Mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình: Khó xác định vụ nào được hòa giải, vụ nào không

(PLO) - Nói đến bạo lực gia đình (BLGĐ) người ta thường nghĩ đó là nắm đấm, là tiếng người la hét, đuổi nhau, kêu khóc... Và để xóa bỏ BLGĐ thì chỉ cần xóa bỏ những thứ đó. Nhưng trong thực tế cuộc sống, việc xóa bỏ BLGĐ không hề dễ dàng nếu không có sự nỗ lực của nhân lực thực hiện cũng như sự khả thi cao của chính sách, pháp luật nhà nước. Hay nói cách khác, 10 năm nay Luật Phòng, chống BLGĐ rất nhiều phen phải “loay hoay” với những điều khoản mơ hồ, không thực tế.
Các thẩm phán TAND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tiến hành hòa giải một vụ việc hôn nhân và gia đình (Ảnh minh họa)
Các thẩm phán TAND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tiến hành hòa giải một vụ việc hôn nhân và gia đình (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, số vụ việc tiếp nhận hòa giải thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ cao hẳn so với các lĩnh vực khác như: đất đai, môi trường, sinh hoạt trong cộng đồng... Và đây cũng là lĩnh vực còn rất nhiều vụ hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng một thời gian sau mâu thuẫn, tranh chấp lại tiếp diễn. Vì sao?

Năm 2017 tiếp nhận 136.407 vụ việc hòa giải trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Ông Trần Văn Hô, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là người đã có nhiều năm làm công tác hòa giải cơ sở, ông Hô kể về một trường hợp hòa giải đáng nhớ, đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn và chưa nhập hộ khẩu, trong khi ngôi nhà mới đã đứng tên người em trai.

Hai chị gái chồng chẳng hiểu nghe gièm pha thế nào lại sợ em dâu chiếm đoạt tài sản sau khi về ở cùng em trai mình trong ngôi nhà mới xây nên tìm cách đuổi em dâu ra khỏi nhà và đòi lại quà cưới mà trước đây họ đã tặng.

Sau khi nghe câu chuyện, ông Hô cùng các thành viên trong Tổ hòa giải đến tận nhà để phân tích cho hai bên hiểu và khuyên ngăn họ nên dung hòa để giúp cho đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống hạnh phúc. Sau đó, các thành viên trong Tổ hòa giải nhờ cán bộ tư pháp phường hướng dẫn đôi vợ chồng trẻ đăng ký kết hôn và tạm trú trước, sau đó, hai cô chị mới chấp nhận để hai vợ chồng trẻ cùng về nhà ở...

Trên đây là một trong những vụ hòa giải liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở địa phương. Thông tin do Bộ Tư pháp cung cấp tại Hội thảo khoa học “10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ – thực trạng và giải pháp” được Bộ VHTT&DL tổ chức cho thấy, theo số liệu tổng hợp báo cáo hàng năm của 63 tỉnh, TP, các vụ việc hòa giải liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình thường là phát sinh từ quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con, ông bà và cháu, liên quan đến cấp dưỡng, ly hôn.

Số liệu gần nhất cho thấy, trong năm 2017, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là 136.407 vụ việc, trong đó hòa giải thành 108.757 vụ việc chiếm 80%; hòa giải không thành  23.820 vụ việc chiếm 17,5%...

Luật thiếu hướng dẫn “gây khó” cho hòa giải viên 

Số vụ hòa giải không thành nêu trên đã chứng minh cho một nhận định trong báo cáo của Bộ Tư pháp rằng: “Những năm gần đây, số vụ việc tiếp nhận hòa giải thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ cao so với các lĩnh vực khác, tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc thuộc lĩnh vực này cũng đạt kết quả tốt với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực vẫn còn rất nhiều các vụ hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng một thời gian sau thì mâu thuẫn, tranh chấp lại tiếp diễn”.

Câu chuyện của bà Trần Thị Miền - cán bộ hòa giải ở xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - dưới đây sẽ minh chứng cho nhận định này. Đó là chuyện của một cặp vợ chồng mâu thuẫn vì tính keo kiệt của chồng.

Do người chồng đòi quản lý hết tiền bạc trong nhà, hàng ngày chỉ cho vợ 20.000 đồng mua thức ăn. Vì vậy, vợ chồng “cãi nhau như cơm bữa”, bảy ngày ba trận đánh nhau. Mấy lần đầu hòa giải thành công, tưởng như anh chồng nghe lời, hiểu chuyện, nhưng khi Tổ hòa giải về thì… đâu lại vào đấy, cuối cùng hai vợ chồng phải ly hôn.

Nguyên nhân của những vụ hòa giải không thành đối với các vụ việc liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình được báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra là do xuất phát từ sự phức tạp của các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình.

Trong khi đó năng lực và trình độ hiểu biết của hòa giải viên chưa đồng đều, còn thiếu phương pháp, kỹ năng và kiến thức pháp luật chuyên sâu về hòa giải. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng hành vi BLGĐ vẫn được hòa giải viên tiếp nhận và hòa giải nên kết quả hòa giải không thành hoặc không như mong muốn, vi phạm tiếp tục tái diễn.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là do đến nay vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được và không được hòa giải đối với các vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình khiến hòa giải viên khó áp dụng đúng trên thực tế. 

Cụ thể, Luật Phòng chống BLGĐ đưa ra quy định về nguyên tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình nhưng lại chưa làm rõ các trường hợp BLGĐ có được hòa giải hay không (khoản 1 Điều 15 Luật Phòng chống BLGĐ).

Bên cạnh đó, Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật cũng chỉ quy định không hòa giải “đối với vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết”, nhưng không nêu hành vi vi phạm cụ thể trường hợp nào không được tiến hành hòa giải ở cơ sở.

Do đó, hòa giải viên khó xác định những vụ việc nào được phép hòa giải ở cơ sở, những vụ việc nào thì không được phép…

(còn tiếp) 

(Mời độc giả đón đọc Bài 2: Cách ly nạn nhân khỏi người gây BLGĐ: Phải có đơn mới mong chạy thoát khỏi bàn tay vũ phu?) trên số báo ra ngày 10/12.  

Đọc thêm