Gia đình cựu binh tuyên truyền pháp luật đến với dân bản

(PLVN) - Xã A Dơk, huyện Đak Đoa, Gia Lai hiện có trên 1.350 hộ, hơn 6.100 người, trong đó có hơn 90% dân số là người đồng bào người Bah Nar, Jrai tại chỗ. Nơi đây không chỉ còn nghèo, lạc hậu mà còn là xã phức tạp về an ninh chính trị. Tuy nhiên sau thời gian ngắn được sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn của các cấp, các ban-ngành; xã A Dơk đã có chuyển biến tích cực.
Các thành viên trong nhà ông Lộc, ở làng Piơng, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Các thành viên trong nhà ông Lộc, ở làng Piơng, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Góp phần vào sự chuyển biến đó có công lao của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thế Lộc (SN 1952, ngụ làng Piơng, xã A Dơk). Ông Lộc quê gốc ở Quảng Bình, năm 18 tuổi ông xung phong đi bộ đội, tham gia chiến trường Bình Trị Thiên, chiến trường biên giới các tỉnh phía Bắc. Sau hơn 17 năm (1970-1987) tại ngũ, với quân hàm thượng úy, ông chuyển ngành vào làm cán bộ ở Công ty Cao su Mang Yang.

Tại đây, ông đi tăng cường làm cán bộ Nông trường cao su Tân Lập, thuộc địa bàn xã A Dơk. Nhận thấy vùng đất này màu mỡ, thuận lợi phát triển kinh tế nên ông đã đưa vợ con tới đây sinh sống. Đến năm 1994, ông Lộc nghỉ hưu và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Phó Chủ tịch HĐND xã và hiện là Bí thư Chi bộ làng Bia Tỉh 1, xã A Dơk.

Ở xã A Dơk hơn 30 năm nay, ông Lộc cho biết không chỉ tích cực vận động bà con đừng nghe lời những đối tượng xấu, mà quan trọng nữa là phải thuyết phục để bà con thay đổi, tham gia các dự án xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó người dân mới tin vào chủ trương của Đảng, tin vào pháp luật.

Theo chồng vào sinh sống ở xã A Dơk, bà Phạm Thị Dung (vợ ông Lộc) hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; Phó Bí thư Đảng ủy xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã. Đến năm 2016, bà Dung nghỉ hưu và được bầu làm Bí thư Chi bộ làng A Dơk Kông, xã A Dơk.

Bà chia sẻ: “Để bà con người đồng bào ở nơi đây hiểu và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chúng tôi phải thường xuyên nói bằng tiếng của họ và luôn lồng ghép việc tuyên truyền miệng, vận động bà con học tập, tuân thủ các quy định vào việc ăn ở, hội họp, cưới hỏi, giao thông, bảo vệ trật tự-an ninh...”. 

Nêu gương những đức tính ham học hỏi, siêng năng làm việc của bố mẹ, các con của vợ chồng ông Lộc-bà Dung đều đã tốt nghiệp đại học, được tuyển dụng vào làm cán bộ xã A Dơk, được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng hơn 10 năm nay.

Ngoài thời gian làm việc tại trụ sở, các thành viên trong gia đình ông Lộc thường xuyên bảo nhau trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động bà con làm kinh tế, thực hiện các hương ước, quy ước, quy định của pháp luật, không đặt tên con cái theo tên các cầu thủ, các diễn viên nổi tiếng của nước ngoài, không nghe và không làm theo những lời lừa phỉnh của người lạ... 

Ông Byưi-Chủ tịch UBMTTQ xã A Dơk nhận xét: “Bà con đều quý mến bởi gia đình ông Lộc luôn giúp đỡ bà con, nhiệt tình tuyên truyền pháp luật, chủ trương của Đảng nên bà con dễ hiểu, dễ thực hiện. Người Jrai, người Bah Nar thích những cán bộ cùng ăn, cùng làm, cùng nói tiếng bản địa như ông Lộc”.

Còn ông Lê Trọng Đoàn - Chủ tịch UBND xã A Dơk thì khẳng định: “Đến nay, A Dơk vẫn là xã nghèo khó nên rất cần những cán bộ, đảng viên có uy tín cắm làng, biết nói tiếng địa phương như các thành viên trong nhà ông Lộc.

Có nhiều người như vậy, chắc chắn hiệu quả các công việc, khối đại đoàn kết sẽ tăng lên và hệ thống chính trị của xã sẽ ngày càng vững mạnh, không để kẻ xấu lôi kéo nhân dân, nhất là bà con người đồng bào tại chỗ”. 

Đọc thêm