Nỗi ám ảnh khói đốt đồng

(PLO) - Không phải là cái “khói đốt đồng” lãng mạn đã từng đi vào thơ nhạc, cũng không còn là làn khói đượm mùi rơm rạ gợi nhớ, gợi thương trong tâm hồn những người con xa quê… Giờ đây, khói đốt đồng thực sự trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân thành thị bởi sự ô nhiễm khói bụi do nó mang lại…
Nỗi ám ảnh khói đốt đồng

Những ngày này, thành phố Hà Nội mờ mịt như bởi những cột khói bốc lên từ những đống rơm đốt ở các vùng ngoại thành đang vào vụ gặt. Nhằm giải quyết tình trạng này, chính quyền đã nhiều lần kêu gọi việc hạn chế đốt rơm cũng như những mô hình tận dụng rơm cho thấy hiệu quả tốt. Thế nhưng, người nông dân vẫn thích đốt rơm sau mỗi vụ gặt đó là thực tế không thể không thừa nhận. Vì sao người dân vẫn thích đốt rơm?

Để trả lời câu hỏi này, phóng viên đã có mặt tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội vào một buổi chiều mùa gặt vụ thu. Thọ Xuân là xã thí điểm mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai thay vì đốt rơm rạ sau khi gặt, nông dân tại xã được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ. Tuy nhiên, với nhiều người dân đây vẫn là giải pháp lợi bất cập hại và dân vẫn thích đốt rơm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, chị Lê Thị Bích, người dân trong xã cho hay: “Người dân ở đây không còn đốt rơm rạ trên đường cái 2 năm nay rồi vì trên xã gửi giấy thông báo về. Sau khi được tuyên truyền thì dân cũng ý thức được chuyện đốt rơm làm gây cản trở giao thông, khói bụi và ô nhiễm. Nhưng không đốt cũng không được”.

Theo lời giải thích của chị Bích thì sở dĩ người dân đốt rơm vì nhu cầu sử dụng rơm bây giờ không còn nhiều. Ngày xưa, rơm dùng để bện chổi, chất đốt, bán cho cơ sở sản xuất rơm. Nhưng bây giờ thời thế khác, dân ít ai còn dùng chổi rơm, nhà nào cũng sử dụng bếp ga và cơ sở làm nấm thì mua mùn cưa thay vì rơm như trước.

“Bản chất của rơm là dai và khó phân hủy nên người ta phải thu gom lại hoặc là đốt ngay tại ruộng. Nếu không đốt, vứt bừa bãi trên đường, dưới mương sẽ làm tắc nguồn nước, gây ô nhiễm”, chị Bích chia sẻ.

Nhiều hộ dân gần đó cũng nói, nếu dùng chế phẩm sinh học thì rất tốn công, tốn thời gian, không kịp lấy phân cho vụ kế tiếp. Và quan trọng hơn, họ không lấy được tro bón cho cây trồng. “Chúng tôi đốt rơm để lấy tro, bón vào vườn rau ở nhà. Nếu không có tro thì phải mua phân hóa học không tốt cho sức khỏe”, theo cô Khiên một người dân trong xã nói. Cô Khiên cho biết, ngày trước không có tro, người dân đi mua tro bên ngoài về bón cho rau, cho cây. Nhưng tro đấy được đốt từ rác thải tẩm xăng làm đất bị nóng, không trồng được cây gì cả.

Rời cánh đồng Thọ Xuân khi khói rơm bắt đầu bay vẩn bầu trời. Đốt rơm, ai cũng biết đến tác hại của nó như tăng nhiệt độ thành phố, tăng lượng khí thải CO2…Tuy nhiên, nếu không đốt rơm thì vẫn còn đó một câu chuyện môi trường khác nữa khi lượng cung về rơm lớn và cầu thì hầu như gần… “tuyệt chủng”. Đây vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ…  

Đọc thêm