Nỗi buồn của người con gian nan đi đòi… mẩu xương cho cha

(PLVN) - Mồ côi mẹ khi còn khá sớm nên anh Xô dành trọn tình cảm cho người cha hết mực yêu thương, bảo ban anh. Thế nhưng “cha già như chuối chín cây”, tháng 7/2015, cha anh Xô qua đời. 
Anh Xô chia sẻ với phóng viên
Anh Xô chia sẻ với phóng viên

Cuối năm 2017, anh Xô bốc mộ cải táng (“thay áo”) cho cha theo tập tục địa phương với sự giúp đỡ của họ hàng thân thích. Nhưng rồi một lần nữa, nỗi đau lại ập xuống gia đình anh khi người cháu họ chiếm đoạt mẩu xương của cha anh Xô. Đó là câu chuyện hi hữu xảy ra đối với gia đình anh Nguyễn Công Xô (SN 1981, ở Trung Nghĩa, Yên Phong, Bắc Ninh). 

Công nhiên đoạt xương của người chết

Theo lời kể của anh Xô, ngày 28/11/2017, gia đình anh thực hiện việc “thay áo” cho bố là ông Nguyễn Công Việt đã mất trước đó vài năm. Giúp gia đình anh “thay áo” cho ông Việt có rất nhiều người họ hàng, thân thích, trong đó có anh Nguyễn Công Chiêu (SN 1973, con chú ruột anh Xô). Quá trình “thay áo” cho bác, anh Chiêu bất ngờ lấy đi một mẩu xương của ông Việt. Trước khi lấy, anh ta xin phép họ hàng, xin phép người đã khuất cho mình được lấy mẩu xương mang về thờ để anh em trên dưới thuận hòa.

Nghe Chiêu nói vậy, một người trong họ bảo Chiêu có thể lấy tóc, không được lấy xương. Bản thân anh Xô và gia đình cũng không đồng ý cho anh Chiêu lấy xương của ông Việt mang đi. Tuy nhiên, người em họ anh Xô vẫn cố tình thực hiện mục đích của mình khiến anh Xô tìm gặp, xin lại mẩu xương bị Chiêu đoạt đi để mang về chôn cất cha cho đầy đủ. Thế nhưng anh Chiêu không trả lại xương.

“Chiêu bảo với tôi là không trả, báo ai thì báo, báo công an cũng không sợ”, anh Xô nói đồng thời cho biết không đòi được xương nhưng cũng không thể để hài cốt của cha ở trên mãi nên gia đình phải thực hiện các nghi lễ, chôn cất. Sau đó, gia đình anh Xô đã làm đơn tố cáo, cầu cứu khắp nơi. 

Trong đơn tố cáo, anh Xô cho rằng mọi việc bắt nguồn nguyên nhân Chiêu nghi ngờ anh không phải con ruột của ông Nguyễn Công Việt. Đây chính là lý do Chiêu đã chiếm đoạt bộ phận hài cốt của ông Việt mang đi nhằm mục đích giám định ADN xem anh Xô có phải con ruột của ông hay không. “Trước đó, năm 2016, mẹ anh Chiêu đã sang nhà tôi nói tôi không phải con của bố tôi. Gia đình Chiêu cũng không theo giỗ họ tại nhà tôi nữa. Hiện tại, hai gia đình không đi lại với nhau nữa”, anh Xô buồn bã cho biết.

Ước mong bình yên

Theo anh Xô, việc làm của Chiêu nhằm xúi giục, lôi kéo một số người họ hàng tẩy chay anh để thực hiện mục đích chiếm đất do bố, ông để lại. Đây là hành vi có động cơ đê hèn. Do đó, anh Xô đề nghị công an khởi tố Nguyễn Công Chiêu về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Đồng thời yêu cầu công an thu hồi phần xương hài cốt mà Chiêu đã chiếm đoạt để trả cho gia đình anh, nhằm mai táng phần hài cốt của bố anh được đầy đủ. 

Tháng 2/2018, Công an huyện Yên Phong đã có văn bản trả lời đơn tố cáo của anh Xô. Theo Công an huyện Yên Phong, Nguyễn Công Chiêu lấy mẩu đốt xương chân của người chết về, đưa lên bàn thờ nhà mình thờ cúng, không mong muốn xâm hại đến hài cốt của người đã khuất, nên hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự. Do đó, Công an huyện Yên Phong quyết định không khởi tố vụ án hình sự, mà chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Công Chiêu. 

Trước quyết định trên, gia đình anh Xô tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Công an tỉnh Bắc Ninh và Thanh tra Bộ Công an. Sau một thời gian đấu tranh, tháng 12/2018 Công an huyện Yên Phong mới khởi tố vụ án để điều tra, thu giữ mẩu xương mà Chiêu đang giữ. Tuy nhiên, phải đến ngày 10/5/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Yên Phong mới thực hiện việc khai quật mộ, kiểm đếm các loại xương, chuyển đến Viện khoa học hình sự Bộ Công an để tiến hành giám định, so sánh với mẩu xương mà Chiêu giao nộp.

Gia đình anh Xô đã đề nghị sau khi giám định xong, nếu kết quả 2 mẩu xương là của bố anh thì công an phải trả ngay cho gia đình chôn cất, tránh việc đào lên, đào xuống khiến người chết không yên. Bởi theo lời tâm sự của anh Xô, từ ngày cha anh mất, gia đình anh đã phải trải qua rất nhiều sóng gió, vợ con bị đặt điều, bản thân anh luôn canh cánh nỗi đau vì cha chưa được vuông tròn.

“Nguyện vọng của tôi là trả lại xương cho thầy tôi, đừng quấy quả gia đình tôi nữa, hãy để gia đình tôi được bình yên, thầy tôi được vuông tròn”, anh Xô nói đồng thời mong các cơ quan chức năng xử lý Chiêu theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, anh Xô và gia đình chỉ muốn Chiêu đứng trước họ tộc xin lỗi, trả lại xương cho bố anh. Tuy nhiên, Chiêu đã không xin lỗi, không trả lại xương mà giữ trong thời gian dài khiến gia đình anh rất bức xúc, đau khổ. Cũng theo chia sẻ của anh Xô, đến nay việc giám định xương vẫn chưa có kết quả.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là trường hợp hi hữu mà ông gặp. Người ta đòi vàng, đòi bạc, nhà cửa, đây lại đi đòi xương người đã khuất. Khi nghe anh Xô và người thân trình bày vụ việc của mình, ông Ứng thấy có xúc động và xót xa. Một người con trai hơn 2 năm miệt mài đi đòi xương cha về để người cha được yên nghỉ. Ngược lại, ông cũng trách cháu trai của người đã khuất. Bởi người ngoài còn không xâm phạm mồ mả người khác, huống chi đây lại là con cháu trong nhà.

Luật sư Bùi Đình Ứng (áo trắng) trao đổi với bố vợ anh Xô
Luật sư Bùi Đình Ứng (áo trắng) trao đổi với bố vợ anh Xô

Tiếp lời, vị luật sư cho rằng đây là vụ việc rất đơn giản nhưng không hiểu vì lý do gì sau khi thu đoạn xương từ Chiêu về, cơ quan công an lại giữ hơn 1 năm mà không trả về cho gia đình anh Xô. Quá trình giữ, cơ quan công an cũng không giám định xem đó có phải xương của ông Việt hay không mà cũng không trả lại cho gia đình anh Xô dù họ đã làm rất nhiều đơn, gửi tới rất nhiều cơ quan chức năng… Cũng theo luật sư Ứng, đáng lẽ, việc giám định xương phải được thực hiện khi cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo của anh Xô để gia đình họ không phải đi khiếu nại kéo dài gần 2 năm qua.

“Lúc đầu, gia đình anh Xô chỉ có yêu cầu anh Chiêu đứng trước họ xin lỗi, trả lại xương người đã khuất là xí xóa mọi chuyện. Tuy nhiên, Chiêu không làm mà công an cũng không trả xương khiến gia đình bức xúc. Trong vụ án này, cơ quan công an nên có sự đồng cảm với gia đình anh Xô thì mới có đường lối xử lý nhân văn”, luật sư nói đồng thời cho biết tổn thất về mặt tinh thần nhà anh Xô là rất lớn. Họ liên tục phải đào mộ cha lên, canh cánh việc hài cốt của cha bị thiếu, không được yên, đau khổ lắm. “Người đời có câu tối kỵ đào mồ cuốc mả ông cha nhưng cực chẳng đã, gia đình anh Xô phải thực hiện để mong bố mình sẽ được chôn cất toàn vẹn, đầy đủ”.

Đọc thêm