Người dân chuộng lẽ công bằng

(PLO) - Cư dân mạng hết sức thích thú khi xem đoạn video clip quay cảnh người dân quây lại khống chế giang hồ mang hung khí đòi bảo kê máy gặt ở Quảng Xương (Thanh Hóa). Tương tự như vậy, vụ giả danh công an bắt giữ người ở Quốc Oai (Hà Nội) người dân cũng can thiệp kịp thời, ngăn chặn sự lộng hành, coi thường pháp luật của nhóm thanh niên có còng tay, dùi cui điện.
Thanh niên xăm trổ bị người dân trói lại vì đòi "bảo kê" máy gặt.
Thanh niên xăm trổ bị người dân trói lại vì đòi "bảo kê" máy gặt.

Sự can thiệp của người dân như vậy cho thấy họ căm ghét những kẻ ỷ thế sức mạnh chèn ép người khác, không chịu được những hành vi ngang ngược. Khi Công an xuất hiện, họ tin tưởng giao nộp những kẻ đó và tin rằng chúng sẽ bị xử lý đến nơi, đến chốn. Đây không phải là hành vi manh động mà là biểu hiện của sự chuộng lẽ công bằng của dân ta.

Dẫn ra những câu chuyện này để minh chứng cho vụ án đang xét xử tại thành phố Hòa Bình lại được mọi người quan tâm đến thế và hầu như tất cả đều đứng về phía bác sỹ Lương với cảm nhận người thầy thuốc này vô tội. Họ nói lên ý kiến của mình chứ không phải chuyện “cầm đèn chạy trước ô tô”. Quyền bày tỏ ý kiến cùng với sự yêu chuộng lẽ công bằng khiến người ta lên tiếng, kể cả những người nhà của nạn nhân.

Và cũng vì chuộng lẽ công bằng nên dư luận bức xúc trước chuyện một ông Bí thư Huyện ủy nợ đầm đìa bị cảnh cáo lại lên giữ chức Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Hoặc một “thiếu gia” đánh phụ nữ tàn bạo giữa quán bánh xèo chỉ bị phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Hay chuyện lớn hơn, một thanh niên tham gia trong vụ xô xát gây chết người chỉ bị 18 tháng tù treo và giờ lên chức Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, người “hoàn lương thăng tiến’ đó là con của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà.

Những chuyện này xảy ra trong lúc công tác tổ chức cán bộ được chú trọng, đạo đức công vụ được đề cao, loại bỏ những tàn tích “hậu duệ”, những hành vi bao che lẫn nhau, nể nang hoặc “nâng đỡ thiếu trong sáng”.

Sự chuộng lẽ công bằng còn thể hiện ở các vụ việc còn “trứng nước” hoặc tiên liệu có thể xảy ra. Khi bàn về Luật Đặc xá, có ý kiến đại biểu e ngại điều kiện khắc phục bằng tiền sẽ xảy ra cảnh “người giàu thoát tù, người nghèo tù rũ xương”. Hoặc khi đã đủ bằng chứng, cơ quan điều tra tỉnh Phú Thọ đã thêm tội danh “hối lộ” trong vụ đánh bạc công nghệ cao, kẻ cầm đầu đã khai nhận đưa tiền, vật trang sức có giá trị cho các vị tướng Công an, mặc dù các vị này phủ nhận. Dư luận e ngại rằng, lại như vụ xử xe “lô gô vua” mới đây, chỉ có tội phạm là người đưa hối lộ mà không có kẻ nhận hối lộ. Như thế, sao có thể coi được là lẽ công bằng?.

Dân ta yêu chuộng công bằng từ việc rất nhỏ và luôn luôn đấu tranh để sự công bằng đó được duy trì trong xã hội chúng ta.

Đọc thêm