Người dân thấp thỏm lo sạt lở, học trò nín thở ngồi đò qua sông Trà Bồng

(PLO) -Nước sông dâng cao, đất xói lở, việc đi lại của người dân thôn Đông Yên 3 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, người dân nơi đây rất cần giải pháp bền vững để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão.
Hàng trăm học sinh chấp nhận qua sông Trà Bồng trên con đò nhỏ đến trường
Hàng trăm học sinh chấp nhận qua sông Trà Bồng trên con đò nhỏ đến trường

Sống chung với “tử thần”

Thôn Đông Yên 3 nằm cách biệt giữa lòng sông Trà Bồng, mỗi mùa nước lũ, sông lại cuốn trôi thêm vài chục mét đất, người dân đã phải di dời nhiều lần suốt từ những năm 2000 đến nay. Thế nhưng tình trạng sạt lở ở đây vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng.

Các đợt mưa lũ liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, nước sông Trà Bồng dâng cao, chảy siết đã kéo sập hàng trăm mét đất, bứng nhiều lũy tre bao ruộng vườn, cây cối của người dân trong thôn. Hậu quả, nhiều nhà dân đã ở sát mép sông, đối diện với mất nhà, mất đất. Không ít nhà đã đổ sập.

Ông Nguyễn Văn Nam (thôn Đông Yên 3) cho biết: “Cả tháng nay, nước sông luôn ở mức cao. Có hôm nước lên rất nhanh, chỉ trong chốc lát đã cuốn trôi gần chục mét đất, kéo tới vách chuồng heo, sập cả cây cối hàng chục năm tuổi. Hiện giờ nhà tôi chỉ còn cách bờ sống chưa tới 4m, mực nước sống sát vườn nhà sâu hơn 7m”.

Cứ đến mùa mưa lũ, chiếc cầu tre mỏng manh nối liền xóm 9 (thôn Đông Yên 3) với trung tâm xã Bình Dương lại được tháo dỡ đề phòng nước lũ cuốn trôi. Vì vậy, 150 học sinh xóm 9 phải vượt sông Trà Bồng đến trường trên những chuyến đò chênh chao giữa dòng nước xiết.

Em Nguyễn Thanh Bình (học sinh lớp 11, Trường THPT Bình Sơn) cho biết: “Mấy hôm lũ lớn các em nhỏ tuổi phải nghỉ học, còn tụi em lớn hơn nên cố gắng đến trường nhưng sợ lắm. Gần cuối cấp nên dù nguy hiểm vẫn phải đến trường bởi mỗi năm nước lũ tràn về vài ba đợt, nếu nghỉ học lại không theo kịp bài vở. Tuy nhiên, đò nhỏ, nước chảy mạnh nên sợ rơi xuống sông không cứu được. Em rất mong có cây cầu để tụi em đến trường an toàn”.

Theo quan sát của chúng tôi, tại bến đò có 2 chiếc thuyền, người dân dùng thuyền đánh cá loại nhỏ chở người dân, học sinh qua lại. “Cứ đến đầu mùa mưa lũ là người dân phải qua sông bằng đò ngang. Tính ra mỗi năm người dân xóm 9 phải đi đò khoảng 3 tháng, nếu thời tiết không thuận lợi thì việc lụy đò phải kéo dài hơn nữa. Như năm nay chắc phải đi đò hết tháng 12 vì thời tiết vẫn tiếp tục có mưa, nước sông lớn nên chưa thể ráp cầu lại được”, chị Phạm Thị Nguyên, một người lái đò ở đây cho biết.

Theo anh Phan Đình Tuyên, một người lái đò ở đây, đoạn sông giữa xóm 9 với bờ dài trên 100m, thời điểm nước lớn có nơi sâu đến 10m, nước chảy rất xiết. Sông sâu, nước xiết nên chiếc đò nhỏ chỉ chở được khoảng 10 khách mỗi chuyến. Vì vậy, mỗi ngày học sinh xóm 9 phải đi sớm hơn thường lệ để chờ đò qua sông. 

“Mỗi khi lũ tràn về thì mỗi chuyến đò chỉ chở vài cháu, phải nhắc nhở các cháu mặc áo phao nhưng cũng rất lo vì dòng nước xiết quá”, ông Tuyên lo lắng.

Nước lũ kéo sập một khu chăn nuôi của người dân xuống sông Trà Bồng
Nước lũ kéo sập một khu chăn nuôi của người dân xuống sông Trà Bồng

Mong muốn xây bờ kè, làm cầu bê tông qua sông

Mỗi sáng, học sinh đến trường vừa ôm cặp sách, vừa dắt díu chiếc xe đạp, vì qua sông. Người dân nơi đây mong muốn có chiếc cầu để học sinh đến trường được an toàn hơn. 

Ông Nam cũng mong muốn có cây cầu để đi lại cho an Toàn, đồng thời Nhà nước đầu tư kinh phí xây bờ kè để người dân yên tâm sinh sống. “Từ giữa tháng 8, người dân phải đi đò qua sông Trà Bồng, đầy chông chênh và nguy hiểm giữa con nước mênh mông. Người dân nơi đây rất mong mỏi được hỗ trợ làm cầu bê tông qua sông, rồi xây bờ kè để bảo vệ làng quê, bảo vệ người dân. Đây là điều rất bức thiết bởi chậm một ngày là người dân chúng tôi còn sống trong nguy hiểm một ngày”, ông Nam tâm sự.

Theo ông Đỗ Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, trong nhiều năm liền, mưa lũ đã làm sạt lở kéo dài 1.000m. Tuy nhiên, đợt mưa lũ quá lớn trong hơn 1 tháng vừa qua, nước sông Trà Bồng đã ăn sâu, nhiều nơi đến 10 đến 15m, ảnh hưởng đến 240 hộ dân ở thôn Đông Yên 3, đặc biệt nhiều nhà dân và các công trình phụ gần sông có nguy cơ cao đe dọa sạt lở trực tiếp.

Cũng theo ông Huấn, chính quyền địa phương đã kiến nghị lên huyện hỗ trợ đê kè cho thôn Đông Yên 3 để giữ đất, giữ làng. Trong khi đó, xã khuyến khích bà con trồng tre, cói và di dời dân khi xảy ra nguy cơ sạt lở. Về lâu dài, xã đề xuất phương án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy của sông Trà Bồng để không gây sạt lở thêm vào khu vực sinh sống, sản xuất của người dân.

“Nước lũ tràn về là người dân phải qua sông bằng đò ngang rất nguy hiểm, đặc biệt là số học sinh phải qua sông đến trường. Nhiều năm qua người dân địa phương luôn mong một chiếc cầu để qua sông nhưng xã không có khả năng đầu tư. Tuy nhiên, mới đây tỉnh đã có dự án xây cầu với nguồn vốn trên 30 tỷ đồng. Hy vọng dự án sẽ sớm triển khai xây dựng để bà con yên tâm đi lại mùa mưa lũ”, ông Huấn cho biết.

Đọc thêm