Đồng bằng sông Cửu Long: Những làng nghề “tựa mình” theo lũ

(PLO) - Mùa lũ năm nào cũng thế, không chỉ những người nông dân chân chất sống “ăn theo” lũ, hưởng trọn những “tặng vật” phong phú mà lũ mang theo mà còn có những làng nghề “tựa mình” theo lũ. Nhờ lũ mà hình thành và cũng chính nhờ mùa lũ mà phát triển. Thịnh hay suy của làng nghề cũng tùy thuộc vào dòng nước lũ.
Đồng bằng sông Cửu Long: Những làng nghề “tựa mình” theo lũ

Những dòng nước của các con sông ở miền Tây bất ngờ chuyển sang màu đỏ đục của phù sa báo hiệu một mùa lũ sắp về. Lúc này, những người dân quê hồ hởi đón lũ như đón mừng nguồn sống mới. Có những người thấy phù sa hơi ưng ửng trong nước đã “đứng ngồi không yên” lên thượng nguồn trông ngóng. Năm nay, lũ về sớm và dự báo sẽ lớn hơn nhiều năm trước nên những làng nghề “nương” theo mùa lũ cũng “vui như trẩy hội”. Sau nhiều năm “vắng bóng”, lũ đã lại về và các làng nghề sẽ tha hồ “hốt bạc”. 

“Sống lại” các làng nghề

Nhiều năm trước các làng nghề chỉ hoạt động lưa thưa do những mùa lũ cạn. Năm nay hoàn toàn khác, các làng nghề phấn chấn và khởi sắc hẳn lên. Thời điểm này, không khí lũ đã bao trùm lên hầu hết các làng nghề. Khi bước đến những làng nghề chúng ta dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt tươi rói, phấn khởi của bà con, nhà nhà, người người đều tất bật với công việc, đan đan kéo kéo sản xuất ngày đêm để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ mùa lũ. Đa phần, các làng nghề đều cung cấp dụng cụ, ngư cụ để phục vụ cho ngư dân đánh bắt thủy sản và các sản vật trong mùa lũ. Những làng nghề nổi tiếng ở miền Tây có thể kể đến như làng lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt – TP Cần Thơ), làm lờ, lọp ở Ô Môn (TP Cần Thơ), làng nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa (An Giang) và đóng ghe xuồng ở Lai Vung (Đồng Tháp)… Hiện nay, các làng nghề này cũng đang “tất bật” hoạt động đón chào mùa lũ.

Thời gian này, khi vừa đến làng lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chúng ta dễ dàng bắt gặp các cửa hàng treo lưới trước cửa và cảm nhận được không khí vui tươi, hối hả, tấp nập người mua kẻ bán. Từ khoảng 5h sáng, hoạt động mua bán, vận chuyển các ngư cụ đánh bắt thủy sản đã làm huyên náo cả một đoạn đường.

 Các hộ dân nơi đây vô cùng phấn khởi trước sự “hồi sinh” của làng lưới sau nhiều năm vắng lũ. Làng nghề đan lưới Thơm Rơm hiện có khoảng 30 hộ dân tham gia sản xuất kinh doanh chính và hơn 300 hộ sản xuất gia công. Nhờ mùa lũ lớn, số lượng sản xuất cũng gia tăng để phục vụ thị trường nên đời sống của bà con nơi đây khá ổn định. Được biết nghề làm lưới hoạt động quanh năm nhưng tập trung sản xuất mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Năm nào lũ lớn, thì nhu cầu mua lưới của người dân tăng cao, các cửa hàng phải làm  ráo riết để kịp phục vụ nhu cầu của bà con đánh bắt. Nhiều năm trước sức tiêu thụ rất yếu, các cửa hàng cũng chỉ bán cầm chừng nhưng năm nay đã khởi sắc hơn, mới chỉ đầu mùa lũ mà các cửa hàng đã mua bán tấp nập.

Để làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở đã tất bật thuê mướn nhân công để phụ giúp. Hiện nay cơ sở sản xuất Hữu Tý do ông Lê Hữu Quý làm chủ có hơn 30 người thợ làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Và thu nhập của họ cũng khá cao, dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày, nhiều lúc tăng ca có khi được 300.000 – 400.000 đồng/ngày.

Không khí sôi động, náo nhiệt bao trùm các làng nghề

Gần 60 năm chuyên sản xuất phục vụ lọp tép cho bà con mưu sinh mùa lũ, thời gian này làng nghề sản xuất lọp tép ở phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cũng háo hức vào mùa. Được biết, lọp là phương tiện kiếm sống trên sông không thể thiếu của hàng trăm ngàn người dân vùng lũ ÐBSCL trong mùa nước nổi hàng năm. Vì vậy lũ càng lớn thì mặt hàng này càng “hút”. Khi bước đến địa phận của làng nghề, trong mắt chúng tôi là hàng chục hộ gia đình đang cần mẫn thực hiện từng công đoạn từ khâu đập vành, chẻ nan, bện hom, dệt khung cho đến câu mình, ráp thành cái lọp hoàn chỉnh. Khi nói đến mùa lũ năm nay, hầu như khuôn mặt của ai cũng lộ rõ vẻ phấn khởi, vui mừng.

Gia đình có hơn 40 năm theo nghề gia truyền làm lọp tép ở phường Thới Long, anh Lê Văn Hải cho biết, cứ vào tháng 2 - 3, các thành viên trong gia đình anh lại tất bật bắt đầu mua tre về làm lọp để có hàng phục vụ bà con mùa lũ. Trung bình một mùa gia đình sản xuất khoảng 13.000 cái lọp bán cho các tỉnh miền Tây. Năm nay lũ lớn về sớm nên số lượng này sẽ gia tăng và phải chuẩn bị sớm hơn. Được biết, mỗi năm làng đan lọp Thới Long sản xuất 400 - 500 ngàn cái lọp bán khắp các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Long An và nhiều tỉnh khác.

Cũng là làng nghề đặc trưng phục vụ cho việc làm ăn mùa lũ, làng nghề làm lưỡi câu phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng nhộn nhịp đón lũ, không thua kém các làng nghề khác. Đây là làng nghề có bề dày lịch sử lâu năm, gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân lao động và đã được công nhận  với tên gọi “Làng nghề truyền thống Lưỡi câu Mỹ Hòa”. Trải qua bao thăng trầm thay đổi, lúc thịnh lúc suy do con nước lũ nhưng các hộ dân nơi đây một mực không bỏ nghề, quyết tâm gìn giữ làng nghề truyền thống. Nhờ hoạt động của làng nghề, đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động tại chỗ, và người dân có cuộc sống ổn định hơn.

Không chỉ sản xuất và cung cấp các lưỡi câu cá nước ngọt mà các loại lưỡi câu ếch, rùa, câu cá biển cũng được sản xuất tại làng nghề. Mỗi loại lưỡi câu có hình thức và đặc tính khác nhau phù hợp với loài thủy, hải sản mà người dân muốn đánh bắt. Vì vậy các sản phẩm được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ra tận miền Trung và cả thị trường Campuchia, Malaysia và Lào. 

Trên 60 năm trong nghề, gia đình đã truyền qua 4 đời, ông Bùi Tấn Thành, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu “Trí Thành” cho biết, sản phẩm của làng nghề rất phong phú với hơn 10 chủng loại có tên lưỡi câu rùa, câu đúc, móng heo, vịnh chèo…. với gần 30 kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Các sản phẩm phải qua gần chục công đoạn làm rất tỉ mỉ, phức tạp mới hoàn thành. Năm nay nước lũ lên sớm, nên các hộ thu gom và dự trữ lưỡi câu rất nhiều, để kịp thời cung ứng cho thị trường khi có nhu cầu.

Sức mua “khủng”, nhiều nơi “cháy” hàng

Ghe, xuồng từng được “ví von” như “đôi chân” của người Nam bộ khi hệ thống kênh ngòi dày đặc và giao thông đường bộ chưa phát triển. Khi bước vào mùa lũ, nước  lênh láng tràn bờ, xung quanh bốn bề đều là biển nước thì ghe, xuồng lại là phương tiên đi lại và đánh bắt cá chính của nhiều người dân miền sông nước. Thời gian này, khi bước đến làng sản xuất ghe xuồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, chúng ta sẽ thấy được không khí sôi nổi, nhộn nhịp khi những người thợ phải tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp giao hàng cho khách. Được biết năm nay, người dân ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đặt hàng với số lượng rất nhiều do mùa lũ sớm. Đây là làng nghề hoạt động quanh năm, tuy nhiên cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch cho đến cuối tháng 8 âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10. 

Theo ông Đỗ Văn Banh, chủ một cơ sở sản xuất xuồng ở xã Long Hậu, hiện nay các cơ sở sản xuất ghe xuồng nơi đây đang vào mùa cao điểm. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng. Các sản phẩm rất đa dạng, phong phú phục vụ cho nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Năm nay cơ sở của ông ước tính sẽ cung ứng cho thị trường trên 1.000 chiếc.

Trung bình 1 tuần thì cơ sở đóng ghe, xuồng của anh Trần Bá Ngữ (ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tiêu thụ trên 100 chiếc xuồng, giá loại I khoảng 1,2 triệu đồng/chiếc, loại II  từ 700.000 - 800.000 đ/chiếc. Mỗi người thợ một ngày có thể đóng được một chiếc xuồng phục vụ ngư dân đánh bắt trong mùa lũ. Còn những loại lớn hơn 40 – 50 tấn thì phải mất đến 40 ngày mới xong và giá giao động từ 180 triệu đến 300 triệu đồng/chiếc. Mỗi năm, xã Long Hậu xuất đi khắp nơi gần 4.000 chiếc ghe, xuồng các loại phục vụ người dân miền Tây Nam bộ.

Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân vùng lũ. Sau bao nhiêu năm chịu cảnh lũ cạn, đến nay bà con đã thực sự phấn khởi, vui tươi và bội thu nhờ một mùa lũ đúng nghĩa. 

Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu, hiện trên địa bàn xã chỉ còn hơn 40 cơ sở đóng, xuồng, ghe còn duy trì hoạt động. Sụt giảm rất nhiều so với trước đây do nhiều mùa lũ cạn. Năm nay do lũ về sớm nên nhu cầu người dân đến mua xuồng tăng, theo đó sản lượng xuồng đóng cũng nhiều hơn mọi năm từ 20 - 30%, chủ yếu là xuồng loại nhỏ.

Đọc thêm