Sự đồng cảm từ người phụ nữ phương xa

(PLO) - Người ta thường nói, một khi trái tim và khối óc đã đồng cảm với một người nào đó hoặc việc làm nào đó thì khoảng cách, không gian, quốc gia, quốc tịch... không thể là rào cản ngăn cách nữa. 
Một hình ảnh trong triển lãm "Phía sau cánh cửa"
Một hình ảnh trong triển lãm "Phía sau cánh cửa"

Nhận định này lại một lần nữa được minh chứng tại Triển lãm “Phía sau cánh cửa” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tính đến nay Triển lãm đã hiện diện được nửa tháng và thu hút được hàng trăm lượt người xem bởi chủ đề: “Những điều mắt thấy” và “Phía sau cánh cửa”. 

“Những điều mắt thấy” giới thiệu khái quát tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) ở Việt Nam hiện nay, xu hướng gia tăng BLGĐ, những nạn nhân chủ yếu là nữ, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng...  “Phía sau cánh cửa” kể các câu chuyện của một số nạn nhân đã phải rời bỏ tổ ấm của mình để đến với Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Các câu chuyện với nhiều khía cạnh khác nhau được tập hợp thành những nhóm vấn đề, phản ánh chân thực, sinh động thực trạng, nguyên nhân về BLGĐ ở nước ta hiện nay.

Đến tham quan Triển lãm trong chuyến du lịch Việt Nam, một nữ bác sĩ người Australia đã để lại những dòng chữ run run vì xúc động vào cuốn Sổ lưu niệm. Nữ bác sĩ viết: “Tôi là một bác sĩ đến từ Australia. Đồng nghiệp của tôi (cũng là một bác sĩ) nói rằng anh ấy yêu tôi, sau khi chuyển đến sống cùng nhau anh ấy bắt đầu sỉ nhục tôi, nói rằng tôi ngu dốt, tôi không thể làm gì đúng đắn lúc đó.

Anh ấy không bao giờ đánh tôi nhưng tôi bắt đầu trở nên thu mình lại, anh ấy làm tôi sợ. Tôi đã rất xấu hổ và không chia sẻ chuyện này với các bạn của mình. Anh ấy đã trải qua hai cuộc tình nhưng nói với tôi rằng tôi vẫn là chưa đủ.

Tôi đã bỏ anh ấy nhưng vẫn còn quan tâm tới anh ấy. Những chuyện này có thể xảy đến với bất kỳ ai. Cảm ơn các bạn vì đã đấu tranh. Tình yêu không nên là nỗi đau. Hãy dũng cảm và đừng im lặng!”.

Dòng tâm sự của nữ bác sĩ người Australia đã khiến Ban Tổ chức Triển lãm và nhiều người đến xem Triển lãm lặng người. BLGĐ đâu cũng giống nhau và nỗi đau cũng vậy. Chỉ có sự lên tiếng hay im lặng là khác. 

Theo báo cáo của TANDTC, từ ngày 01/7/2008 đến ngày 30/9/2017, trong số 1.220.163 vụ ly hôn, Tòa đã giải quyết thì có 1.050.687 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ. Trung bình mỗi năm, cả nước diễn ra khoảng 20.000 vụ BLGĐ. Mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ; bình quân cứ 2- 3 ngày lại có một người tử vong liên quan tới vấn nạn BLGĐ;…

BLGĐ có nguy cơ xuất hiện ở khắp mọi nơi, đã có khoảng 58% phụ nữ trên cả nước cho biết từng phải chịu ít nhất một trong ba hình thức BLGĐ trong đời (thể xác, tình dục, tinh thần). Số liệu từ các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn trên toàn quốc cũng cho thấy sự thật nhức nhối khi có tới 27% vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng có nguyên nhân từ BLGĐ…

Những con số nêu trên đã và đang chỉ ra một thực trạng rất đáng báo động trong xã hội hiện nay. Nhưng cũng mới chỉ là phần nổi còn rất nhỏ của cả một tảng “băng chìm”. Vậy thì tại sao chúng ta lại im lặng? 

Đọc thêm