Rể mới đi sêu

(PLO) - Xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn duy trì tục đi sêu của những chàng rể trong năm đầu tiên lấy vợ. Tuy đi sêu thời hiện đại đã có nhiều thay đổi nhưng người dân ở đây vẫn tự hào không ở đâu có tục đi sêu độc đáo và lâu đời như tại địa phương mình.
 Một năm sáu dịp đi sêu
Một cao niên có uy tín trong vùng là cụ Vũ Văn Trọng (81 tuổi, ngụ xóm Chùa, xã Đại Đồng) cho biết, tục đi sêu được hiểu nôm na là lễ tạ ơn của các chàng rể đối với bố mẹ vợ, của nhà trai với nhà gái vì đã sinh thành, nuôi dưỡng nàng dâu cho mình. “Ở xã Đại Đồng, năm đầu tiên lấy vợ, các chàng rể phải thực hiện nhiệm vụ đi sêu đầy ý nghĩa này. Dù ở gần hay ở xa, họ đều phải “chấp hành” tục lệ. Lễ vật đi sêu thường là bánh chưng, rượu, gà và hoa quả”, cụ Trọng cho hay.
Theo lời cụ, người dân xã Đại Đồng rất coi trọng những nghi thức từ xa xưa khi gả vợ gả chồng cho con. Khi trai gái muốn kết hôn, phía nhà trai sẽ có lễ thăm nhà gái. Ngoài chàng trai và bố mẹ còn có thêm một hoặc hai người họ hàng thân thích mang lễ vật đến nhà cô gái để thưa chuyện.
Cụ Trọng nói: “Cuộc thăm nhà này thực chất là tục chạm ngõ (một số địa phương gọi là “dạm ngõ”), xin phép cho con trai mình được kết duyên cùng cô gái. Lễ vật mang theo là lạng chè, gói thuốc lá”.
Cũng theo lời cụ Trọng, ngoài những trường hợp trai gái tự nguyện đến với nhau, chạm ngõ cũng là cách để một số gia đình “áp dụng” với những đôi mang tính chất “gán ghép”. Khoảng trước năm 1980, các bậc cha mẹ thường “ngắm” xem gia đình nào môn đăng hộ đối với mình, cô gái có đảm đang, tốt nết hay không.
Nếu ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người đến chạm ngõ. Những người này thường gọi ông mối, bà mối. Với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, khi gia đình nhà gái đồng ý sẽ trực tiếp thách cưới, không cần quan tâm tới ý kiến của con.
Cổng làng Đại Đồng.
 Cổng làng Đại Đồng.
Khi hai bên gia đình đồng thuận cho đôi trai gái tiến tới hôn nhân, kể từ buổi chạm ngõ đó, cô gái chính thức là “hoa có chủ”. Cũng có trường hợp đôi trai gái không muốn lấy nhau nữa, nhà cô gái có thể mang trả lễ vật chạm ngõ để đến với người khác. Nhưng trường hợp này ít xảy ra vì người dân vốn rất coi trọng tục lệ.
Sau lễ chạm ngõ là lễ ăn hỏi, đám cưới. Ngoài tục lại mặt giống như các địa phương khác, những chàng rể ở Đại Đồng phải đi sêu trong năm đầu tiên lấy vợ. Cụ thể, vào sáu dịp trong năm gồm ngày 3/3 (Tết thanh minh), ngày 5/5 (Tết diệt sâu bọ), ngày 15/7 (Tết xá tội vong nhân), ngày 15/8 (Tết trung thu), ngày 10/10 (Tết ăn cơm mới) và Tết nguyên đán.
Cụ Trọng giải thích: “Theo quan niệm, những ngày này đều là ngày ý nghĩa trong năm. Chàng rể có thể thực hiện sêu sống hoặc sêu chín. Sêu sống là mang một con gà trống thiến nặng ít nhất 3kg cộng thêm 3kg gạo nếp ngon. Sêu chín là bưng một mâm cỗ nấu sẵn gồm đầy đủ thịt gà, thịt lợn, thịt chó, bánh nếp, bánh tẻ qua nhà bố mẹ vợ.
Tới mùa quả vải, quả mít thì mang gần chục cân vải hoặc một quả mít to ngon đủ để chia cho anh em, họ hàng nhà vợ. Riêng mùng Một Tết nguyên đán, chàng rể sẽ cùng 5 hoặc sáu người đàn ông phía nhà mình mang theo hộp mức, chai rượu qua Tết bố mẹ vợ. Tục lệ này là bắt buộc và có từ lâu đời”.
Tục xưa đang dần mai một
Mặc dù hồ hởi chia sẻ về tục lệ truyền thống, cụ Trọng cũng không khỏi chạnh lòng tâm sự, ngày nay một bộ phận thanh niên cho rằng tục đi sêu rườm rà nên đã bỏ qua. Thậm chí, có người còn cho đây là thủ tục “nặng nề”, khó thực hiện. Cụ so sánh, thời các cụ tuy nghèo nhưng rất coi trọng đi sêu, coi đây là một chuẩn mực của người chồng tốt, người rể hiền, thể hiện sự trân trọng giá trị của người vợ và báo hiếu nhà vợ. Ngày nay điều kiện kinh tế đầy đủ hơn nhưng tục lệ này không còn được thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ.
Cụ Trọng chia sẻ về tục đi sêu ở địa phương.
 Cụ Trọng chia sẻ về tục đi sêu ở địa phương.
Nếu như đi sêu của chàng rể mới ngày xưa phải thực hiện đủ sáu dịp ý nghĩa trong năm thì ngày nay các chàng rể rút gọn hơn. “Người viện cớ ở xa, người viện cớ không có điều kiện hoặc tục lệ ở địa phương họ không như ở đây nên nhất quyết không thực hiện. May ra chỉ chàng rể nào sinh ra ở đây mới thực hiện đầy đủ việc đi sêu, cụ chạnh lòng. Nếu cô dâu không còn đủ hai bậc sinh thành, tục đi sêu càng qua loa hơn. Nếu bố mẹ cô dâu đều đã qua đời, coi như việc đi sêu của chàng rể sẽ không cần thực hiện. Một trong hai bậc thân sinh ra cô dâu còn thì họ chỉ thực hiện 3 dịp ý nghĩa trong năm thay vì thực hiện cả sáu dịp.
Nhiều chàng rể còn “biến tấu” lễ vật đi sêu. Thay vì chuẩn bị sêu sống hoặc sêu chín như trước, chàng rể sẽ quy ra tiền biếu bố mẹ vợ. Việc chọn hoa quả ngon để “sêu” bố mẹ, họ hàng nhà vợ cũng thay đổi. Nhiều chàng rể ngày nay sẽ mua 5kg đường về sêu nhà vợ thay vì sêu quả, cho rằng lễ vật miễn là đồ ngọt là được.
Chia sẻ với phóng viên, ông Kiều Cao Tuấn, Trưởng xóm Chùa cho biết, tục sêu tồn tại từ lâu đời ở xã Đại Đồng. Hiện nay, nhiều người dân vẫn chú trọng duy trì bởi đây là nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Ông cũng tự hào cho rằng không ở nơi nào có tục đi sêu độc đáo và duy trì tới tận ngày nay như địa phương mình.
Cùng quan điểm với cụ Trọng, ông Trưởng xóm cho rằng đi sêu là một “nhiệm vụ” có ý nghĩa quan trọng của chàng rể với bố mẹ vợ, nhằm nhớ ơn người đã sinh ra người vợ hiền dịu cho họ. “Ngày xưa, các cụ còn nghèo túng vẫn thực hiện được, ngày nay cuộc sống ấm no hơn, lễ vật đi sêu cũng không câu nệ rườm rà, cớ sao chúng ta không cố duy trì, phát huy? Không chỉ là hành động đẹp của lòng hiếu thảo, tục lệ này còn góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình họ tộc ngày càng khăng khít hơn”, ông Trưởng xóm nói.
Ngoài tục lại mặt giống như các địa phương khác, những chàng rể ở Đại Đồng phải đi sêu trong năm đầu tiên lấy vợ. Cụ thể, vào sáu dịp trong năm gồm ngày 3/3 (Tết thanh minh), ngày 5/5 (Tết diệt sâu bọ), ngày 15/7 (Tết xá tội vong nhân), ngày 15/8 (Tết trung thu), ngày 10/10 (Tết ăn cơm mới) và Tết nguyên đán. Theo quan niệm, những ngày này đều là ngày ý nghĩa trong năm. Chàng rể có thể thực hiện sêu sống hoặc sêu chín. Sêu sống là mang một con gà trống thiến nặng ít nhất 3kg cộng thêm 3kg gạo nếp ngon. Sêu chín là bưng một mâm cỗ nấu sẵn gồm đầy đủ thịt gà, thịt lợn, thịt chó, bánh nếp, bánh tẻ qua nhà bố mẹ vợ.  

Đọc thêm