Hàng nghìn tỷ đồng cháy theo “bà Hỏa”

(PLO) - Mỗi năm, hỏa hoạn đã thiêu rụi hàng nghìn tỷ đồng trên cả nước. “Bà Hỏa” đã khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn, nhiều gia đình trắng tay, hàng nghìn hộ kinh doanh thành con nợ.
Lực lượng PCCC chữa cháy tại Công ty Diana.
Lực lượng PCCC chữa cháy tại Công ty Diana.
Cháy, nổ do đâu?
Trong năm 2013, cháy lớn xảy ra tại 13/63 tỉnh, thành, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam và các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển như: TP.Hồ Chí Minh và Long An, mỗi địa phương 5 vụ; các tỉnh Đồng Nai, Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi tỉnh 2 vụ; Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Bình, Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh… 
Các vụ cháy, nổ lớn xảy ra trên diện rộng làm nhiều người, thậm chí hàng nghìn người, bị thiệt hại về tài sản, số người bị thương, tử vong cao. Điển hình, vụ cháy tại Công ty May Hà Phong (Bắc Giang) đã thiêu 2 phân xưởng may diện tích gần 11.000 m2 và 1.500 xe máy của công nhân ra tro, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. 
Vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương làm hàng hóa của 536 tiểu thương kinh doanh tại đây bị cháy sạch sành sanh, thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng. Vụ nổ kho pháo hoa của Xí nghiệp Thuốc nổ - Pháo hoa, Nhà máy Z121 (Phú Thọ) làm 27 người chết, 75 người bị thương. Vụ cháy quán bar tại Zone 9 (Hà Nội)  làm 6 người tử vong, 1 người bị thương, 10 cảnh sát PCCC phải nhập viện... 
So với năm 2012, số vụ cháy trong năm 2013 tăng 569 vụ (tăng gần 30%), thiệt hại về tài sản tăng gần 425 tỷ đồng (tăng 34,5%). Cháy lớn tuy chỉ chiếm hơn 1% nhưng gây ra thiệt hại tài sản chiếm tới 85,4% tổng thiệt hại do cháy gây ra. 
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn, về nguyên nhân gây cháy trong năm 2013, do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện là 1.068 vụ, chiếm 44,6%; sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 395 vụ, chiếm 16,5%; sự cố  kỹ thuật 84 vụ, chiếm 3,5%; do đốt 94 vụ, chiếm 3,9%; do vi phạm quy trình, quy định an toàn là 29 vụ, chiếm 1,2%; nguyên nhân khác 21 vụ chiếm 0,9%, còn lại 703 vụ chưa rõ nguyên  nhân, chiếm 29,4%. 
Thảm họa vẫn tiếp diễn
Ngoài các công ty, doanh nghiệp, cơ sở có mua bảo hiểm cháy, nổ, còn hầu hết gia đình bị cháy nhà, cháy tài sản là trắng tay. Ngày 28 Tết Giáp Ngọ, gia đình cuối cùng trong 5 hộ dân Nhà Đ11, Khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội bị cháy nhà vào ngày 11/12/2013 mới sửa chữa xong nhà cửa để chuyển nhà đón Tết. 
Không chỉ bị cháy hết tiền bạc, tài sản, hàng hóa để tại chợ, sau vụ cháy, các tiểu thương Trung tâm Thương mại Hải Dương bỗng dưng trở thành những con nợ của các chủ hàng vì hàng hóa nhập về bán, tiền hàng trả gối sóng, đợt sau trả tiền đợt trước, nhiều người nợ tiền tỷ. 
Sau vụ cháy, để mưu sinh hàng ngày bà Nguyễn Thị Lộc - tiểu thương Trung tâm Thương mại Hải Dương, nạn nhân vụ cháy phải mở một quán cóc trên vỉa hè để bán trà đá. Bà không biết làm thế nào để trả hết nợ. Còn 1.500 công nhân của Công ty May Hà Phong bị cháy xe máy được bảo lãnh vay 8 triệu đồng để mua xe máy trả góp. 
Thiệt hại to lớn cả về người và tài sản nhưng thảm họa cháy, nổ vẫn tiếp diễn. Vào đêm Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ, hỏa hoạn lại thiêu rụi mấy căn nhà ở khu tập thể số 37 phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”. 
Mới đây thôi, vào ngày 19/2/2014, kho hàng rộng hàng nghìn mét vuông của Công ty Cổ phần Len Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) cho 8 doanh nghiệp khác thuê làm kho hàng đã bị cháy rụi. 
Vụ cháy lớn nào cũng bắt đầu bằng một sự cố cháy nhỏ, thế nhưng “bà Hỏa” đã không bị khống chế, dập tắt mà nhanh chóng trở thành biển lửa. Các vụ cháy lớn thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, cháy cho đến khi… không còn gì thì thôi. Việc chữa cháy không có hiệu quả. 

Đọc thêm