Thiếu nữ Hà thành dựng thương hiệu Cát Tường “đấu” phở Tàu

(PLO) - Làm phu hồ rồi đi bán bún rong, đóng giày, cô gái Hà thành ấy dù vất vả mưu sinh nhưng luôn ấm ức vì người Việt Nam “lép vế” khi người Tàu làm ăn trên đất của mình. Cuối cùng, cô đã gây dựng thành công thương hiệu Cát Tường, “đấu ngang ngửa” với thương hiệu phở nổi tiếng nhất của người Tàu tại Hà Nội thời đó.
Chị em cụ Trần Thị Bảo luôn ngưỡng mộ người mẹ một chữ bẻ đôi không biết mà làm nên cơ nghiệp…
Chị em cụ Trần Thị Bảo luôn ngưỡng mộ người mẹ một chữ bẻ đôi không biết mà làm nên cơ nghiệp…
“Một tay” tạo nghiệp lớn
Theo hồi ức của cụ Trần Thị Bảo (năm nay 90 tuổi, nguyên cán bộ Xưởng phim hoạt họa Việt Nam, khu Tập thể Văn nghệ sỹ Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội, con gái bà chủ hiệu phở Cát Tường Phùng Thị Tài), thân mẫu cụ là một nữ thương gia nghị lực hiếm có những năm đầu thế kỷ XX.
Cụ Tài đã “khai sinh” hiệu phở hàng đầu, cạnh tranh “ngang ngửa” với phở người Tàu thời đó. Cát Tường chuyên phở bò tái, chín ở số 108 phố Cầu Gỗ, nổi danh không kém phở Tàu bán cả đồ xào nấu trước bến xe điện Bờ Hồ.
Cụ Bảo kể, chủ hiệu Cát Tường vốn là con gái ông thiên hộ (quản lý 1.000 số nhà) ở phố Lò Đúc. Ông có tới hàng chục người con, ai cũng phải tự lập từ tay trắng. Hồi đầu cụ Tài làm phu hồ, sau đó bán bún gánh rong. Cụ không được học hành nên “một chữ bẻ đôi” cũng không biết. Nhờ gánh bún đi bán khắp nơi, cụ học lỏm được nghề đóng giày rồi tích được tiền từ làm nghề này, mua căn nhà số 108 Cầu Gỗ để bán phở.
Đầu thế kỷ XX, phần lớn hàng phở ở Hà Nội đều do người Tàu làm chủ. Động lực thôi thúc cụ Tài mở quán phở, sau khi gắn bó với nhiều nghề, là vì cụ ấm ức bởi người Việt Nam “lép vế” khi người Tàu làm ăn trên đất của mình, cụ muốn cạnh tranh với người Tàu. Phở Cát Tường chỉ nửa xu/bát, ngon lại rẻ hơn giá chung thời đó nửa xu nên thợ thuyền, người nghèo…, ai cũng có thể thưởng thức. Khách vào quán cụ nườm nượp. 
Việc kinh doanh khấm khá, cụ Tài tiếp tục mua thêm các nhà số 110 và 106 trên phố Cầu Gỗ. Cả 3 căn nhà đó thông nhau vẫn lấy chung hiệu là Cát Tường và có lẽ là hiệu phở đẹp nhất Hà Nội thời ấy. Cụ nói với con gái, Cát Tường là “tốt đẹp dài lâu”… Cửa hiệu nhìn thẳng ra tháp Rùa, chiều hè đón gió hồ Gươm mát rượi. Mọi việc bán buôn đều do một tay cụ Tài đảm nhiệm. Từ hiệu Cát Tường, cụ Tài mua được rất nhiều tài sản khác trên các phố Hàng Bông cùng bốn chiếc ô tô cho thuê.
Tuy nhiên, những năm 1932 – 1936 kinh tế chung suy thoái, Cát Tường bị vỡ nợ. “Hồi đó mẹ tôi dám cầm “họ” 1 vạn đồng Đông Dương. Tuy nhiên, tới thời điểm, những người cùng chơi không có tiền đóng cho mẹ tôi nữa, còn mẹ vẫn phải trả nợ cho người khác. Sau một đêm, tài sản trong nhà cùng bao đồ cổ, bình, chóe bằng ngọc, bát đũa quý… bị tịch thu sạch, chỉ còn lỏng chỏng giường chiếu, vài cái ghế… Mẹ tôi đành cầm cố 3 căn nhà trên phố Cầu Gỗ cho ngân hàng và hàng ngày phải trả lãi khá vất vả” - cụ Bảo cho biết. Năm 1940, cụ Tài giao việc buôn bán và quán xuyến gia đình cho con gái Trần Thị Bảo, đến ở cùng con trai. 
Nhân cách sáng cho các con
Trong ký ức của cụ Bảo, thân mẫu cụ không đẹp nhưng rất có duyên. Cụ Tài có đôi mắt to, đen láy, khi cười hai hàm răng đen, hạt huyền. Cụ lấy chồng, một người đã có vợ con ở quê, nhưng sau này cụ mới biết.
Mặc dù là người phụ nữ quyết đoán và can đảm nhưng cụ Tài lại chưa bao giờ đánh con một roi. Cứ cầm roi giơ lên là tay cụ đã run bần bật. Cụ chỉ tỉ tê dạy các con những bài học làm người. Trong gia đình, các con cụ được chỉ bảo sát sao từ lời ăn tiếng nói, dáng đi tới việc kính trên, nhường dưới, quý trọng lao động... Thời đó, dù gia đình rất giàu nhưng khi ăn, các con cụ Tài không được bỏ sót, dù chỉ một hạt cơm trong bát.
Dù vất vả tạo nghiệp nhưng cụ Tài rất yêu nước, thương người nghèo… Giai đoạn 1932- 1936, dù cơ nghiệp lâm vào khó khăn nhưng ngày ngày cụ vẫn nấu một thùng phi cháo, một thùng phi nước để những người đói khổ, tàn tật, thất cơ lỡ vận… đến ăn miễn phí. Cụ Tài còn tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Cụ từng là thành viên Hội Phụ lão cứu quốc. Sau những giờ tất tả lo quán sá, cụ lại vác búa chim đi đào hầm hàm ếch trên phố Chương Dương. Sau đó, cụ theo kháng chiến, đến năm 1954 mới trở về Hà Nội.
14 lần sinh nở, bà chủ Cát Tường giữ lại được 9 người con. Vợ cả của chồng cụ mất sớm, để lại một con trai, cụ Tài cũng đón ra Hà Nội nuôi dưỡng, lo chuyện học hành. Cả 10 người con ấy của bà chủ hiệu Cát Tường sau này đều giỏi giang, thành đạt và có những đóng góp nhất định cho xã hội. Có người thành bác sỹ, giáo viên, người làm ngân hàng, người vào quân đội…
Cụ Phùng Thị Tài mất ở tuổi 61, do bệnh trọng. Sau này, Thương hiệu Cát Tường không còn bán phở mà chuyển sang bán mì vằn thắn, sủi cảo… và chính thức ngừng hoạt động vào năm 1996. Các con của cụ Tài khi đó đều có công việc ổn định. Họ quyết định bán cả 3 căn nhà trên phố Cầu Gỗ, tổng trị giá hơn 1.000 cây vàng. 
“Ba căn nhà đó là một tài sản lớn nhưng chúng tôi quyết định bán đi chia đều cho nhau.  Anh em tôi đã nhìn thấy những bài học từ nhiều gia đình đông con khác. Có những gia đình anh chị em thậm chí tương tàn chỉ vì tài sản cha mẹ để lại. Mẹ chúng tôi dù giàu có hay sa cơ đều cố gắng giữ gìn hạnh phúc gia đình, đều đặt tình nghĩa lên trên hết. Chúng tôi không muốn có chuyện xảy ra trái với truyền thống gia đình. Sau khi bán nhà, mỗi người chúng tôi đều có hướng đi phù hợp và sung túc cho cuộc sống của mình…” - cụ Bảo chia sẻ.

Đọc thêm