Giải mã những 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa (Kỳ 27): Vì sao Đổng Trác không thể cải cách?

(PLO) -Nói đến Đổng Trác, ta nhớ đến một con người tàn bạo, hung tợn, giết người như ngóe, nhưng thực ra bọc sau những ấn tượng đó là một Đổng Trác khác hẳn. Đổng Trác ở đây cũng giống như những nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao, bị xã hội vùi dập một cách tàn nhẫn. Rốt cuộc giữa Đổng Trác và xã hội thời đó đã phát sinh những chuyện gì?
Đổng Trác và Vương Doãn.Vương Doãn là một trong những người mà Trác tin cậy và quý trọng. Cuối cùng đã giết chết Trác
Đổng Trác và Vương Doãn.Vương Doãn là một trong những người mà Trác tin cậy và quý trọng. Cuối cùng đã giết chết Trác

Dưới ngòi bút của Trần Thọ và các sử gia khác, Đổng Trác hiện lên là một kẻ rất thích tàn sát giết chóc. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được điều đó bởi hai lẽ: một, Đổng Trác quen thuộc với văn hóa du mục của người Khương, Hồ; hai, Đổng Trác là một võ tướng. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận lại một chút về con người Đổng Trác.

Một Đổng Trác khác

Đổng Trác rất nóng nảy trong các cuộc tranh luận, điều đó là có thật, mà hễ tranh cãi thì Trác sẽ lập tức đem chuyện dao thớt ra dọa. Trác tranh cãi với Chủng Thiệu thì dùng binh bức bách, tranh cãi với Thôi Liệt thì nói “ta không thể chém khanh ư?”, tranh cãi với Viên Thiệu lại bảo “đao của ta không sắc bén sao?”, tranh cãi với Lư Thực thì “muốn giết Thực”, tranh cãi với Chu Tuấn thì bảo “đừng nói xằng làm bẩn dao cưa của ta”.

Nhưng cả năm lần đó, không lần nào Đổng Trác giết người. Khi Chủng Thiệu cũng đối đáp cách cương quyết, Đổng Trác đã xin lỗi. Lúc Cái Huân lấy nghĩa lý phân tích, nói đỡ cho Chu Tuấn, Đổng Trác đã xin lỗi, bảo rằng chỉ nói đùa thôi .Lúc Viên Thiệu cương quyết cắp đao vái dài rồi đi ra, Đổng Trác đã để cho Viên Thiệu bình yên ra đi.

Điều đó khiến Bùi Tùng Chi vô cùng ngạc nhiên vì với hình ảnh Đổng Trác mà Bùi Tùng Chi mường tượng thì Trác sẽ không thể nào chấp nhận được sự vô lễ đó của Thiệu, mà bắt buộc phải giết Thiệu thì mới đúng với hình ảnh khát máu của Đổng Trác.

Lúc Đổng Trác hùng hổ dọa giết, Trác lại không giết; nhưng lúc Trác giết người thì lại chẳng cần dọa dẫm. Như với bọn Chu Bí, Ngũ Quỳnh (nội gián của Viên Thiệu), Đổng Trác nói: “Lúc đầu Trác vào triều, hai thầy khuyên ta dùng người tài, bởi thế ta nghe theo. Thế mà các ngài ấy khi tới sở quan, thì cất quân mưu diệt ta. Đấy là hai ngài bán Trác rồi, Trác sao lại còn dùng làm phụ tá làm chi?”.

Thế là chém luôn. Đổng Trác cũng giống Trương Phi, tuy thô bạo nhưng lại kính trọng kẻ sĩ. Dù sắp chém Quỳnh, Bí vẫn gọi họ là “thầy”, gọi đám liên quân Quan Đông là “ngài”. Tôn Kiên đánh Đổng Trác rất quyết liệt, Trưởng sử Lưu Ngải nói rằng: “Kiên dùng binh không bằng Lý Quyết, Quách Dĩ. Kiên trước cùng với người Khương đánh nhau ở Mỹ Dương, nguy ngập gần chết, có khả năng gì?”.

Lữ Bố giết Đổng Trác (tranh thời Nguyên)
Lữ Bố giết Đổng Trác (tranh thời Nguyên)

Thế nhưng Đổng Trác không vì Tôn Kiên là tử thù của mình mà mạt sát Tôn Kiên, ngược lại còn nói lời công bằng cho Tôn Kiên. Theo Hậu Hán kỷ, Trác nói: “Kiên bấy giờ dẫn quân ô hợp, vả đánh nhau có thua được.”Theo Sơn Dương công tái ký, Trác đã kể rất chi tiết về mưu lược của mình và Tôn Kiên khi dùng binh ở phía tây, và đánh giá cao Tôn Kiên. Trác kết luận rằng: “Chỉ bàn về đại thế của quân Sơn Đông, rốt cuộc không ai theo được hắn đâu”.

Đổng Trác hung bạo, nhưng ông ta hiểu được mình là kẻ dốt nát ở chỗ biên bìa. Vì thế Đổng Trác rất kính trọng kẻ sĩ, gần như họ nói gì có lý thì Trác cũng nghe theo. Như Chu Bí, Ngũ Quỳnh khuyên Trác nên cho Hàn Phức giữ chức này, Viên Thiệu giữ chức nọ. Trác đều đồng ý. Đổng Trác đi xe mui đen, mọi người đều cho là tiếm vượt. Sái Ung can mấy câu thì Trác liền bỏ ngay.

Trác muốn xưng Thượng phụ. Sái Ung phân tích thiệt hơn, Trác cũng thôi.Có thể nói Đổng Trác tuy cũng có chỗ thiếu sót, nhưng ông ta rất có thiện ý muốn hoàn thiện bản thân. Đó là lý do Trác thường trọng dụng kẻ sĩ và ban cho họ nhiều quyền lực. Nhưng kết cục hầu hết đều phản bội.Tuy nhiên không phải đến lúc Đổng Trác phế lập mới bị kẻ sĩ ghét bỏ. Sự việc đã bắt đầu từ lâu.

Mâu thuẫn văn hóa

Ngay từ khi còn ở phía tây, Đổng Trác đã hâm mộ kẻ sĩ Trung Nguyên và có ý muốn kết giao. Hậu Hán thư, Trương Hoán truyện nói rằng: “Hoán có công lao và danh tiếng. Trác hâm mộ, phái anh mình đi tặng một trăm xấp lụa mềm (loại lụa dùng để viết chữ).Hoán ghét cách làm người của Trác, cự tuyệt mà không nhận”.

Cách làm người của Trác lúc đó có vấn đề gì? Lúc đó Đổng Trác chưa làm gì nên tội cả. Đổng Trác đối với người Khương, Hồ lại quan hệ rất tốt. Cừ soái Khương Hồ rất thích, binh sĩ cũng quý mến. Nhưng đám người phía đông lại coi Đổng Trác như là tên đê tiện. Đổng Trác đối với Trương Hoán là đã kính trọng hết mức.Đổng Trác không phải hối lộ vàng bạc, mà là tặng giấy, hơn nữa, còn nhờ anh mình là bậc bề trên đi tặng. Đó là xem Hoán như bậc trưởng giả.Kết cục Hoán tạt nước lạnh vào mặt Đổng Trác.

Tôn Kiên cũng vậy. Lúc này địa vị Tôn Kiên cũng chưa cao, đối với Đổng Trác cũng chẳng có hằn thù gì. Thế mà ông ta lại xui Trương Ôn hãy chém Đổng Trác nếu như Trác đến (lúc đó Trương Ôn gọi, mà Trác trù trừ chưa đến). Nhưng may là Trương Ôn không nghe, vì cớ Trác là người rất có uy tín ở phía tây. Kẻ có uy tín ở phía tây lại là kẻ bị coi rẻ ở phương đông. Nguyên nhân là gì?

Tam quốc chí có nói rõ: “Trác tự biết mình vô lễ, sợ bị người khác giết”. Đổng Trác là người được săn đón ở phía tây mà bị chửi bới ở phía đông, nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn văn hóa. Văn hóa ứng xử Khương Hồ mạnh bạo của Đổng Trác đối lập hoàn toàn với văn hóa khiêm cung, trầm mặc của Trung Nguyên. Hơn nữa kẻ biên bìa trong mắt người Trung Nguyên có vị trí rất thấp. Nói như Cái Huân chỉ là kẻ hèn mọn (tiểu sửu), còn vợ của Hoàng Phủ Quy thì chửi Trác là “dòng giống Khương Hồ”. Một người như thế muốn đứng ra làm lãnh tụ Trung Nguyên thì chẳng thể được. Sai lầm của Đổng Trác là ở chỗ đó.

Khi Đổng Trác bắt đầu cầm quyền, trong giới kẻ sĩ bắt đầu phong trào chửi Trác và phê phán những người giúp đỡ Đổng Trác. Như Tuân Sảng tài hoa, đức hạnh, danh tiếng cao ngất, là một trong Bát long, nhưng vì làm việc cho Trác mà bị “những người quân tử lấy đó mà chê cười”.

Đáp lại lời mời trọng dụng của Đổng Trác là sự phản đối một cách ác ý của Chu Tuấn
Đáp lại lời mời trọng dụng của Đổng Trác là sự phản đối một cách ác ý của Chu Tuấn

Ngược lại, những người lên tiếng trái ngược với Trác lại nổi danh, như Chu Tuấn. Đổng Trác phong cho Chu Tuấn từ chức Hà Nam doãn (đứng đầu phủ Hà Nam) lên làm Thái bộc, để làm phó cho mình. Chu Tuấn không nhận chức, lại còn phát ngôn ngăn cản chủ trương dời đô về phía tây. Thế là danh tiếng Tuấn nổi như cồn, “các đại thần trong triều cho đến Thượng thư lang Hoa Hâm đều khen ngợi”. Cái Huân cũng thường xuyên tranh cãi đối đầu với Trác.

Thế nhưng chửi Trác lấy tiếng cũng giống như chơi đùa với hổ. Chu Tuấn đứng trước mặt sứ giả sắc phong thì hổ báo, tỏ vẻ ta đây nguy hiểm, nhưng trong lòng thì sợ mất mật. Chẳng bao lâu, Tuấn tự bỏ chức Hà Nam doãn trốn về phía đông, rồi về sau lại về triều làm quan, bị Lý Quyết, Quách Dĩ chọc cho tức chết.

Cái Huân “tuy cương trực bất khuất mà trong lòng e sợ Trác, chẳng được như ý, mọc nhọt ở lưng mà chết”. Đó là chưa kể đến Tào Tháo không nghe theo lời triệu tập ra làm quan cho Trác, mà đổi tên họ trốn về quê, giữa đường nghi thần nghi quỷ rồi giết sạch cả nhà của người quen cũ là Lã Bá Sa.

Cùng với việc Đổng Trác trọng dụng hiền sĩ, phong trào phê phán Đổng Trác đã góp phần đẩy Đổng Trác vào tình thế cô lập mọi mặt về chính trị. Vậy Đổng Trác đã có kết cục như thế nào? Ông ta có phải là kẻ độc ác nhất từ khi có sử đến nay hay không?

Đọc thêm