm này chỉ 8.000-9.000 đồng/gịa (mỗi gịa 30kg), thấp kỷ lục trong 20 năm qua khiến cho diêm dân lỗ nặng vì chi phí đầu tư cho một sở muối gồm nhiên liệu, trải bạt, nhân công cải tạo sân muối, nhân công khuân vác khi thu hoạch đã hơn 10 triệu đồng/sân muối.

Những ngày gần cuối tháng 5 này, đi về các HTX muối Danh Điền, Quy Điền của huyện Đông Hải, đâu đâu cũng thấy muối đổ đống trên bờ, dưới ruộng nối dài hàng cây số để chờ thương lái thu mua. Nhìn cảnh diêm dân vác muối trưa hè, mồ hôi ướt đẫm, khuôn mặt rám nắng, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra hạt muối.

Chẳng những lượng muối đang thu hoạch không bán được mà lượng muối đã thu hoạch từ năm trước vẫn còn tồn trên 10.000 tấn. Có một điều nghịch lý là tất cả các vùng muối mà diêm dân đang sản xuất đều nằm trong quy hoạch và kế hoạch thu mua tạm trữ có cả chỉ dẫn địa lý nhưng hiện tại thì không ai mua.

Nói về chuyện lạ đời này, ông Trần Tấn Hưng, diêm dân ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình) lý giải, nguyên nhân chính ở đây là doanh nghiệp, thương lái câu kết với nhau để ép giá diêm dân kiếm lời. Chỉ cần 1kg muối họ lợi nhuận 100 đồng thôi thì 160.000 tấn muối họ sẽ bỏ túi đến tiền tỷ. Vì thế, mặc cho giá muối đã rẻ như cho nhưng vẫn bị kìm hãm suốt mấy tháng qua.

Trong tình cảnh đó, diêm dân cũng biết rằng với giá muối bán ra sẽ bị lỗ nặng, tuy nhiên nếu không bán thì họ không có tiền để tái sản xuất cũng như trang trải cuộc sống qua ngày. Điều đáng nói, chẳng những ép giá, doanh nghiệp và thương lái còn đặt điều kiện gây khó khăn cho diêm dân khi muốn bán sản phẩm.

Mùa mưa đang đến mà muối vẫn đổ đống la liệt trên đồng
Mùa mưa đang đến mà muối vẫn đổ đống la liệt trên đồng

Anh Huỳnh Chí Dũng, ở xã Vĩnh Thịnh than thở: “Hiện tại gia đình tôi có khoảng 210 tấn muối đang đổ đống giữa đồng, khi tôi liên hệ với Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu thì được họ trả lời họ không mua muối tại ruộng mà chỉ mua tại kho, tôi phải mướn công nhân khuân vác từ cánh đồng ra bến sông để vận chuyển ra công ty”.

Chưa hết, dù anh Dũng đã phải tốn thêm một khoản chi phí vận chuyển nhưng phía công ty chỉ mua nhỏ giọt với số lượng rất ít và điều khó hiểu hơn là công ty chỉ mua qua thương lái. “Ép dầu, ép mỡ chứ ai nỡ ép diêm dân” nhưng họ (thương lái và doanh nghiệp-PV) vẫn thản nhiên chèn ép mà không cần suy nghĩ gì về nỗi nhọc nhằn của người làm muối”, anh Dũng ngao ngán.

Bao nhiêu nghịch lý đang diễn ra ngay tại xứ muối Bạc Liêu, nơi được các chuyên gia người Nhật đánh giá muối có chất lượng rất tốt. Bởi quy trình làm muối ở đây vừa đảm bảo kỹ thuật vừa là tỉnh đồng bằng ven biển không bị tác động và ảnh hưởng của ô nhiễm nên việc sản xuất muối không bị ảnh hưởng bởi hóa chất.

“Đem con bỏ chợ?”

Tại Hợp tác xã Diêm nghiệp Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với diện tích muối hơn 100 ha, sản lượng hơn 8.000 tấn muối trắng và muối đen nhưng đến thời điểm này, diêm dân vẫn chưa bán được một giạ muối nào vì thương lái không mua. Cán bộ HTX phải chạy khắp nơi để tìm nơi tiêu thụ nhưng những nỗ lực tìm đầu ra cho hạt muối cuối cùng cũng chưa đi đến đâu.

Ông Trần Quốc Hưng, phó chủ nhiệm HTX Trường Sơn cho biết: “Tôi chưa từng thấy ở đâu như xứ này, tỉnh, huyện, xã kêu gọi diêm dân đầu tư làm muối trải bạt để có sản phẩm muối trắng tiêu thụ tốt trên thị trường, các xã viên đã mạnh dạn đầu tư từ 50 đến 70 triệu đồng để mua bạt trải trên sân muối với giá bạt là 53.000 đồng/1m2 đến khi thu hoạch muối thì không ai mua”.

“HTX chở muối đến tận Công ty Muối Bạc Liêu để bán nhưng công ty vẫn không mua và nại lý do là muối không đạt chất lượng nên công ty chỉ mua từ thương lái, trong khi đó hạt muối này thương lái mua từ diêm dân. Từ chỗ công ty quá ưu ái cho thương lái nên họ được cái quyền muốn mua giá bao nhiêu và mua của ai là do họ quyết định”, anh Hưng bức xúc.

Do mối quan hệ doanh nghiệp, thương lái, diêm dân chưa có sự đồng thuận nên đến thời điểm này diêm dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình vẫn còn tồn đọng hàng ngàn tấn muối. Nghịch lý hơn, sản lượng muối của diêm dân tại địa phương trong lúc không tiêu thụ được, diêm dân không có vốn để tái tạo sản xuất thì Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu lại mang tiền đi mua muối ở nơi khác.

Giữa cánh đồng muối chát đắng, anh Kim Văn Tới, xã Vĩnh Thịnh, là xã viên HTX Trường Sơn chán nản: “Gia đình tôi làm nghề muối đã trải qua ba đời rồi, nghề này khổ cực gấp trăm lần so với nghề trồng lúa nhưng sản phẩm của diêm dân làm ra thì hết sức bấp bênh, như năm nay, cả tạ muối làm ra bán chưa được ly cà phê”.

Theo anh Tới, đáng lý trong lúc diêm dân gặp khó khăn, đầu ra hạt muối nhà nước phải hỗ trợ hoặc thu mua tạm trữ để diêm dân có đồng vốn chi phí trong sản xuất. “Trong suốt mấy năm qua hạt muối mà chúng tôi sản xuất ra gần như chúng tôi “tự bơi” trên thị trường là chính. Những lúc thế này không biết kêu ai”, anh Tới thở dài.

Một bất lợi khác, đất sản xuất muối được sử dụng hơn 30 năm qua không tranh chấp với ai nhưng đến nay, hàng trăm hộ dân vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ nên không có điều kiện để giao dịch với ngân hàng để vay vốn sản xuất. Nhiều lần họ đặt vấn đề với địa phương nhưng cuối cùng vẫn chẳng thấy chính quyền hồi âm gì.

Để rõ hơn về tình trạng hàng trăm ngàn tấn muối của diêm dân chất đống như núi ngoài đồng nhưng không thể tiêu thụ, chúng tôi liên hệ với ông Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu. Tuy nhiên, ông Tuấn bất ngờ trả lời với báo chí rằng: “Mấy anh thông cảm, chủ trương của HĐQT Cty không tiếp xúc thông tin báo, đài vì lý do thông tin sau khi được đưa lên hay bị sai lệch…”.

Như vậy, dù cho hàng ngàn diêm dân đang khóc đứng khóc ngồi vì muối làm ra không bán được, biện pháp giải quyết hỗ trợ cho họ vào thời điểm này dường như vẫn còn điều xa vời. Đồng nghĩa với việc, hơn 160.000 tấn muối của diêm dân hai huyện Đông Hải và Hòa Bình vì hơn vẫn không có đầu ra.

Trước cảnh điêu đứng với hạt muối, thời gian qua, nhiều gia đình đã chẳng thể trụ lại được với nghề, thanh niên trai tráng trong nhà phải rời bỏ cánh đồng muối, tha phương cầu thực lo miếng ăn qua ngày. Giờ lay lắt trên những cánh đồng muối là người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Đâu đó, những giọt nước mắt mặn chát chảy dài trước cảnh mùa mưa đang ngày một đến gần, nguy cơ mồ hôi công sức của diêm dân dầm mưa dãi nắng suốt nửa năm trời tan thành bọt biển.

Đọc thêm