Nông phu mê mải với “hồn” đá ong xứ Quảng

(PLVN) - Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, ông Nguyễn Tâm (SN 1952, ngụ thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn cần mẫn, cặm cụi, miệt mài với nghề đá ong đã gắn bó với ông gần 50 năm qua. 
Ông Tâm đã gắn bó với nghề khai thác đá ong tròn 47 năm
Ông Tâm đã gắn bó với nghề khai thác đá ong tròn 47 năm

47 năm theo nghề xưa cũ

Dưới chân núi Vom (xã Đức Hiệp), một cái chòi nhỏ được ông Tâm dựng lên để nghỉ ngơi mỗi lúc mệt nhọc sau những giờ đồng hồ khai thác đá ong ở xung quanh khu vực này. Ông bảo, núi Vom là nơi có nhiều đá ong của tỉnh Quảng Ngãi và ngay từ thời trai trẻ, ông đã đến đây khai thác đá ong. Tính đến nay, cái nghề này đã theo ông tròn 47 năm.

Theo ông Tâm, ở khu vực này, từ xưa đến nay, người khai thác đá ông dùng 2 dụng cụ để hành nghề là cái rìu lưỡi dày và cái dố (theo tiếng địa phương) để gò đẽo thành hình viên đá ong. Những người khai thác đá ong được gọi là thợ đá, nghĩa là phải có kỹ thuật, có tay nghề như thợ mộc, thợ nề... 

Khai thác đá ong là nghề cực nhọc vô cùng. Để có được những viên gạch đá ong vuông thành sắc cạnh, người thợ đá phải làm rất nhiều công đoạn. Có chỗ đá nhô hẳn trên mặt đất, có chỗ lại chìm sâu hàng mét dưới lớp đất màu. Thăm dò và tìm được nguồn đá rồi người thợ phải có sự khéo léo cũng như sự thuần thục nhất định với cái rìu, cái dố để chẻ, nếu không khéo viên đá sẽ bị hỏng ngay.

Đá ong có 3 lớp. Lớp trên cùng gọi là đá bản, tiếp theo là đá thân và cuối cùng là lớp đá chân. Chỉ đến lớp chân mới lấy được những viên gạch có độ cứng, độ chịu lực tốt nhất. Hàng ngày, ông Tâm cong gập lưng như một cánh cung, bụng hóp lại, cổ dướn lên, dồn hết lực vào đôi tay cầm những dụng cụ hành nghề mà đẽo xuống lớp đá cứng. 

“Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì quần áo lúc nào cũng ướt rượt mồ hôi. Nói không ngoa, mỗi viên gạch đá ong đều thấm đẫm mồ hôi của những người thợ đá”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Tâm bảo, trước đây, khi còn nhiều sức lực, mỗi ngày ông có thể chẻ được từ 40 - 50 viên đá, nhưng bây giờ tuổi đã cao nên chỉ khai thác được từ 10 - 15 viên. Dù vậy, hiện giờ giá đá ong đang ở mức khá cao, từ 25.000 - 30.000 đồng mỗi viên vì nguồn cung đang hiếm dần, nên mỗi ngày cũng cho ông thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đá ong có tên khoa học là laterit, loại đá có chứa đến vài chục phần trăm sắt. Đặc tính của đá ong là ở dưới nước sâu là mềm, thấm nước vì có nhiều lỗ hổng. Nhưng khi đào và đưa lên mặt đất thì kết dính và tạo thành đá rắn chắc. 

Tuy vậy, xưa kia đá ong thường được quan niệm là gắn với sự nghèo. Người nghèo mới phải tận dụng thứ đất đá khắc nghiệt của thiên nhiên, có sẵn xung quanh ấy để xây nhà dựng cửa, khỏi phải đi mua. Nhưng cũng chính nhờ thế, ngày nay mới có được những ngôi nhà đá ong hàng trăm năm tuổi. Đó là không gian sống đã tưới tắm tâm hồn bao nhiêu người. 

Ông Tâm đang khai thác đá ong
Ông Tâm đang khai thác đá ong

Bây giờ, một số người có tiền và ưa hoài cổ thì thay vì xây những ngôi nhà cao tầng bề thế đã tìm về nét xưa cũ, chọn đá ong làm vật liệu để dựng nhà cửa. Những viên đá ong xù xì, lồi lõm được đẽo một cách sơ sài xưa kia, giờ được chọn kỹ, mài phẳng. Khi xây thành tường vừa đảm bảo độ phẳng mà vẫn toát lên vẻ mộc mạc, giản dị. 

“Đặc tính của nhà đá ong là mùa hè thì mát mẻ như được ở trong hầm sâu, còn mùa đông lại ấm áp do chất đá dày, ngăn chặn sự thoát nhiệt. Ai có được ngôi nhà như thế đều tự hào lắm. Và mặc nhiên người ta sẽ đoán ngay chủ nhân là người giàu có, chịu chơi. Tôi vừa giao 2.000 viên đá cho một đại gia ở Quảng Nam để về xây nhà”, ông Tâm cho biết.

“Cái còn lại là giá trị”

Theo ông Tân, khoảng 20 năm trở về trước, khu vực này có nhiều người làm nghề đá ong, đặc biệt là lớp thanh niên trai trẻ có sức khỏe. Tuy nhiên bây giờ, cái nghề này dường như bị lãng quên. Quanh vòng quanh núi Vom này, hiếm hoi lắm mới tìm được người làm nghề như ông.

“Mức thu nhập hiện tại khá hơn xưa nhiều. Tuy nhiên, một thời gian dài trước đây vì giá không cao nên hầu hết người ta bỏ nghề. Cái nghề này đã ăn vào máu tôi nên tôi không bỏ được. Hễ nghỉ một vài hôm là lại nhớ nghề, thấy thiếu cái gì đó, thế là lại cầm dụng cụ đi làm”, ông Tâm bộc bạch.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày nay, trong những công trình xây dựng, vật liệu đá ong không còn được chuộng dùng như trước nữa. Lý do là vật liệu hiện đại cho người dân nhiều sự lựa chọn khác nhau, phù hợp với khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Và nhất là tiền công khai thác đá ong cao. Đá ong đã trở thành nguồn vật liệu đắt tiền so với vật liệu xây thông thường.

“Bây giờ sức khỏe tôi cũng hạn chế nên không biết theo nghề được bao lâu nữa. Nhưng tôi nghĩ, với nghề gì cũng vậy, cái còn lại là giá trị của nó. Đối với cái nghề này thì đó là những công trình bằng đá ong sẽ mãi trường tồn cùng thời gian”, ông Tâm chia sẻ.

Hiện nay, ở nhiều vùng miền nước ta, khi vào những ngõ xóm sẽ thấy những tường nhà đá ong, những đình làng xây bằng đá ong với một vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết. Đã có không ít những tay nhiếp ảnh tốn biết bao thời gian, kiểu máy để đặc tả nét xù xì, thô ráp của đá ong khi bắt nắng trở nên vàng rực rỡ, hay vẻ thâm trầm, bí ẩn của mắt đá trải qua mưa nắng, thời gian…

Vậy nên, khi nghe những tâm sự của ông Tâm về nghề, về sự vắng dần của đá ong trong các công trình xây dựng, chúng tôi chợt thấy chạnh lòng khi nghĩ đến một ngày nào đó nghề này sẽ vắng bóng trong xã hội ngày càng hiện đại. 

Đọc thêm