Thắp một nén nhang nơi đầu gió…

(PLVN) - Về sau này, tôi có dịp cùng chị Phạm Thị Như Anh trong những hành trình xuyên Việt, qua những nghĩa trang ràn rạt gió Lào, cát trắng. Chị kể: Sau khi học tập ở Liên Xô, chị có 50 lần chuyển nhà qua nhiều quốc gia. Nhưng hành trang chị mang theo không bao giờ rời xa chiếc va li nhỏ, trong đó những kỉ vật của anh Nguyễn Văn Thạc là những lá thư, cuốn nhật kí và chiếc áo màu xanh da trời mà người con trai có đôi mắt buồn ấy đã mặc trong những lần gặp chị.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải và những ca khúc sáng tác bên đồng đội đã ngã xuống.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải và những ca khúc sáng tác bên đồng đội đã ngã xuống.

Chị nói, chị thương anh lắm, chị chẳng thể rời xa những kỉ vật ấy… 

“Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu”

Từ năm 1970 đến năm 1972, hơn 10.000 sinh viên (SV) các trường đại học của Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu. Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của anh Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại rõ nét ngày 6/9/1971, ba ngàn SV Hà Nội xuất quân trong ngày Hà Nội mưa trắng trời.

Cùng bạn bè đứng dưới sân Trường Đại học (ĐH) Tổng hợp trong lễ ra quân, bài Quốc ca anh đã nghe bao lần, lá cờ Tổ quốc quá đỗi thân thuộc, nhưng chỉ khi ấy anh mới cảm nhận rõ rệt và thấm thía đó là máu của chính mình…

Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh SV đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh để từ đây hành quân vào chiến trường. Nhiều cựu SV kể lại, khi tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa được thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ “Nhờ ai nhặt được thư này chuyển đến giúp số nhà... Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu” hay “Đi B, ngày”…

Lớp lính SV ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam bộ, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 SV lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. 

Tại Trường ĐH Bách khoa, thầy Nguyễn Dũng (vẫn được bạn bè gọi là Dũng đầu bạc) không lập gia đình nhưng nuôi con của một đồng đội đã hy sinh, vào những ngày tuần trong tháng đều ra đặt hoa ở Tượng đài liệt sỹ và những ngày tết thầy thường xuyên vào Thành cổ Quảng Trị để thắp một nén nhang nơi đầu gió cho đồng đội mình, chỉ để nói rằng: “Hoà bình rồi, chúng mày ơi”…

Người con gái trong giấc mơ màu xanh

Còn nhớ năm 2005, 40 năm sau chiến tranh, cuốn nhật kí “Mãi mãi tuổi 20” của anh Nguyễn Văn Thạc xuất hiện như một sứ giả nối hiện tại với lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuốn sách  đã gây xúc động khôn nguôi trước những con người bất tử đã làm nên “dáng hình Tổ quốc”. Trước khi vào chiến trường, anh đang học năm thứ nhất Khoa Toán, ĐH Tổng hợp.

Trước đó nữa, anh là học sinh giỏi Văn và Toán toàn miền Bắc... Bởi thế, trong những trang nhật kí, những trang thư anh viết cho người bạn gái rất đỗi riêng tư nhưng cũng là những dự cảm lớn lao về ngày kết thúc chiến tranh.

Chị Phạm Thị Như Anh , bạn gái của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc (năm 1972).
Chị Phạm Thị Như Anh , bạn gái của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc (năm 1972).

Anh viết: “Màu xanh da trời kỳ dị kia. Ừ, cũng là Như Anh đấy, quen thuộc và gần gũi, thân yêu và trong sáng, giản dị nhưng vô cùng độc đáo và đẹp đẽ… Màu xanh da trời, chao ôi, không bao giờ người ta có thể nắm lấy nó, để bàn tay trên nó, chưa bao giờ được thực sự “gần gũi” nó cả…

Ngày mai, nếu ta chẳng gặp nhau, Như Anh đi trên những nẻo đường của ký ức, Như Anh nhìn vào đôi mắt nào gần gũi hay xa lạ với L., hãy nhớ L. một chút. Hãy nhớ rằng, ừ, có một người tên là L. đấy, đã chết rồi. Nhưng trước khi chết, người ấy đã sống và đã ghép tên Như Anh với vô vàn tính từ âu yếm... Ở đâu L. cũng không quên Như Anh. 

Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá, và khó khăn gian khổ càng nhiều, và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. 30/4/1975, Thạc sẽ trả lời cho Như Anh câu: Hạnh phúc là gì? 

Bây giờ đây Thạc muốn nói với Như Anh điều mà Thạc còn e ngại mãi: chờ Thạc, Như Anh nhé! Chờ Thạc đi chiến đấu trở về. Chắc không còn lâu nữa chiến tranh sẽ kết thúc thôi. Thạc sẽ trở về và lại đi học tiếp. Thạc lại mặc chiếc áo xanh da trời xanh màu thương nhớ. Lại hò hẹn Như Anh, vì chúng ta gặp nhau ở cái cửa sổ sơn xanh của thư viện nhân dân.

Xiết chặt Như Anh. Thạc của Như Anh”...

Và Thạc của Như Anh đã không trở về! Không về được, dù lời hẹn hò của đôi lứa yêu nhau đã như lời tiên tri cho ngày đoàn tụ của cả dân tộc... Trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị, một loạt đạn pháo của kẻ thù đã rơi trúng chỗ chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc... Hôm đó ngày 30/7/1972.

Về sau này, tôi có dịp cùng chị Phạm Thị Như Anh trong những hành trình xuyên Việt, qua những nghĩa trang ràn rạt gió Lào, cát trắng. Chị kể: Sau khi học tập ở Liên Xô, chị có 50 lần chuyển nhà qua nhiều quốc gia.

Nhưng hành trang chị mang theo không bao giờ rời xa chiếc va li nhỏ, trong đó những kỉ vật của anh Nguyễn Văn Thạc là những lá thư, cuốn nhật kí và chiếc áo màu xanh da trời mà  người con trai có đôi mắt buồn ấy đã mặc trong những lần gặp chị. Chị nói, chị thương anh lắm, chị chẳng thể rời xa những kỉ vật ấy… Bởi đó là tâm hồn, những linh hồn bất tử của các anh còn mãi…

“Không còn thấy âm dương cách biệt”

Trong một buổi chiều hơn 10 năm trước, giữa mênh mông đại ngàn, chúng tôi đã trò chuyện với anh Hồ Tất Ái - Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn về những câu chuyện hư thực anh đã tận mắt chứng kiến. Nơi đây là nơi an nghỉ của 10.363 liệt sĩ, những chàng trai đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi chưa một lần cầm tay con gái.

Anh Hồ Tất Ái, nguyên là lính đặc công, kể rằng, khi một đoàn các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bình Định lên thăm nghĩa trang, có một gia đình trong đoàn đi tìm mộ người thân, cả năm rồi không thấy. Hôm ấy, bác gái đi thắp hương ở các phần mộ, cũng là ngẫu nhiên. Bỗng thấy bác hét lên một tiếng rồi ngất đi, chúng tôi cứ tưởng bác bị cảm, hay bác quá xúc động. Thế nhưng khi tỉnh lại, bác cho biết, đúng đây là phần mộ của người em mà bác đang tìm kiếm nhiều năm qua.

Rồi nhiều trường hợp khác, chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Gia đình đã đi tìm nhiều năm mà không thấy. Vậy mà trong một chuyến đi cùng mấy đoàn khách thăm Nghĩa trang, đốt hương xong, họ như có người cầm tay dẫn đường, đi vòng vèo tới mấy ngôi mộ ở tận xa thắp hương, nhìn lại mới biết là mộ người nhà mình.

Anh Ái trầm ngâm khi nhớ lại: Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm. Một lần vào dịp cuối năm Quý Mùi (2003), anh em ở Ban quản lý Nghĩa trang bàn nhau dự định chiều ngày 26/12 âm lịch sẽ làm vài mâm cỗ, trước là thắp hương cúng các anh chị, sau là bữa cơm tất niên coi như động viên anh chị em trong cơ quan sau một năm làm lụng vất vả.

Thế rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, thành ra công việc bận quá, chưa tổ chức được. Đêm hôm ấy, rồi đến ngày 27, 28 cũng thế, đêm nào các anh cũng thập thò đùn đẩy ở cửa phòng gọi hỏi: “Anh em sao hứa mà không làm?... Sao hứa mà không làm?”...

Một lần khác, thầy giáo Hải quê Hà Nam, công tác ở trường ĐH KHXH&NV đi cùng đoàn lên thăm nghĩa trang, khi đi qua nghĩa trang khu III là khu quy tập mộ các liệt sĩ của mấy tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh... thì người ta bỗng nghe thầy hát vang cả núi rừng liền một lúc 6 bài về Trường Sơn.

Ngay đêm hôm ấy, thầy gọi điện về cho gia đình kể rằng đi ngang qua nghĩa trang khu III, các anh bảo hát cho các anh nghe những bài hát Trường Sơn nên thầy hát. Ngày rằm, mồng một đến thắp hương tại đó, họ vẫn nghe thấy tiếng anh em liệt sĩ nói cười, chào hỏi: “Các anh đến thắp hương đấy à?” …

Lần khác, đêm 14/11/2001, anh Ái và đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương, chúng tôi thấy một người ngồi bên cạnh tượng đài. Tôi cứ nghĩ, có lẽ khách phương xa tới muộn. Tôi cũng đánh tiếng từ xa, không thấy người đó trả lời. Tôi ngạc nhiên quá, đến gần hơn, cách khoảng chục mét, tôi lại cất tiếng chào hỏi.

Người đó vẫn im lặng. Khi chúng tôi tới gần tượng đài còn cách khoảng vài mét, người đó đi lùi ra một đoạn. Tôi đốt hương và nói: “Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng liệt sĩ. Anh ở đâu tới vậy?” Người đó nói: “Tôi cũng là liệt sĩ, ở nơi khác đến đây thăm anh em!” Quả thật lúc đó tôi vã mồ hôi hột, còn anh Chủ tịch công đoàn thì châm cả lửa vào tay. Quay lại thì không thấy người ấy đâu nữa“…

Những câu chuyện tâm linh có lẽ sẽ làm nhiều người mơ hồ sợ hãi. Nhưng với những người đồng đội của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây, đó là câu chuyện của những người đang sống, các anh vẫn đang hiện hữu bên cạnh cuộc đời này…

Nhạc sỹ Trương Quý Hải, từng là người lính trên chiến trường Vị Xuyên khốc liệt những năm sau này tâm sự: Những người đã từng ôm xác đồng đội chắc chắn có cảm giác giống hệt nhau về tâm linh, đó là tin linh hồn của đồng đội vẫn sống với mình.

Đời thường có lúc nhớ, lúc quên. Nhưng mỗi lần lên thăm đồng đội trên Vị Xuyên (Hà Giang), chúng tôi lại có cảm giác sống chung một cõi với người đã khuất. Lại trở về ngày xưa, mày mày tao tao, thằng sống nói với thằng chết, không còn âm dương cách biệt.

Ngày Giỗ trận Vị Xuyên (12/7) hàng năm, các cựu binh Sư đoàn 356 vẫn về Vị Xuyên (Hà Giang) để trò chuyện với những đồng đội đã khuất của họ. Một phần tuổi trẻ của họ đã ở lại Hà Giang, còn những người đồng đội đã khuất của họ mãi mãi sống ở độ tuổi 18, đôi mươi.

“Tôi nghĩ những người lính đã ngã xuống mạnh hơn mọi cấp chính ủy. Họ đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hi sinh. Sự hồn nhiên của họ tự nó đã tạo nên những điều đẹp đẽ, lớn lao. Linh hồn của họ đã tạo nên một sức mạnh huyền bí vẫn tiếp tục bảo vệ Tổ quốc”, nhạc sỹ Trương Quý Hải chia sẻ…

Đọc thêm