Đời thường của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại quê nhà thế nào?

(PLO) - Là bậc tu hành có nhiều đóng góp nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn giữ lối sống giản dị. Phật tử, người mộ đạo khi tiếp xúc đều cảm nhận được sự gần gũi của ông.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ra ngoài ngắm cảnh chùa Từ Hiếu. Ảnh: VnExpress.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ra ngoài ngắm cảnh chùa Từ Hiếu. Ảnh: VnExpress.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh quay trở về Tổ đình Từ Hiếu - Thừa Thiên Huế sau hơn 50 năm đi khắp thế giới truyền bá Thiền Chánh niệm trong Phật giáo đến hàng triệu người. Từ khi ông về Việt Nam, hàng ngày chùa Từ Hiếu luôn có hàng trăm người tìm đến. Có người ở TP HCM, Hà Nội đã lưu lại nhiều ngày ở ni xá Diệu Trạm tu tập và chờ duyên gặp Thiền sư.

Là người được xem như học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đắc Xuân nói Thiền sư có cuộc sống rất giản dị. Mọi Phật tử khi tiếp xúc với ông đều như buông bỏ được mọi âu lo buồn phiền, trong lòng thấy mình thanh thản, nhẹ nhàng an lạc.

Ngay khi về tới tổ đình Từ Hiếu, việc đầu tiên của thiền sư Thích Nhất Nhất Hạnh là bỏ chiếc mũ len, vào Chánh điện lễ Phật và thắp hương lên bàn thờ Tổ khai sơn chùa, cùng chúng đệ tử dạo quanh một vòng sân chùa Từ Hiếu, nơi ngài thường sinh hoạt và tu hành thời niên thiếu. Ước nguyện khi thiền sư viên tịch cũng rất đơn giản, ông không muốn tổ chức linh đình, xây lăng mộ to lớn mà chỉ muốn được hỏa thiêu, tro cốt được rải trên đất nước sông biển cùng với đất trời.

Kể về cuộc sống của thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi trở về, Thượng tọa Thích Từ Đạo - Giám tự Tổ đình Từ Hiếu chia sẻ thiền sư vẫn giữ được cho mình nếp sống giản dị, không xa lạ với những vị tu hành. Phía nhà chùa cũng chuẩn bị cho thiền sư một nơi nghỉ dưỡng đảm bảo để ông nghỉ ngơi trong thời gian ở lại.

Sự giản dị, gần gũi của Thiền sư đều được mọi người cảm nhận khi tiếp xúc. Mới đây, chiều 11/11, thiền sư Thích Nhất Hạnh rời khỏi căn phòng an dưỡng đi thiền hành, ngắm cảnh chùa Từ Hiếu cùng với tăng ni và người mộ đạo.

Ông mặc bộ áo màu nâu sòng quen thuộc, đội mũ len ngồi trên xe lăn được các tăng ni đẩy chậm rãi trong khuôn viên chùa. Thấy thiền sư, nhiều phật tử và người mộ đạo đã rất bất ngờ, chắp tay thành kính đảnh lễ rồi nhập vào đoàn tháp tùng dạo cảnh chùa.

Khi thiền sư Thích Nhất Hạnh đi thiền hành, các phật tử và người mộ đạo im lặng nhập vào đoàn tháp tùng phía sau. Ảnh VnExpress

Khi thiền sư Thích Nhất Hạnh đi thiền hành, các phật tử và người mộ đạo im lặng nhập vào đoàn tháp tùng phía sau. Ảnh VnExpress

Thiền sư còn ra hồ bán nguyệt ở sau Tam quan Tổ đình Từ Hiểu để ngắm cá và thiền hành cùng các tăng ni, phật tử. Khoảng 30 phút sau, thầy được các tăng ni đưa về an dưỡng.

Vào ngày giỗ của hoà thượng Nhất Định (12/11)- người khai sơn, sáng lập ra chùa Từ Hiếu và được cho là tổ của ngôi cổ tự này, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã rời phòng tịnh dưỡng để ra chánh điện thắp hương lên bàn thờ tổ của chùa. Sau khi dâng hương, thiền sư ngồi trên xe lăn để các đệ tử đưa xuống sân trước chánh điện ngắm cảnh chùa và gặp gỡ phật tử.

Theo ý nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các tăng ni đã đẩy xe lăn đưa ông qua khu vực phật tử đang dùng cơm. Sau khi đi một vòng quanh chùa Từ Hiếu, thiền sư được các tăng ni đưa về phòng để tịnh dưỡng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế). Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.

Đọc thêm