Thế trận hậu cần nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(PLVN) - Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường sá”. Vậy mà, chủ yếu bằng xe đạp thồ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng, bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn. 
Hình ảnh xe đạp thồ trưng bày tại triển lãm “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”
Hình ảnh xe đạp thồ trưng bày tại triển lãm “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019)”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, 65 năm trước, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, trên cánh đồng Mường Thanh giữa núi rừng Tây Bắc, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. 

Hơn hai vạn xe đạp thồ được huy động phục vụ chiến dịch

“...Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến.

Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá.

Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho biết, dự kiến nhu cầu hậu cần chiến dịch gồm: 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm, cứu chữa 5.000 thương binh và ngày 20/1/1954 phải hoàn thành chuẩn bị về hậu cần. 

Vào lúc 17h5 ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào Him Lam. Các tuyến hậu cần bước vào phục vụ bộ đội chiến đấu. Để vận chuyển khối lượng lớn vật chất lên mặt trận, hậu cần chiến dịch thực hiện phương châm “lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ.

Toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được huy động. Phong trào thi đua “Vượt cung, tăng chuyển, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt” phát triển sâu rộng trong các đơn vị. Tuyến vận tải chiến dịch bố trí 18 trạm điều chỉnh giao thông... Hơn hai vạn xe đạp thồ được các địa phương huy động phục vụ chiến dịch.

Để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện nuôi dưỡng rất khó khăn, hậu cần chiến dịch chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp như: Chế biến các loại thực phẩm khô, ướp muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận, Hậu cần Đại đoàn 316 đưa được nhiều đàn bò từ Thanh Hoá lên Điện Biên Phủ, Hậu cần Đại đoàn công pháo 351 ướp muối hàng chục tấn thịt, Đại đoàn 312 tổ chức đội xe thồ 100 chiếc vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận.

Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt 32 tấn cá. Đợt 2 chiến dịch, bộ đội đào hào đánh lấn dưới làn hoả lực ác liệt của địch, trời mưa, chiến hào lầy lội... hậu cần chiến dịch chỉ đạo các đơn vị đào bếp Hoàng Cầm, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, củi khô, nước sinh hoạt tại trận địa; củng cố hầm ngủ nghỉ, nhà vệ sinh dã chiến; luân phiên tắm giặt... nên sức khoẻ bộ đội dần khôi phục và ổn định.

Do thương bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến, ngành Quân y đã huy động toàn bộ lực lượng của 7 đội điều trị (Cục Quân y), 4 đội điều trị của các đại đoàn lên chiến dịch. Trong đó 5 đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 3 đội triển khai ở tuyến hậu cần hoả tuyến. Nhiều giáo viên, sinh viên Trường Đại học Y dược được Chính phủ điều động lên phục vụ chiến dịch.

Đồng bào Tây Bắc đã đóng góp gần 1,3 triệu ngày công 

Đại tá Đặng Huy Cương - Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 2 cho biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Đồng bào Tây Bắc đã đóng góp hơn 7.143 tấn gạo; 389 tấn thịt, khoảng 700-800 tấn rau xanh; động viên hơn 31.818 dân công ngắn hạn, gồm 1.296.078 ngày công làm cầu đường, kho lán.

Đồng bào dân tộc tỉnh tỉnh Lai Châu đã huy động vượt mức được giao 43 tấn gạo, hàng chục tấn thịt, rau xanh, 348 ngựa thồ, hàng chục nghìn cây gỗ chống lầy, làm đường cho xe cơ giới và bộ đội hành quân vào mặt trận.

Tỉnh Yên Bái đã huy động hàng chục nghìn lượt dân công, thanh niên xung phong đi mở đường, tải đạn, tiếp lương cho bộ đội, đảm bảo giao thông thông suốt tuyến đường số 13. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng vạn tấn rau xanh; hàng nghìn thanh niên được động viên nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị chủ lực.

Tỉnh Sơn La bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch Đường 13 (nối từ tỉnh Yên Bái đến tỉnh Sơn La, dài hơn 100 km) và Đường 41 (từ cao nguyên Mộc Châu lên Tuần Giáo, Lai Châu, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc); tỉnh đã huy động được hàng chục nghìn dân công, hàng nghìn tấn gạo, thịt và rau xanh.

Tỉnh Phú Thọ đã tuyển chọn 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung vào đơn vị chủ lực; huy động một lực lượng lớn dân công với hàng chục nghìn ngày công tham gia vận tải, làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được nhân dân địa phương đóng góp, kịp thời chuyển tới mặt trận.

Quân và dân Hà Giang vừa phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch, với hàng chục nghìn lượt dân công, đóng góp 250 tấn thóc cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tỉnh Tuyên Quang cùng với Việt Bắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ địa cách mạng, trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp, ATK của Trung ương. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã huy động hàng chục nghìn dân công, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; duy trì thông suốt tuyến đường 37, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc v.v... 

Đọc thêm