Nhớ hương xưa, chồng cũ mò về ăn vụng!

(PLO) - Sau khi ly hôn, anh thoải mái tư tình với những người đàn bà khác. Sắn có tiền, anh được họ vuốt ve, cung phụng như một ông hoàng nhưng lại không thể quên hương vị đặc biệt trong các món ăn của vợ cũ. Mỗi lần kiếm cớ về mái nhà xưa, anh lại ăn vụng hoặc lấy trộm cả nồi thức ăn của vợ cũ và các con.
Nhớ hương xưa, chồng cũ mò về ăn vụng!
Anh chẳng đẹp trai, cũng không phải là mẫu đàn ông có tài, thậm chí khi ấy anh vẫn phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề làm thuê, nhưng chị vẫn yêu say đắm. Biết con gái sẽ vất vả nếu vớ phải ông chồng “bốc đồng”, cha mẹ chị ban đầu không đồng ý, nhưng vì thấy con gái quá quyết tâm nên họ cũng đành miễn cưỡng tổ chức lễ thành hôn cho êm đẹp.
Cưới nhau được ba năm, chị sinh liền hai cô con gái và vẫn cố sắp xếp thời gian để tới lớp dạy học- dù đồng lương không đáng là bao. Còn anh, nhờ sự giúp đỡ của cậu ruột nên sau đó được làm thủ kho cho một Doanh nghiệp lớn. Vì có người quen đỡ đầu, thu nhập hàng tháng của anh cũng kiếm được gần hai chục triệu. Thấy chị vất vả, anh động viên: “Em ở nhà chăm các con cho chu đáo. Việc kiếm tiền để mình anh lo”. Chiều chồng, thương con, chị làm đơn xin nghỉ không lương.
Những tưởng hạnh phúc gia đình sẽ được nhân lên khi lần sinh nở thứ ba của chị là một bé trai kháu khỉnh- niềm ao ước lớn nhất của anh. Tuy nhiên, chính vào thời điểm này cuộc hôn nhân của chị bắt đầu có những con sóng ngầm đe dọa mà chị không dễ nhận ra. Do suốt ngày vục đầu vào công việc nhà, lại chăm sóc ba đứa con tuổi trứng gà, trứng vịt nên chị chẳng còn thiết tha gì đến chuyện chăn gối với chồng. Mới đầu anh còn tỏ vẻ “mặt nặng mày nhẹ” với vợ, nhưng ngay sau đó đã tìm kiến được niềm vui thay thế.
Không chỉ nối lại tình cảm với người yêu xưa, anh còn sa đà vào lòng mấy cô tiếp viên ở quán bia ôm. Bao nhiêu tiền kiếm được, anh cung phụng cho các tình nhân. Đổi lại, anh được họ vuốt ve, chiều chuộng như một ông hoàng rồi tỏ vẻ thông cảm, thương cho anh lấy phải người vợ nhạt nhẽo, vô tâm.
Lâu không thấy chồng đưa tiền lương, chị có hỏi thì bị anh chửi thẳng mặt là đồ ăn bám. Nhục nhã và tủi thân, chị có ý định đi làm, anh lại cương quyết phản đối. Cũng vì có thói trăng hoa nên anh sinh nghi luôn cả vợ, chị đi đâu anh cũng theo dõi; ghen bóng, ghen gió nhưng lại công khai trước mặt chị chuyện bồ bịch với người tình cũ. Không những vậy, mỗi lần đi nhậu say về, anh lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ.
Thương con, cha mẹ chị tìm cách đưa con gái và các cháu ngoại về nhà chăm sóc rồi nhỏ to khuyên bảo con rể. Ban đầu, anh tỏ ra hối lỗi nhưng cũng chỉ được vài ba hôm, sau đó ngựa lại quen đường cũ. Kinh khủng hơn, anh còn bắt chị phải chấp nhận cho anh quan hệ ngoài luồng với những người đàn bà khác. Chị lên tiếng phản đối, anh đánh chị nhiều hơn, có lần phải nhập viện điều trị.  
Không chịu nổi “kiếp chồng chung” và những trận đòn vô cớ, chị làm đơn xin ly hôn. Tại phiên tòa hôm ấy, anh đã trổ hết tài năng để bôi xấu và sỉ nhục vợ. Anh gọi chị là “gái bán hoa từ Campuchia về…” bởi chị có thời gian đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đáp lại lời anh, chị lặng đi như hóa đá, những dòng nước mắt như thay chị nói lên tất cả sự thật mà chị đang phải chịu đựng. Tòa chấp nhận yêu cầu xin  ly hôn của chị và chị được nuôi 3 con, anh có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi.
Không chịu được cảnh "kiếp chồng chung", chị làm đơn xin ly hôn (Anh minh họa từ Internet)
Không chịu được cảnh "kiếp chồng chung", chị làm đơn xin ly hôn (Anh minh họa từ Internet)
Sau ly hôn, anh tha hồ đi đêm về hôm và tự do cặp bồ với những người đàn bà hám tiền. Họ chiều theo mọi yêu cầu của anh, duy có việc nấu cho anh những món ngon như chị vẫn làm thì họ không thể. Bởi đó là những món ăn được chế biến từ gia vị của sự quan tâm và tình yêu thực lòng. Anh thèm món cá kho tộ ngút khói, nhớ da diết hương vị chua chua, cay cay của bát canh cá lóc mà chị vẫn nấu mỗi chiều cuối tuần. Dù ân hận và nuối tiếc, nhưng vì sĩ diện nên anh tỏ ra bất cần.
Thay vào đó, anh kiếm cớ về lại mái nhà xưa nhiều hơn để thăm các con. Mỗi lần về, nhân lúc chị không để ý, anh lại lén lút lấy trộm thức ăn của chị và các con đem đi. Có hôm chị vừa nấu một nồi cá kho tộ, chưa kịp ăn thì anh đến, quay trước quay sau thì nồi cá cũng biến mất. Một vài lần như vậy, chị đều cho qua vì nghĩ cũng tội cho anh, nhưng càng về sau việc mất trộm đồ ăn trong bếp càng nhiều, khiến chị vô cùng bực bội.
“Bao nhiêu năm qua, anh ấy đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, nay lại thêm thói ăn trộm đồ ăn của vợ cũ và các con, thử hỏi có xứng làm đấng trượng phu? Dù vô cùng khó chịu nhưng tôi vẫn chưa biết phải làm gì để thoát khỏi tình cảnh quấy nhiễu của chồng cũ hiện nay”?
Khi hôn nhân đang tồn tại, anh đã không trân trọng, gìn giữ hạnh phúc của mình mà tự tay hủy hoại nó đi. Khi mất rồi, anh mới thấy nuối tiếc, muốn nối lại tình xưa, nghĩa cũ đối với chị cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, cũng đã có nhiều cặp vợ chồng tan rồi lại hợp và họ cũng có một kết quả tốt cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Nhưng phần lớn các cuộc ly hôn đó là do hai bên hiểu lầm hoặc do một nguyên nhân khác, như bị cha mẹ ép buộc phải chia tay. Còn đối với những hành vi xuất phát từ bản chất của con người, thì cho dù có tái hợp lại cũng khó có một hạnh phúc trọn vẹn thực sự, bởi người xưa đã từng đúc kết “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Việc làm của chồng cũ chị là hành vi trộm cắp vặt. Có lẽ chị cũng không muốn cơ quan chức năng xử lý anh ấy theo quy định của pháp luật mà chỉ muốn thoát khỏi tình trạng này. Vậy nên, chị có thể sửa sang lại cửa, thay lại ổ khóa cho chắc chắn và nhắc các con không nên đưa chìa khóa cho cha khi mẹ vắng nhà. Nếu điều kiện cho phép, chị nên bán ngôi nhà hiện tại để mua ngôi nhà khác, khi đó, anh sẽ không còn xem ngôi nhà này là ngôi nhà của mình nữa. Chúc chị có lựa chọn sáng suốt để tự giải thoát cho mình lần thứ hai thành công.
(Luật gia Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)

Đọc thêm