Khi “online” về tới bản

(PLO) - Kể từ năm 1997 khi Việt Nam chính thức kết nối mạng toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt cuộc sống, Internet đã được phổ biến rộng rãi trên khắp mọi miền của cả nước. Nhờ vậy, xã hội rộng lớn đã không còn xa lạ với thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số. Song khoảng trống về mặt tri thức khi các bạn trẻ online, luôn là những nguy cơ khôn lường…
Online tràn về thôn bản khi giới trẻ chưa kịp… “phòng vệ”. ( Ảnh minh họa)
Online tràn về thôn bản khi giới trẻ chưa kịp… “phòng vệ”. ( Ảnh minh họa)

Hàng xóm lên mạng… cãi nhau

Chị Đỗ Quỳnh Anh chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số  (DTTS) sử dụng internet ở khu vực phía Bắc” với khảo sát thanh niên DTTS trong không gian mạng được thực hiện ở thôn Lành (xã Phúc Lộc), thôn Mộc (xã Bành Trạch), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nhóm dân tộc Mông chiếm đến 95% cư dân thôn Lành, còn lại 5% là người dân tộc Dao.

Còn tại thôn Mộc, người dân tộc Tày chiếm 80% (đây cũng là nhóm cư dân chiếm đa số tại huyện Ba Bể), còn lại là một số hộ người Dao, Nùng và người Kinh. Có 63 người tham gia phỏng vấn, gồm cả nam lẫn nữ ở lứa tuổi từ 12 đến 53, gồm thanh thiếu niên và số ít là phụ huynh, cán bộ.

“Có khoảng 2/3 số các gia đình trong 2 thôn được phỏng vấn có 3-4 chiếc điện thoại, gần như mỗi thành viên sử dụng 1 thiết bị. Trẻ em cấp 2, cấp 3 đã sở hữu điện thoại cá nhân”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Đặc biệt 2-3 năm trở lại đây, giới trẻ dùng điện thoại thông minh phổ biến hơn. Chị Quỳnh Anh đưa ra một thực tế như tại xã xa nhất của Điện Biên, chị phải đi 3 tiếng đi xe, 1 tiếng lội bộ vào bản nhưng 3G đã phủ sóng. Điều đáng nói, internet để phục vụ cho công việc hay giải trí? Internet đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của người DTTS?  Thanh thiếu niên là đối tượng sử dụng internet chủ yếu ở địa bàn này.

Nếu như trước đây tivi như tâm điểm cuộc sống, giờ trong gia đình mỗi người 1 điện thoại, ai thích gì xem nấy vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ứng dụng sử dụng phổ biến nhất là giải trí, quan hệ, giao tiếp: youtube, facebook (FB), message, zalo… làm quen, kết nối… Và nữa, quan hệ xóm giềng đã chuyển sang không gian mới: cãi nhau, bức xúc tung lên mạng… lại trở nên khá phổ biến ở cộng đồng tưởng như ít tiếp xúc với công nghệ nhất.

 Có cô dâu mới về nhà chồng, cũng tìm kiếm sự giải tỏa trên internet rất nhiều, với niềm tin thơ ngây “nói thầm” trên mạng sẽ không bị ai dòm ngó (!). Các cặp vợ chồng dùng FB có nguy cơ dẫn đến ly hôn sớm.

Bởi khi đọc được những câu chuyện không hạnh phúc trên mạng, họ soi lại vào cuộc sống của mình, sẵn sàng ly hôn dù mâu thuẫn nhỏ. Và với họ, sau khi đã ly hôn, để người khác kết hôn với người đã ly hôn rất khó, một số người đã sẵn sàng sang biên giới, mà không cần biết tương lai mình ra sao.

Đồng thời, với một  số người, không gian riêng tư của cá nhân rất ít. Họ cho rằng, trong một ngôi nhà không có phòng riêng, trên mạng có không gian riêng tư. Trước đây “ngày nào cũng như ngày nào”, không nhớ được cụ thể ngày tháng năm, nhớ theo sự kiện, nhưng khi có FB tạo ra bể ký ức cho họ. FB thành không gian lưu trữ ký ức… 

 Một bạn nữ có gia đình kết bạn với người lạ là người nước ngoài. Một ngày, người lạ  gọi điện quấy rối (chat sex), chị sợ quá tắt đi. Chị sợ quá không dám kể cho chồng, nhưng kể với hàng xóm. Và thật bất ngờ là chị này cũng bị như vậy, qua hình thức gọi message sau đó quay vùng kín. Họ sốc và không dám chia sẻ với ai. Sau khi chuyện xảy ra, họ  bắt đầu xóa bớt bạn bè trên FB và chỉ kết bạn với những người quen.

“Nếu câu chuyện tương tự xảy ra với trẻ em thì không biết mức độ ảnh hưởng đến tâm lý các em sẽ như thế nào? Một em nhỏ khó mà chia sẻ câu chuyện tương tự nếu các em gặp phải”, chị Đỗ Quỳnh Anh cho biết. Tuy nhiên, các em gái nhỏ quen nhau trên mạng, yêu nhau rất phổ biến. 4-5 cặp lấy nhau do quen qua mạng bởi cùng dân tộc, cùng địa bàn trong huyện… 

Thêm nữa, khi thông tin trở thành nguồn vốn mới: Sản xuất nông nghiệp tại chỗ cũng muốn biết các thông tin liên quan. Nhóm khởi nghiệp, chia sẻ với nhau nhiều kiến thức. Kinh tế thị trường xuất hiện, tạo ra mối rạn nứt trong quan hệ hàng xóm sẽ dẫn tới việc các nhà dìm giá để bán được hàng…

Cảnh giác ứng xử trên mạng

Theo chị Quỳnh Anh, điều đáng lo ngại là các em không thể kiểm chứng được nguồn tin trên FB. Lừa đảo qua mạng cũng đã xuất hiện khi trong 2 thôn nhỏ mà có tới 4-5 trường hợp mất 5-6 triệu, còn chuyện lừa nạp thẻ điện thoại thì khá phổ biến. “Thông báo trúng xe máy, yêu cầu nạp tiền, người dân tin và tìm cách gửi tiền, đến khi không thấy xe đâu mới biết mình bị lừa”.

Cùng với đó, sinh hoạt cộng đồng của giới trẻ thôn bản hiện nay được thay bằng việc ra quán nước. Bởi quán nước lắp wifi, tập trung đông thanh thiếu niên (từ tiểu học đến THPT) sử dụng internet, các em không phải mua nước, bánh kẹo cũng có thể ngồi thoải mái. Lúc nào quán cũng đông, các em ăn cơm xong sẽ chạy vù ra đây, ngồi đến tận giờ đi ngủ mới về. Chính bởi vậy, tâm lý của các em là phải có điện thoại mới bằng bạn bằng bè. 

Có những em gái chìm đắm trong thế giới mạng, bởi em cho rằng ngoài đời không có gì vui, trong khi bạn trên mạng hiểu em hơn những người bạn thật. Mạng ảo theo các em đã đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần, tìm thấy không gian vui, giải quyết được nhu cầu về tinh thần. Có em có tới 2000-5000 bạn, đa số là người quen trên mạng, ở xa.

Nhiều em không kết bạn với người trong thôn vì ở ngoài nói chuyện nhiều rồi. Vậy nên, FB giống công cụ để tìm kiếm người yêu với giới trẻ.  Tuy nhiên, phần lớn các em không xác định được động cơ tốt xấu, với tiêu chí chọn bạn dễ dãi, chỉ cần  ảnh đẹp, gửi lời mời là kết bạn. 

Có nữ học sinh lớp 7 ngày nào cũng tung ảnh uốn éo lên để tìm người yêu qua mạng. Hay có em nam, dùng một lúc 4 nick ảo để có thể cùng lúc “bủa lưới” nhiều cô gái mà không sợ bị phát hiện và tìm đến đánh ghen…

Và ngay cả thanh niên đã có vợ con, nhưng vẫn thường xuyên chia sẻ ảnh nhạy cảm trên FB. Điều này dẫn đến việc trẻ có thể tiếp xúc với ảnh nhạy cảm một cách thụ động từ chính người thân của mình.

Chị Quỳnh Anh bày tỏ: “Sự chênh lệch kỹ năng sử dụng công nghệ khiến cho các phụ huynh thường bị tụt hậu khỏi các xu hướng và không có khả năng để hướng dẫn con truy cập mạng an toàn. Vì thế, dù lo lắng cho con có thể gặp phải nguy hiểm trong thế giới online, các phụ huynh cũng không thể cung cấp được những kiến thức và kỹ năng tổng thể và thiết thực.

Những gì thanh thiếu niên nhận được từ gia đình, nhà trường có chăng chỉ là những cảnh báo chung chung, chủ yếu mang tính vụ việc. Cần có các nghiên cứu khác để tìm hiểu sâu hơn về sự tương tác giữa các nhóm dân tộc trong thế giới online và ảnh hưởng của chúng đến văn hóa của cộng đồng người DTTS”…

Cùng góc nhìn này, ông Bùi Duy Thành, điều phối viên dự án “An toàn trên mạng”, Tổ chức ChildFund cũng chia sẻ dự án “An toàn trên mạng” được triển khai từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2020 tại địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Kết quả khảo sát nghiên cứu “Thanh niên online: Tiếp cận internet và sử dụng mạng xã hội của thanh niên tại Việt Nam” của Jacob Cawthorne và Mai Thanh Hà thực hiện vào năm 2016 tại 3 tỉnh này với 200 trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) như Tày, Nùng, Dao, Mường từ 11 đến 18 tuổi. Trong đó, trẻ em gái chiếm trên 50%.

Khảo sát này đưa ra những phát hiện khiến nhiều người giật mình: “Trung bình giới trẻ dùng truy cập internet mỗi ngày 3 tiếng; 3/4 phụ huynh không kiểm soát thời gian truy cập mạng của con cái; Trẻ em gái truy cập mạng thường xuyên để nhắn tin, vào mạng xã hội chia sẻ ảnh; 53% trẻ em gái từng gặp bạn bè trực tuyến ngoài đời thực, trong đó 70% gặp ngay sau lần nói chuyện đầu tiên…

Trong 1 năm trở lại đây, ông Thành tiếp xúc nhiều với đối tượng là trẻ DTTS và nhận thấy có những trẻ sử dụng internet từ 3 đến 8 tiếng mỗi ngày, thậm chí có những em sử dụng lên đến 10 tiếng mà không hề bị kiểm soát. Bởi tuy sống ở vùng DTTS nhưng FB của em ít bạn bè nhất cũng lên đến… 700, cao là hơn 1.000.

“Thậm chí, có học sinh lớp 7 ở huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), đường đi khó khăn, hơn 4km mà phải đi hơn 1 tiếng mới đến nơi, nhưng có tới 4.999 bạn. Em rất tự hào vì sở hữu FB có số bạn bè nhiều nhất trường. Tuy nhiên, khi tôi vào trang của em xem, chỉ trong 1 phút đã thấy em chia sẻ hình ảnh bạo lực học đường, cặp đôi thân mật, livestream bán hàng… Không có một nội dung nào hữu ích”.

Cùng với đó, một thành viên nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông tại Hà Nội cũng cho biết, cách đây 1 năm, cậu từng thực hiện khảo sát học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 tại Sapa, chỉ có vài em con nhà khá giả dùng điện thoại thông minh và có FB. Sau 1 năm, mới đây quay lại thì thấy số trẻ dùng mạng xã hội tăng đột biến, đa số trẻ đều đã dùng FB, có những em có tới 2-3 địa chỉ FB.

Trong khi đó, thực tế, mạng internet và mạng xã hội đang là công cụ là các nhóm xâm hại trẻ em, bắt cóc, lừa bán… như một thành viên của tổ chức Plan cho biết, họ đã làm khảo sát ở Lai Châu, Hà Giang, đã từng có chuyện, một ngày đẹp trời có người ở đâu đó đón các em đi, không biết đi đâu. Nhóm bạn nói đi làm, đi theo người yêu…

Thêm nữa, người Mông thường có quan hệ xuyên biên giới. Có khu vực bị lũ lụt, phải nhận trợ cấp nhưng họ đi mua xe máy do có tiền viện trợ gửi về từ Mỹ. Anh này tiết lộ cộng đồng của anh ta tham gia đạo Tin Lành.

Ông Thành lo ngại: “Tôi rất lo với kiểu dùng mạng xã hội thế này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của học sinh này trong tương lai. Trên mạng có nhiều kết nối, nhưng không phải ai cũng là người tốt, cũng như không phải thông tin nào cũng đáng tin cậy.

Rất nhiều trẻ chưa hiểu được vấn đề này và có niềm tin ngây thơ rằng, những thông tin xuất hiện trên các trang mạng là đúng sự thật và lập tức chia sẻ ngay. Dẫn đến tình trạng có rất nhiều em bị lừa đảo trên mạng”.

Theo ông Thành, ông luôn muốn nói với trẻ rằng ứng xử ngoài đời thế nào trên mạng cũng nên ứng xử như vậy, nhưng trẻ DTTS thì nghĩ rằng, chúng có thể làm bất cứ điều gì trên mạng, tính ẩn danh khiến trẻ cảm thấy mình như người tàng hình…

Chính từ thực trạng này, chúng tôi tiến hành tập huấn cho trẻ, ngăn ngừa lạm dụng, bóc lột trẻ em trên mạng, trao quyền cho thanh thiếu niên sử dụng mạng an toàn và hiệu quả. Bởi thực tế, an toàn trên mạng chậm hơn tốc độ phát triển của công nghệ rất nhiều…

Đọc thêm