Nền kinh tế biển của người Việt cổ

(PLO) - Nếu như Văn hóa Hòa Bình được xem là một trong những trung tâm phát minh nông nghiệp sớm nhất thế giới thì Văn hóa Cái Bèo và Hạ Long ở cuối giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới ghi nhận nền kinh tế dựa vào biển rõ rệt nhất của người Việt cổ. Họ đã biết chế tạo thuyền đi biển, chế tác đồ trang sức từ vỏ nhuyễn thể làm hàng hóa giao lưu.
Di chỉ làng chài cổ Cái Bèo
Di chỉ làng chài cổ Cái Bèo

Làng chài lớn nhất thời tiền sử

Văn hóa Cái Bèo có niên đại khoảng 7500 đến 5000 năm TCN gắn liền với di chỉ Cái Bèo thuộc huyện Cát Hải (TP Hải Phòng). Di chỉ này được nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện năm 1938 và đặt tên là di chỉ Vịnh làng chài. 

Di chỉ Cái Bèo rộng 18.000m2 sau đó được các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật 4 lần vào các năm 1973, 1981, 1986 và 2006. Kết quả khai quật cho thấy tầng văn hoá có 3 lớp, từ độ sâu 0,2m – 3,2. Từ năm 1938, nữ khảo cổ học người Pháp đã khẳng định đây là nôi văn hoá cổ của Việt Nam.

Tiếp tục hành trình tìm hiểu về ngôi làng trên biển cổ này, các nhà khảo cổ học tìm thấy tại đây hàng trăm công cụ ghè đẽo, công cụ mài toàn thân và mài từng phần bằng đá gồm: rìu, nạo, bàn mài, bàn kê, rìu có vai, rìu tứ diện, rìu có vai có nấc, mũi nhọn. Ngoài ra đồ gốm cũng được tìm thấy với gần 15 ngàn mảnh, gốm thô, nặn bằng tay và bàn xoay cùng nhiều xương, răng động vật.

Đặc biệt từ tháng 12/2006-1/2007, đợt khai quật do Sở Văn hoá - Thông tin TP Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện đã thu được 137 hiện vật bằng đá, 1.424 mảnh gốm thời tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật, vỏ nhuyễn thể biển cùng nhiều tài liệu về địa tầng, di tích lịch sử khác.

Rìu đá, trang sức của người Hạ Long
Rìu đá, trang sức của người Hạ Long

Các nhà nghiên cứu dựa vào những hiện vật tìm thấy đã khẳng định Cái Bèo là nơi cư trú của quần thể ngư dân tại một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất nước ta cách đây hàng nghìn năm. Vị trí Cái Bèo nằm lọt thỏm giữa thung lũng núi đá vôi chạy dọc bờ biển cho thấy người Việt Cổ đã rất tinh tế trong việc lựa chọn vị trí cư ngụ, vừa thuận lợi cho khai thác biển vừa hạn chế thiên tai nhờ những núi đá vôi chắn gió, chắn sóng.

Với những giá trị lịch sử đem lại, Cái Bèo là một trong số những di chỉ tiền sử nổi tiếng ở vùng duyên hải Đông Bắc và đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 2009. Ngày nay Cái Bèo trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Đến nơi đây du khách không chỉ được tìm hiểu và khám phá cuộc sống thanh bình của người dân làng chài nơi đây mà còn được tìm hiểu về lịch sử của ngôi làng chài cổ. 

Hạ Long- Đặc trưng văn hóa biển

Bước sang nền Văn hóa Hạ Long (gọi theo di chỉ Hạ Long, Quảng Ninh), cuộc sống dựa vào biển của người Việt cổ càng được minh chứng rõ ràng hơn. Văn hóa Hạ Long tồn tại trong khoảng thời gian từ 4500 - 3000 năm cách ngày nay. Đây là giai đoạn tương ứng với thời đại hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí theo cách phân kỳ lịch sử trong khảo cổ học.  Văn hóa Hạ Long phân bố trên một không gian rộng lớn thuộc ven biển và các hệ thống đảo thuộc hai tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay.

Đặc trưng nổi bật nhất làm thành dấu ấn của Văn hóa Hạ Long là kỹ thuật chế tác rìu và công cụ lưỡi xòe. Tính chất biển của nền văn hóa này thể hiện ở việc pha trộn vỏ nhuyễn thể để chế tác đồ gốm. Các hoa văn trên đồ gốm chứng tỏ người việt cổ ở giai đoạn này đã biết trồng cây lấy sợi, se sợi đan lưới hoặc làm dây câu đánh bắt cá. Người tiền sử còn biết chế tác đồ trang sức bằng đá, xương cá hoặc vỏ nhuyễn thể để giao lưu với các cư dân khác ngoài Văn hóa Hạ Long.

Năm 1938, nhà khảo cổ học người Thụy Điển  G.J.Anderson lần đầu tiên phát hiện di chỉ Văn hóa Hạ Long ở đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Từ đó đến nay đã có 37 di chỉ đồng loại được phát hiện trên các đảo và ven bờ Vịnh Hạ Long.

Các nhà khảo cổ học quốc tế cũng như trong nước đánh giá đây là một nền văn hóa biển. Điều này có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn, bởi vì không chỉ người Hạ Long sống với biển mà tiền nhân của họ là người Soi Nhụ (thuộc văn hóa Soi Nhụ) có niên đại sơ kỳ Đá mới, tương đương Hòa Bình, Bắc Sơn cũng đã tiếp xúc, thậm chí đã sống với biển trên chính không gian phân bố của Văn hóa Hạ Long sau này. Tiếp theo sau Soi Nhụ, cũng tại vùng đất thuộc Văn hóa Hạ Long đã xuất hiện Văn hóa biển Cái Bèo. 

Vịnh Hạ Long, nơi tồn tại một nền văn hóa tiền sử độc đáo
Vịnh Hạ Long, nơi tồn tại một nền văn hóa tiền sử độc đáo

Đến thời kỳ Văn hóa Hạ Long, yếu tố biển lại càng rõ ràng: Họ cư trú trên các đảo, trên các đượng cát cạnh các vũng vịnh ven biển; họ khai thác biển bằng phương thức bắt nhuyễn thể, đánh cá bằng chài lưới, đăng đó, rào chắn, bằng lao…; họ là những con người đầu tiên trên thế giới biết chế tác thuyền đi biển: Bằng chứng còn lại là một loạt rìu búa lớn bằng đá cứng, bán quí không hề phát hiện được ở nơi nào khác trên đất nước ta, ngoài phạm vi phân bố của Văn hóa Hạ Long.

Phương thức sống của người Hạ Long là tiến hành các hoạt động trao đổi rộng rãi với các cư dân ven biển và với cư dân sống trong đất liền. Gần đây khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện được mỏ đá bán quí có nguồn gốc núi lửa thuộc thời đại đá mới tại khu vực Quảng Đông. Đây chính là loại nguyên liệu làm ra những chiếc rìu bôn để chế tác thuyền của người Hạ Long.

Các nhà khảo cổ học cho rằng người Hạ Long còn trao đổi các sản phẩm khai thác biển để lấy lương thực, thực phẩm của các cư dân làm nông trong đất liền. Loại ốc tiền phổ biến ở biển Hạ Long còn đựợc phát hiện trong các địa điểm thuộc Văn hóa Bắc Sơn, Mai Pha và nhiều nơi khác, kể cả vùng Tây Bắc xa xôi.

Về ngôn ngữ, người Hạ Long có thể là các cư dân nói tiếng Malayo-Polynesian theo nhận định của nhà nghiên cứu Hà Hữu Nga. Cho đến nay đã có bằng chứng chắc chắn rằng một trong những quê hương đầu tiên của người nói tiếng Nam Đảo là khu vực ven biển nam Trung Quốc và phía bắc Việt Nam.

Đặc trưng nổi bật của người nói tiếng Nam Đảo là các cư dân biết làm thuyền bè và di cư bằng thuyền bè sớm nhất, trên một phạm vi rộng nhất thế giới từ khắp vùng Đông Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Ấn Độ Dương (Madagasca) đến tận các đảo cực nam châu Mỹ. Ngày nay tại Việt Nam còn có một số nhóm nói ngôn ngữ Nam Đảo, đó là người Chăm, người Raglei, người Ê Đê, người Ja Rai và người Chu Ru.

Nhắc đến Văn hóa Hạ Long, người ta còn nhắc đến những biểu tượng. Một trong những biểu tượng lớn của cư dân Hạ Long chính là sức mạnh sóng nước. Họ đã biểu tượng hóa sức mạnh này bằng loại hoa văn chắp thêm hình sóng nước. Không phải ngẫu nhiên mà M. Colani đã gọi nó là hoa văn hình rắn.

Nhưng trước khi phát triển thành biểu tượng rắn lớn - rồng, hình tượng này còn được biểu hiện bằng hoa văn hình chữ S, văn mép miệng vỏ sò, hồi văn. Đỉnh cao của biểu tượng văn sóng nước, sức mạnh ghê gớm nhất của biển cả chính là tục xăm mình của các cư dân biển. Bằng tục xăm mình, họ đồng nhất hóa bản thân với sóng nước, với hình tượng rắn lớn.

Và đặc biệt nhất là hình tượng rồng, một biểu tượng quốc gia Việt cổ được xem do người Hạ Long sáng tạo nên. Các nhà nghiên cứu lập luận không thể phủ nhận hình tượng giao long-rắn lớn- rồng (sau này) là linh hồn văn hóa của cư dân Hạ Long trước đó- biểu tượng sóng nước, rắn lớn. 

(Còn tiếp)

Vào cuối thời kỳ Văn hóa Hạ Long, tức là cách ngày nay khoảng 3.000 năm, mực nước biển rút nhanh rồi ổn định như hiện nay. Đây cũng là lúc bắt đầu hình thành châu thổ sông Hồng. Các nhóm cư dân thời đại Đồ đá mới, trong đó có cư dân thuộc Văn hóa Hạ Long bắt đầu chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với việc tiến vào khai phá vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, để rồi hình thành nên các nền văn hóa cổ thuộc thời đại Kim khí, góp phần thúc đẩy cho sự ra đời nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Đọc thêm