Thú vị Minangkabau: Đàn bà làm chủ, đàn ông là khách

(PLO) -Mặc dù Hồi giáo được biết đến là tôn giáo có xu hướng chú trọng nam giới hơn là nữ giới, nhưng ở một nhóm dân tộc Hồi giáo Indonesia, điều này lại hoàn toàn ngược lại, phụ nữ được tôn kính và được coi là tài sản vô giá. Nhóm dân tộc được nhắc tới chính là Minangkabau, nơi có cộng đồng mẫu hệ lớn nhất thế giới. 
Mái nhà của người Minangkabau cong vút như đôi sừng trâu.
Mái nhà của người Minangkabau cong vút như đôi sừng trâu.

Trong khoảng 245 triệu dân Indonesia, có hàng trăm các nhóm sắc tộc và nền văn hóa khác nhau. Một trong số đó phải kể đến nhóm dân tộc người Minangkaba, thường gọi là Minang, hay Orang Padang, sinh sống trên một hòn đảo xanh tươi và hoang dã của vùng cao nguyên cùng tên tại phía Tây Sumatra, Indonesia. 

Xã hội mẫu hệ lớn nhất thế giới

Nơi đây được mệnh danh là xã hội mẫu hệ lớn nhất thế giới, theo đó, của cải và đất đai sẽ được truyền từ mẹ sang con gái, trong khi các vấn đề tôn giáo và chính trị và trách nhiệm thuộc về người đàn ông. Hiện có khoảng 8 triệu người Minangkabau, trong đó khoảng 5,5 triệu người sống ở Indonesia, 4 triệu người sống ở Tây Sumatra. Còn lại, khoảng 600 ngàn người thường sống ở Malaysia.

Cái tên Minangkabau được cho là sự kết hợp của 2 từ: “Minang” là chiến thắng, “kabau” là con trâu. Có truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, người Minangkabau bị vương quốc láng giềng tấn công. Để tránh phải đánh nhau, hai bên thỏa thuận sẽ chọi trâu để phân thắng bại.

Người Minangkabau thỏa thuận với đối thủ tổ chức một trận chọi trâu đến chết để phân thắng bại. Hoàng tử nước láng giềng đồng ý và chuẩn bị một con trâu to nhất, cừ nhất, hung hăng nhất. Người Minangkabau bỏ đói một con nghé con, chuốt  đôi sừng bé nhỏ của nó sắc như dao. Khi vào trận đấu, vì quá đói nên khi nhìn thấy con trâu lớn của đối thủ, nghé con bất chấp lao tới, hy vọng được bú.

Về phần con trâu lớn vì không để ý tới chú nghé non gầy còm, cứ nhìn quanh tìm đối thủ xứng tầm. Nhưng khi nghé con rúc đầu dưới bụng nó tìm sữa, đôi sừng sắc nhọn như dao đã rạch toang bụng nó, giết chết con trâu đấu sĩ.

Thế là người Minangkabau thắng trận, từ đó, họ được gọi là Minangkabau. Sừng trâu trở thành biểu tượng ăn sâu vào tâm trí của tộc người này, mái nhà của người Minangkabau cong vút như đôi sừng trâu. Chiếc khăn đội đầu của phụ nữ cũng được quấn hình đôi sừng.

Cũng xuất phát từ truyền thuyết này, mỗi năm một lần, tộc người Minangkabau ở Tây Sumatra lại tổ chức mừng mùa màng bằng lễ hội đua bò. Những con bò tham dự cuộc đua là những con khỏe mạnh, được huấn luyện và chăm sóc trước khi thi. Vào cuộc, chúng được gắn khung bằng gỗ để giữ thăng bằng và được điều khiển bởi những nông dân địa phương.

Người có bò chiến thắng trong lễ hội sẽ có uy tín rất lớn trong cộng đồng địa phương và bò của họ được bán với giá cao. Lễ hội này đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa của tộc người Minangkabau ở Tây Sumatra vào cuối mùa vụ. Đây còn gọi là môn thể thao Pacu Jawi truyền thống của bộ tộc người Minangkabau.

Minangkabau là cộng đồng mẫu hệ lớn nhất thế giới.
Minangkabau là cộng đồng mẫu hệ lớn nhất thế giới. 

Đàn bà làm chủ, đàn ông là khách

Theo truyền thuyết dân tộc Minangkabau kể rằng giữa thế kỷ 12, vua Maharajo Dirajo, người lập nên vương quốc Koto Batu, qua đời để lại 3 người con trai với 3 bà vợ khác nhau. Người vợ cả Puti Indo Jalito giành nuôi cả 3 đứa con và cai trị vương quốc. Đó là nguồn gốc của chế độ mẫu hệ tồn tại trong cộng đồng người Minangkabau cho đến ngày nay.

Theo chế độ mẫu hệ nên con gái sẽ là người được thừa kế tài sản của bố mẹ bao gồm nhà cửa, ruộng vườn và đồ quý giá, vàng bạc, trang sức… Điều này thể hiện rõ nét vai trò của người phụ nữ trong xã hội Minangkabau, trái ngược hoàn toàn so với những nền văn hóa ở các nước láng giềng.

Đáng nói ở đây là con trai không hề cảm thấy khó chịu, tự tin hay buồn bực trước điều đó, không những thế khi lớn những nam thanh niên trai tráng còn phải đi khắp đất nước để trải nghiệm, bươn trải thế giới bên ngoài, từ đó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống trước khi trở về quê hương và xây dựng nó giàu đẹp hơn. 

Ví dụ điển hình là hai anh em có tên là Ridzki và Fira. Là con gái, Fira sẽ được thừa kế tài sản của cha mẹ bao gồm một căn nhà, trang sức và đất đai. Trong khi đó, Ridzki được khuyến khích đi tìm cơ hội lập nghiệp sau đó trở về làng và phát triển nó, hoặc Kinh doanh ở vùng đô thị.

Phụ nữ là tài sản quý giá

Khi nói chuyện với một người đàn ông có tên Nursyirwan Effendi, ông không phải là người giàu có về tiền bạc, của cải, những mọi người đều xem ông là người đàn ông giàu có và may mắn. Đó là bởi vì, “tôi có 4 đứa con gái và nhiều người ngưỡng mộ nói rằng tiền bạc của cải cũng không thể so sang bằng những đứa con gái quý giá của tôi”. Thậm chí, khi những người phụ nữ Minangkabau mang thai, hầu hết mọi người đều hy vọng cô sẽ sinh đầu lòng một bé gái. 

Được biết, khi một cặp đôi kết hôn, thường thì người phụ nữ phải theo về nhà chồng, nhưng ở đây thì hoàn toàn ngược lại, người chồng sẽ chuyển vào nhà vợ để sinh sống. Của hồi môn mà các chú rể mang theo sẽ do gia đình cô dâu quyết định dựa trên học vấn và nghề nghiệp của chú rể.  Không chỉ thế, sau khi cưới mọi việc lớn nhỏ trong nhà đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả vợ và chồng, nhưng quyết định của vợ vẫn được trân trọng hơn cả. 

Đám cưới được coi là dịp trọng đại với nhiều quy tắc cầu kỳ. Vào ngày tổ chức hôn lễ, chú rể sẽ được đưa từ nhà mình tới nhà cô dâu để làm những nghi thức cưới hỏi. Trong buổi lễ, các nghi thức đám cưới, gọi là “nika”', sẽ được thực hiện theo đúng nghi thức Hồi giáo.

Chú rể được chào đón bởi các cô gái nhảy múa trong tiếng trống andang tambua và tiếng cồng chiêng talempong do những người đàn ông gõ. Còn các thành viên trong gia đình cô dâu mặc trang phục truyền thống và đội những mâm tiền, quà, thức ăn trên đầu để trao cho chú rể.

Được biết, đám cưới là dịp thể hiện các đặc quyền về kinh tế và địa vị xã hội  của phụ nữ Minangkabau, khi mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do những phụ nữ có vai vế trong dòng tộc quyết định.

Là chủ hộ, và là người kiểm soát đất đai, con người, cho nên họ phân xử các vụ cãi cọ, quở trách những ai mắc lỗi, và đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bàn bạc dựng vợ gả chồng cũng như trong nhiều nghi lễ khác.

Trong khi phụ nữ cai quản nhà của thì đàn ông Minang được trông đợi là người tạo thu nhập đều đặn cho gia đình, phải trang trải các khoản chi phí nuôi dạy con cái. Nhiều người rời làng quê đi kiếm việc, thỉnh thoảng mới trở về. Khi về nhà, họ dường như chẳng có tiếng nói gì nhiều trong gia đình. 

Chiếc khăn đội đầu của phụ nữ cũng được quấn hình đôi sừng.
Chiếc khăn đội đầu của phụ nữ cũng được quấn hình đôi sừng.

Đứng trước nguy cơ mai một dần

Giống như nhiều cộng đồng khác, bản sắc của người Minangkabau đang đứng trước nguy cơ mai một dần đi vì đô thị hóa. Dù sự lụi tàn của chế độ mẫu hệ đã được dự đoán từ lâu, nhưng nhóm sắc tộc này vẫn rất tự hào gìn giữ truyền thống, vượt qua những thử thách của thời gian.

Theo nhiếp ảnh gia Pieter khi anh đến tìm hiểu về cộng đồng người Minangkabau, ngày càng nhiều người trẻ chọn cách rời xa cộng đồng vĩnh viễn vì cho rằng ở lại làng xóm không có tương lai. “Họ cho rằng làng quê giờ đâu chỉ là nơi để nhớ về khi ở xa, hoặc là nơi người ta trải qua thời thơ ấu hay dưỡng già”. Có thể thấy, việc những người đàn ông trẻ tuổi rời khỏi làng và không quay trở về để lại rất nhiều hệ lụy cho cộng đồng mẫu hệ Minanhkabau.../.

Đọc thêm