Nàng dâu trẻ đánh mất gia đình vì thói quen 'mách mẹ'

(PLO) - Nghe con gái kể bị cô lập ở nhà chồng, bà Quỳnh (60 tuổi, TP HCM) rất giận, ép con phải ly hôn chàng rể bằng được. 

Vợ chồng Hương (25 tuổi), anh Trường (32 tuổi) cùng làm kiến trúc sư nên hỗ trợ nhau rất nhiều trong công việc, nhưng đó cũng là lý họ thường xuyên mâu thuẫn. Mỗi lần như thế, Hương đều tìm mẹ chồng tâm sự, mong bà đứng về phía mình, mắng con trai. Bà Ước (mẹ anh Trường) nghe chỉ ậm ừ rồi im lặng khiến nàng dâu thất vọng, nghĩ mình là con gái cưng trong gia đình danh giá mà bị cô lập ở nhà chồng nên về mách mẹ đẻ.

Nghe con gái kể, bà Quỳnh vừa bức xúc vừa xót con. “Là mẹ, thấy hai đứa cãi nhau thì phải đứng ra hòa giải, khuyên bảo để giữ hạnh phúc gia đình cho chúng, đằng này cứ im lặng là không được”, bà nói rồi buộc con gái đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn để ly hôn chàng rể. Hương ban đầu phản đối, cho rằng, tình yêu với chồng vẫn còn, cô chỉ buồn mẹ chồng mà thôi. Bà Quỳnh ra điều kiện, "mày không bỏ nó thì đừng nhìn mặt bố mẹ". Chẳng thể làm khác, Hương phải đi cùng.

Nghe con gí kể bị cô lập ở nhà chồng, bà Quỳnh vừabức xúc vừa xót con- Ảnh minh họa:huffpost.

Nghe con gáikể bị cô lập ở nhà chồng, bà Quỳnh vừabức xúc vừa xót con- Ảnh minh họa:huffpost.

Tiếp nhận câu chuyện, luật sư Lâm Quang Quý (Đoàn luật sư TP HCM) được biết, vợ chồng Hương cưới nhau đến nay đã hơn 5 năm, có một con trai chung. Hai vợ chồng làm cùng công việc nên mỗi khi thảo luận ý tưởng thiết kế hay bàn đề tài kiến trúc là gây sự, chỉ vì ai cũng cho mình đúng. Anh Trường thấy vợ làm phật ý thì lớn tiếng quát mắng, còn Hương mặt lầm lì quyết bảo vệ quan điểm đến cùng. 

Bà Ước chỉ có một mình anh Trường là con nên luôn thương yêu, vì thế, mỗi khi nghe con dâu kể tội chồng đã rất buồn. Thời gian đầu, bà ra sức khuyên bảo, phân tích để cả hai nhận ra lỗi sai, nhằm mục đích hàn gắn gia đình. Nhiều lần phải giải quyết chuyện của các con, người mẹ ấy rất bực, bà quyết định im lặng, mặc cả hai tự giải quyết. “Chúng nó lớn rồi, đã có gia đình riêng thì tự chịu trách nhiệm những gì mình làm”, bà nói. Đó chính là nguyên nhân làm chị Hương nghĩ rằng mình bị cô lập ở nhà chồng.

Hương cho biết, mẹ chồng chỉ không nói chuyện chứ chăm sóc con dâu rất chu đáo, nhưng mẹ đẻ cô không chịu, nhất quyết đòi giải đưa ra tòa. “Con tôi sinh ra, nâng niu chăm sóc từ bé, chỉ cần đứt tay chảy máu một tý thôi cũng đứt ruột, chẳng bao giờ la mắng, vậy mà đi lấy chồng nó bị người ta đối xử tệ quá”, bà Quỳnh gay gắt. 

Luật sư Quý khuyên bà cách làm đó không hay, có khi lại gây thêm nỗi đau cho mẹ con Hương. Anh Trường là con một, công việc ổn định, thu nhập cao, nếu ly hôn chẳng mấy chốc sẽ cưới được vợ, Hương rồi cũng lấy chồng, đứa trẻ phải sống trong cảnh con anh, con tôi. Theo luật sư, mâu thuẫn xảy ra chẳng qua do người trong cuộc có cách cư xử không khéo léo mà thôi, chưa đến mức phải li dị. 

Thấy bà Quỳnh chưa xuôi, vị luật sư bồi thêm, luật hôn nhân gia đình, cha, mẹ,  có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, trường hợp của Hương thì không được. Như hiểu ra, mẹ con bà Quỳnh lặng lẽ đi về.

Vị luật sư tưởng rằng câu chuyện sẽ kết thúc ở đó. Nhưng chỉ hơn tháng sau, bà Quỳnh lại đưa con gái đến gặp ông với thái độ gay gắt hơn lần trước. Bà kể, lúc từ văn phòng luật sư về, Hương và chồng cãi nhau, cô đã bế con về nhà bố mẹ đẻ ở hẳn. Nhớ cháu nội, bà Ước cùng chồng qua thăm nhưng không thích chạm mặt bên thông gia, muốn đưa cháu đi nơi khác cho dễ chuyện trò. Bao nhiêu giận hờn từ trước cộng dồn làm bà Quỳnh không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng chửi bới, nhất định giữ cháu trong nhà, vậy là hai bên mâu thuẫn và chỉ dừng lại bằng biên bản làm việc của công an phường. 

Lần này, những lời khuyên của luật sư không giúp ích được gì, bởi không chỉ bà Quỳnh mà chị Hương cũng quyết ly hôn. “Mâu thuẫn giữa hai gia đình đã gay gắt lắm rồi, tôi có quay lại sống cùng họ chưa chắc đã hạnh phúc”, Hương nói. Cuối năm 2017, hai gia đình thông gia gặp nhau tại tòa án TP HCM với những trách móc, ánh mắt lườm nguýt. Lúc đầu anh Trường ra sức níu kéo, nhưng thấy chị Hương cương quyết cũng chấp nhận. Tòa giải quyết cho họ được ly hôn, giao con trai cho chị Hương nuôi.

Thạc sĩ tâm lý Trần Đăng Thảo cho biết, người mẹ ở câu chuyện trên không đúng khi can thiệp quá sâu vào đời sống gia đình của con gái, còn chị Hương thì không giải thích rõ ràng. Ông cho biết, từng gặp rất nhiều trường hợp tương tự. Sau ngày cưới, cô gái có những hành động khiếm nhã nên phía nhà chồng nhắc nhở thì cô về kể với mẹ. Chưa hiểu rõ đầu đuôi ra sao, bà mẹ bênh con nên tìm đến nhà thông gia chửi bới, làm lớn chuyện. Người mẹ ấy chỉ nhận ra mình sai khi câu chuyện kết thúc bằng bản án ly hôn của tòa cho đôi trẻ.

Theo ông Thảo, hiện nay, nhiều người mẹ có quan niệm, con gái lấy chồng, nếu thấy khổ cực thì hãy bỏ về, nguyên nhân cũng vì họ sinh ít con nên lúc nào cũng đứng ra bao bọc, bảo vệ, đau xót khi thấy con gái chịu cực khổ khi đi làm dâu. Vị chuyên gia cho rằng, quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm và người mẹ ấy đã vô tình làm mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn. Bởi gia đình nào cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, người trong cuộc hiểu rõ nhất và biết nên giải quyết như thế nào. Là cha mẹ chỉ nên đứng ngoài cuộc khuyên bảo, phân tích giúp các con biết việc nào nên làm, việc nào không.

Vị chuyên gia cũng cho biết, ông đã gặp nhiều người mẹ đến nhờ tư vấn do trước đó bênh con gái, lớn tiếng chửi bới nhà thông gia, giờ nhận ra mình sai, muốn đưa con gái trở lại nhưng không biết giải quyết thế nào. Ông khuyên họ nên suy nghĩ thật kỹ, bởi khi mâu thuẫn xảy ra thì cả hai bên đều mang trong mình một vết sẹo lớn, khó phai mờ, vì thế, nếu quay lại chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau chứ tình cảm chẳng còn nữa. "Tôi mong rằng, các bà mẹ hãy thật bình tĩnh giải quyết tình huống, đừng để khi mâu thuẫn xảy ra, muốn quay lại thì đã muộn", vị chuyên gia nói.

Đọc thêm