Sóc Trăng: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng biên giới, biển đảo

(PLO) - Để đảm bảo công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến gần hơn với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc, các vùng biên giới, biển đảo… Nhiều năm qua, chính quyền địa phương các cấp ở Sóc Trăng đã không ngừng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ nhận thức pháp luật của người dân.
Sóc Trăng triển khai hiệu quả nhiều hoạt động tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn
Sóc Trăng triển khai hiệu quả nhiều hoạt động tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn

Đưa pháp luật đến gần dân

Đến nay, các hoạt động tuyên truyền PBGDPL đã thực sự lan tỏa, đi sâu vào nhiều tầng lớp xã hội, từ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc, tôn giáo, nông dân và người lao động. Nhiều hội thi, tọa đàm, hoạt động hòa giải, trợ giúp pháp lý được diễn ra với hình thức sinh động, phong phú đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Các sở, ngành và địa phương đã tổ chức gần 61.000 cuộc/lượt tuyên truyền PBGDPL ước tính có trên 1,58 triệu lượt người nghe và xem; cung cấp trên 1,25 triệu bộ tài liệu các loại về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, quan tâm PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để đưa pháp luật đến gần người dân, giúp dân dễ hiểu, dễ nhớ, địa phương đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc hình thành các mô hình, hội thi… Điển hình mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng đã thực sự hoạt động có hiệu quả. Thông qua hoạt động, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, gây dựng lòng tin của nông dân, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của các hội viên, nông dân.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 70 CLB ở các địa phương, thu hút trên 2.000 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Bên cạnh đó, còn tổ chức Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” ở các cấp. Thông qua đó, tuyên truyền về pháp luật và kỹ năng xử lý các tình huống pháp luật gắn với thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở giúp cán bộ, hội viên, nông dân sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Từ đó, tình hình nhận thức pháp luật và thực hiện pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao, hạn chế tình trạng hội viên nông dân vi phạm pháp luật, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL trong các trường học, hướng đến đối tượng học sinh sinh viên. Giáo dục về nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách học sinh, tập trung vào các lĩnh vực như: Bảo vệ môi trường, chấp hành luật giao thông, phòng chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội trong học đường… Các hoạt động này được lồng ghép với các buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp học sinh thích thú, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh thu hút được nhiều học sinh tham gia. 

Có thể nói, công tác PBGDPL ở các trường học đã trở thành nội dung giáo dục văn hóa không thể thiếu trong việc đào tạo, giáo dục toàn diện cho học sinh; đóng vai trò then chốt trong giáo dục phẩm chất đạo đức nhân văn, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tạo lập, nâng cao trình độ văn hóa pháp luật của thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.

Chung tay hướng về biên giới, biển đảo

Là địa phương có trên 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, vì vậy chính quyền tỉnh Sóc Trăng rất chú trọng đến công tác PBGDPL cho đồng bào người dân tộc. Theo đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho trên 500 tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khmer trong các điểm Chùa và tổ chức 36 lớp tuyên truyền tại các xã có đông đồng bào dân tộc. Soạn tài liệu pháp luật và thu âm bằng tiếng Khmer để phát trên hệ thống loa truyền thanh và cấp cho 92 điểm chùa Khmer và 40 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống. Đồng thời, biên soạn và phát hành, cấp phát miễn phí cho các đối tượng 81.000 sổ tay pháp luật các loại; 1.200 đĩa CD bằng tiếng Khmer cấp cho các điểm Chùa.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác tuyên truyền và giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các văn bản pháp luật, ngành tư pháp tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều Tủ sách pháp luật ở cấp huyện và cấp xã. Trung bình mỗi Tủ sách pháp luật có từ 100 đến 250 đầu sách với nhiều thể loại khá phong phú như: Công báo, các tập văn bản hệ thống quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành; sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật, các tờ gấp tuyên truyền, các đề cương, sổ tay pháp luật; sách pháp luật hướng dẫn nghiệp vụ tại 109/109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều được trang bị Tủ sách pháp luật. 

Với đặc thù là tỉnh ven biển, nên công tác tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo cũng được ngành tư pháp tỉnh và Bộ đội Biên phòng nghiêm túc triển khai thực hiện. Cụ thể, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng xác định, công tác PBGDPL là cầu nối để đưa pháp luật vào đời sống xã hội, là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi Hiến pháp và pháp luật.

Các đơn vị bộ đội biên phòng đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai tốt Đề án tại địa phương; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện kết hợp với các đồn biên phòng tổ chức các hình thức tuyên truyền như: tổ chức giao ban, tọa đàm về pháp luật… các đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung pháp luật vào các tiểu phẩm để tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, nhân dân, học sinh, các tàu thuyền đánh cá, các nghiệp đoàn nghề cá, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo.

Nhờ đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn biên giới, hải đảo đã không ngừng được đẩy mạnh, đi vào nền nếp, hướng mạnh về cơ sở, phục vụ cơ sở và đạt được những dấu mốc quan trọng, bền vững. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới biển của tỉnh có chuyển biến tích cực, các vụ vi phạm pháp luật tại các xã, phường, thị trấn giảm so với trước; lề lối, tác phong công tác của cán bộ, chiến sĩ vũ trang, cán bộ các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển của tỉnh được nâng lên.

Có thể nói, dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên công tác tuyên truyền PBGDPL cũng còn những hạn chế. Chính vì vậy, vẫn rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp xã hội tham gia, để công tác tuyên truyền pháp luật tiếp tục phát huy đúng vai trò là “đưa pháp luật” đến gần gũi với người dân.

Đọc thêm