Tháng Bảy, thương nhớ người đi xa

(PLO) - Tháng Bảy âm lịch, với người Việt Nam như là một mùa riêng, mùa của tâm linh, người sống nguyện cầu, trò chuyện với người cõi âm. Nghi lễ đặc biệt đó được người Việt tôn kính qua biết bao thăng trầm lịch sử.
Tháng 7 âm lịch mùa sen đã tàn, mùa cúc lại đến như sự luân chuyển của thời gian
Tháng 7 âm lịch mùa sen đã tàn, mùa cúc lại đến như sự luân chuyển của thời gian

Tiếng mưa đêm, sấm lớn làm tôi tỉnh ngủ, nhìn ra từ cửa sổ, tự hỏi: Ngoài kia có ai đang đi trong mưa gió không? Hay có vong hồn nào đang phiêu dạt?

Vậy là tháng Bảy âm lịch đã đến và với người Việt. Tháng Bảy luôn tràn dấu ấn tâm linh, hoài niệm, âu lo và nguyện cầu. Nhà tôi ở ngoại ô, tôi nhìn mưa rơi từ xa. Tất cả thật yên vắng chỉ còn ánh đèn đường đô thị đổ xuống trong mưa tạo nên bức tranh tĩnh mịch, cô độc, hoang liêu.…

Tháng Bảy âm lịch, những ngày mưa sẽ kéo dài. Nó như kéo theo câu chuyện huyền thoại về vợ chồng Ngâu xa cách gặp nhau trong tháng bảy để thương nhớ nhau, biệt ly mà khóc. Một câu chuyện tình tuyệt vọng nhưng thủy chung.

Từ những điển tích đó mà nhạc sĩ đoản mệnh, tài hoa Đặng Thế Phong đã viết: Giọt mưa Thu hay nhạc sĩ Thẩm Oánh viết: Vợ chồng Ngâu.

Những khúc ca buồn như tiếng kinh cầu cho mối tình cách trở đầy thương cảm đó vẫn vang vọng với lời hát buồn bã “dương thế bao la sầu”. Những giai điệu đó khó mà hợp gu được giới trẻ bây giờ mộ điệu nhạc điện tử và mọi thứ đang đi quá nhanh.

Tháng bảy luôn tràn màu sắc tâm linh, mê tín. Người buôn bán gọi là tháng “cô hồn”, tháng của ma quỷ, họ sợ mất tiền, buôn bán không tốt nên hay đi lễ bái… Tâm nguyện đó như để chia sẻ với những linh hồn phiêu dạt, cầu mong sự yên ổn…

Người ta cho rằng tháng bảy ma quỷ lên dương thế “rong chơi”, vì “cửa âm được mở”, “làm bạn” với trần thế, nên hay “chọc ghẹo” người đời. Những lễ cúng xá tội vong nhân, cúng cô hồn, báo hiếu được ghi nhớ từ đây để mong sự bình an. Để người sống nhớ thương người đã khuất.

Người ta hay đi lễ chùa, đền miếu, thắp hương, gữi lễ…để cho linh hồn nào đó không có nơi nương tựa, không có cố hương, đang tụ tại chùa, đền, miếu có sự an ủi, an vui. Ai cũng cần có gia đình, tổ tiên, sum vầy. Một linh hồn nào đó lên trần thế “rong chơi” mà không còn quê nhà thì có người đời chăm sóc.

Nên người đời hay nói: Trần sao âm vậy 

Nỗi bật hơn cả là lễ Vu lan, những đứa con báo hiếu với mẹ cha. Một tháng để những người con bớt ồn ào, xô bồ, nhìn lại mình đối đãi với mẹ cha còn sống hay đã mất. Tội lỗi để sửa, thiếu để bù đắp, đủ đầy để sẻ chia. Những đứa con lưu lạc đến bên cha mẹ chuyện trò ân cần như sự ăn năn.

Tháng Bảy âm lịch để người Việt sống chậm lại, ít dành cho công việc mà dành cho tâm linh, tình cảm, sự nghĩ suy về cái chết, sự sống, báo đáp…người khổ đau sẽ tìm được an ủi trong sự cầu nguyện, niềm tin, rằng sự bất hạnh chỉ là nhất thời chứ không phải mãi mãi. Khi chúng ta sám hối sẽ có được an lành, nó giống như người hồi giáo có tháng lễ Ramadan: sám hối và thanh tịnh tâm hồn.

Tháng Bảy sen đã tàn, cúc nở bông, thời gian luân chuyển, nhưng đây là một sự luân chuyển từ sự rực rỡ, quyến rũ đến sự thầm kín, chuyện trò với cố nhân trong không gian yên vắng.

Ôi tháng Bảy u sầu!

Đọc thêm