Hành trình đi về phía mặt trời của người đàn bà “có H“

(PLO) - Tôi đã gặp không ít mảnh đời như thế, song hiếm có phụ nữ nào phải chịu cùng lúc nhiều đau đớn, xót xa đến vậy. Nhưng thẳm sâu trái tim chị vẫn tiềm ẩn nghị lực sống bất diệt. Và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống đã giúp chị vượt qua tất cả…
Hành trình đi về phía mặt trời của người đàn bà “có H“
Từ bóng đêm thăm thẳm…
Tuy không “sắc nước hương trời” nhưng sự chịu thương, chịu khó và nết na, hiền thục của thôn nữ xứ Thanh - Nguyễn Thị Thơ (SN 1977) đã lọt vào “mắt xanh” một “công tử” hào hoa làng bên. Cuộc tình của họ tưởng chừng không thể viên mãn hơn khi được “trời ban” cho một con gái xinh đẹp, bụ bẫm và vợ chồng ngày ngày rong ruổi sóng đôi đạp xe chở rau củ ra chợ huyện bán…
Với mong muốn vợ con có cuộc sống đủ đầy hơn, nghe bạn bè rủ rê, năm 1997 anh Thanh – chồng chị Thơ để lại xóm làng, vợ dại, con thơ ra Quảng Ninh làm “cửu vạn”. Sau một thời gian bươn chải, anh cũng kiếm được chút lưng vốn vươn lên làm chủ một lò than nho nhỏ. Nhưng cũng từ thời điểm đó, cuộc đời anh thay đổi. 
Theo lời rủ rê của bạn bè, “chiến hữu”, anh nghiện ma túy. Dù có “kiếm tiền như nước” cũng không đủ thỏa mãn những cơn nghiện, chồng chị Thơ lại lê gót về quê sống nhờ gánh rau nhỏ của vợ. Không chịu nổi búa rìu dư luận, vợ chồng chị quyết định bán nhà vào Nam lập nghiệp (năm 2000). Sau những tháng ngày lầm lỗi, anh Thanh có vẻ tu tỉnh làm ăn. Gom góp được chút vốn liếng, anh đổ vào đầu tư xây dựng. Nhưng khi tiền trong túi rủng rỉnh, anh lại nhớ đến ma túy. Và một lần nữa anh sa vào con đường nghiện ngập…
Không lời nào có thể tả hết được sự đau đớn và tuyệt vọng của chị Thơ. Không biết bao lần chị hy vọng rồi lại thất vọng. Người ta vẫn nói tuổi Đinh Tỵ của chị khổ nhưng chị không nghĩ mình lại chịu nhiều đắng cay đến vậy. Cụt hết vốn liếng, chồng chị quay sang làm thợ xây. Tiếp theo đó là những chuỗi ngày đầy mệt mỏi, anh nhậu nhẹt, cầm cố, rồi gây gổ đánh nhau… Đôi lần vì quá tuyệt vọng, chị đã xách túi ra đi nhưng nghĩ đến con thơ, đôi chân chị lại quay về ngôi nhà tồi tàn nằm sâu trong ngõ nhỏ của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương…
Nhưng đúng lúc chị cảm thấy chán nản nhất thì như có phép màu, anh Thanh chồng chị lại hồi tâm tỉnh trí, quyết đoạn tuyệt với ma túy. Và lần này anh đã làm được. Bỏ được “nàng tiên nâu”, anh hết lòng chăm sóc vợ con như thể bù lại những tháng ngày làm khổ chị. Hạnh phúc như nở hoa, họ nghĩ đến chuyện sinh thêm em bé. 
Tuy nhiên, không ngờ cuộc đời vẫn nghiệt ngã với chị đến vậy. Khoảng giữa năm 2008, vừa sinh ở bệnh viện huyện, chưa kịp nhìn thấy mặt con chị Thơ đã nhận được tin sét đánh mình bị nhiễm HIV, kèm theo đó là ánh mắt hằn học, hắt hủi, thái độ đầy nghi ngờ, miệt thị và lời khuyến cáo: “Không được cho con bú”. 
Lúc bấy giờ, tuy không biết cụ thể HIV là gì nhưng chị Thơ hiểu đó là căn bệnh rất nguy hiểm. “Mọi thứ quay cuồng, đất trời như sụp dưới chân tôi, cười không ra cười, khóc không ra khóc. Không biết sự nguy hiểm của căn bệnh như thế nào mà tôi đi đến đâu, mọi người đều dạt hết cả ra… Giờ nghĩ đến cảnh đó tôi vẫn thấy gai hết cả người!” - chị Thơ hồi tưởng.
Không dừng lại ở đó, chị Thơ cho biết, sáng chị sinh thì chiều mẹ con chị đã phải xuất viện. Cô em họ của chồng chị đến thăm, các nhân viên y tá trả lời tỉnh queo: “Bị Sida, về rồi”. Và thế là tin xấu loang hết ra cả khu. Vì chị bị nhiễm HIV nên mọi người khuyên anh đi xét nghiệm và anh nhận kết quả dương tính với HIV. Lúc bấy giờ thông tin về HIV chưa nhiều nên mọi người càng xa lánh vợ chồng chị. Cũng có vài người hảo tâm thi thoảng mang tới cho mẹ con chị đồng quà tấm bánh nhưng cũng chỉ đảo qua một chút rồi về chứ không dám ngồi nói chuyện, uống nước…
Đi về phía mặt trời
Nửa tháng trời biết mình bị nhiễm HIV là 15 ngày ròng chị sống trong nước mắt. Hết hành hạ mình, chị lại quay sang dằn vặt chồng. Sức khỏe đã yếu càng thêm yếu. Do tâm lý khủng hoảng và không được bồi bổ, CD4 của chồng chị tụt xuống chỉ còn 28, chị thì còn 90. Đó là thời điểm mà người ta vẫn gọi là AIDS giai đoạn cuối, nó cũng đồng nghĩa với cái chết. 
Nhìn thảm cảnh của vợ chồng chị, một cán bộ Trung tâm Y tế huyện trong một lần đến thăm đã “động viên”: “Thôi thèm gì thì cứ ăn rồi chuẩn bị lo hậu sự là vừa…”. Vẫn biết rằng mình sẽ chết nhưng khi đối mặt với cái chết, chị Thơ lại không còn cảm giác sợ hãi nữa. Và chị lay lắt sống với hy vọng mong manh con mình không bị nhiễm HIV từ bố mẹ. Nhưng kết quả xét nghiệm của con lại một lần nữa khiến chị suy sụp. Thương con một thì chị trách mình mười. Chị trách mình “không có được những kiến thức như bây giờ để phòng bệnh cho con và trách cuộc đời đã đen bạc với mẹ con chị”…
Năm bé được 3 tuổi, chị Thơ phải gửi con để đi làm, song hết nhà trẻ này đến nhà trẻ kia đều từ chối. May mắn có một trường dòng nhỏ đồng ý nhận bé. Nhưng cũng chỉ được vài hôm, chị phải cho con nghỉ học vì “các phụ huynh phản đối dữ quá”. Để chị em chúng ở nhà trông nhau chị không yên tâm và thế là “bố mẹ làm đâu con theo đó”… 
Không hiểu đã quen với sự khổ đau hay trong tận cùng của sự đau khổ mới biết thế nào là hạnh phúc mà chị Thơ bỗng thấy mình yêu đời và tự tin đến lạ lùng. Trong sâu thẳm trái tim chị, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống bỗng trỗi dậy. Ngày ngày vợ chồng chị chở con trên chiếc xe cà tàng – tài sản duy nhất còn sót lại của gia đình lên tỉnh lấy thuốc ARV về uống. 
Rồi những ngày tháng nghiệt ngã, cơ cực ấy cũng qua đi. Nhờ uống thuốc đều đặn, sức khỏe cả ba người trong gia đình chị đã dần ổn định trở lại. Có sức khỏe rồi, niềm tin vào cuộc sống trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Chị Thơ chợt thấy mỗi ngày, mỗi giây phút được tồn tại trên cuộc đời này đều đáng quý và chị nguyện sẽ sống hết mình với nó. Xem ti vi, thi thoảng chị lại thấy người ta nói về bệnh AIDS (cách dự phòng lây truyền, điều trị như thế nào có hiệu quả; đặc biệt là những hoạt động của một câu lạc bộ gì đó – nơi chỉ tập trung những người có chung hoàn cảnh như chị. “Tại sao mình lại không tham gia cho vui?” – ý nghĩ đó chợt lóe trong đầu chị. 
Được sự giới thiệu của một chị cùng cảnh trong khu, tháng 9/2011 vợ chồng chị Thơ đăng ký tham gia hoạt động cho Dự án Life Gap – một dự án hỗ trợ hoạt động phòng, chống AIDS tại Việt Nam. Làm việc ở đây một thời gian, chị Thơ mới thực sự hiểu sâu sắc về căn bệnh mà mình và những người thân của mình không may mắc phải. Đặc biệt, chị thấy “tự tin hơn rất nhiều và không còn nghĩ đến cái chết nữa…”. 
Cuối năm 2012, vì nhu cầu của thực tế, chị tách ra thành một nhóm nhỏ và được mọi người tín nhiệm bầu làm Nhóm trưởng nhóm “Bảy sắc cầu vồng”. Mục đích của nhóm là quy tụ những chị em có cùng hoàn cảnh, chia sẻ, động viên, giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ hỗ trợ các chị em kiến thức về dự phòng, điều trị HIV…, Dự án còn tập trung vào hỗ trợ họ về mảng sinh kế. Xuất phát từ hoàn cảnh bản thân, với vai trò của mình, chị Thơ luôn tận tình giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh. 
Nhờ sự động viên kịp thời của chị, không ít chị em đã xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Có trường hợp người vợ bị nhiễm HIV, vừa sinh con, chồng biết hắt hủi, lại không có nghề gì, chị Thơ đã đưa hoàn cảnh của mình ra để động viên, giới thiệu chị này nơi điều trị ARV, hỗ trợ sữa cho con chị, đồng thời đứng ra bảo lãnh cho chị vay vốn buôn bán nhỏ. 
Có trường hợp hai vợ chồng bị nhiễm, không có công ăn việc làm, chị giúp họ vay vốn nấu rượu, nuôi lợn, mua máy khâu may quần áo thuê. Bản thân chị cũng vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn này để nuôi gà, đầu tư 2 máy trộn bê tông, ai thuê thì làm kiếm thêm thu nhập. Vừa bày cách giúp các chị em khác sinh kế hiệu quả để trả nợ vay, chị vừa động viên chồng và chính mình tận dụng mọi khả năng để sinh lời hoàn vốn cho Quỹ. Hiện chị đã trả được một nửa số vốn, còn một nửa phấn đấu đến cuối năm sẽ thanh toán. 
“Lúc đầu mình cũng rất e dè trong khi chia sẻ về bản thân mình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại che giấu cũng thế thôi, cứ “bung” ra mà sống cho thoải mái” - chị Thơ chia sẻ. Với suy nghĩ này, chị đã mạnh dạn đứng lên nói cho mọi người biết cảnh ngộ cùng những tâm tư tận đáy lòng mình để động viên, khuyến khích người khác. Nhờ đó, các chị em cùng cảnh tìm đến với chị ngày càng đông hơn. 
Hiện nhóm của chị đã lên tới 175 thành viên (năm 2013 chỉ có 120). Thực tế, ở Bình Dương vẫn còn nhiều xã nghèo, vùng sâu, xa như Tân Hưng, Lai Uyên – Lai Khê, người dân kỳ thị khá nặng với người nhiễm HIV. Chính vì thế, chị Thơ vẫn không thể lơ là trong khâu truyền thông chống phân biệt đối xử với người nhiễm. Và chị sẽ còn phải lao tâm khổ tứ nhiều đối với công việc mà mình đã tâm huyết và gây dựng. 
… Gặp chị Thơ giữa tiết trời thu nồng nàn của Thủ đô Hà Nội, tôi như vui lây với niềm ao ước đã toại nguyện của chị (được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ; dạo quanh hồ Gươm và ngắm đêm Phố Cổ…). Mắt chị chợt ánh lên hạnh phúc khi bày tỏ khát khao: Vợ chồng, con cái luôn khỏe mạnh để sống, học tập và làm việc. Chị cũng mong muốn kiếm được nhiều tiền để cho con gái út đi học múa và thanh nhạc vì bé rất có năng khiếu hát múa. Và ngôi nhà nhỏ ấm áp của họ luôn rộn ràng niềm vui nhờ thiên thần nhỏ bé này. 

Đọc thêm