Tỷ phú Nguyễn Tấn Đời và cái kết “tàn đời” vì trái ý Tổng thống: Khởi nghiệp cơ cực

(PLO) - Trong kỳ báo số này, người một thời từng giàu nhất miền Nam hồi ức lại giai đoạn khởi nghiệp cơ cực của mình:
Sài Gòn 1960, đường phố nhà cửa còn thưa thớt, hứa hẹn tương lai cho ngành vật liệu xây dựng của ông Đời
Sài Gòn 1960, đường phố nhà cửa còn thưa thớt, hứa hẹn tương lai cho ngành vật liệu xây dựng của ông Đời

1.“Cuộc đời không chỉ toàn đường thẳng. Đường cũng như sông, có những khúc quanh. Đặt chân tới Sài Gòn, việc đầu tiên là đi tìm những bạn bè, người quen cũ. Gặp hai bạn cũ, đang ở trọ, ăn cơm tháng tại căn phố của cô Hai Marie, cô này có chồng Pháp. Bạn tôi giới thiệu đến ở chung, cô Hai đồng ý. Cũng mua một ghế bố để ngủ giống như các bạn, ghế bố để ngủ, tối mở ra, sáng xếp vào.

Tôi vẫn còn nhớ, ngôi nhà này mang số 185/2 đường Phạm Ngũ Lão. Thời đó đường có tên Pháp và mang tên Colonel Grimaud. Đường này là một trong những con phố tuyệt vời của Sài Gòn lúc bấy giờ. Một đầu là chợ Thái Bình, đầu kia là chợ Sài Gòn, suốt dọc con phố, chi chít và sâu thẳm những ngõ hẻm có những đời sống kỳ thú, lôi cuốn lạ lùng.

Bạn bè muốn giúp tôi tìm việc làm vững chắc, họ khuyên tôi nên tìm một việc của một hãng buôn Pháp. Như thế, vừa có đồng lương cao, lại vững vàng. Tôi có thể hoàn tất bổn phận, quan trọng là giúp đỡ gia đình, vì là anh cả trong nhà.

Biết được làm công cho các hãng Pháp, một địa vị tôi và nhiều người đều mơ ước. Tôi muốn chọn lựa con đường đó. Nhưng mỗi lần sắp sửa bước đi, một động lực vô hình như níu kéo tôi lại. Với đồng lương cố định, không phải là lý tưởng của cuộc đời tôi. Vì muốn sống 1 đời tự do, làm nghề tự do. Biết rằng nghề tự do, là bất trắc, phiêu lưu. Không dễ có đời sống huy hoàng, hơn một người gục ngã.

Tôi biết như thế, sự thôi thúc chọn lựa, cuộc sống bất trắc, đầu phiêu lưu trong tôi mạnh hơn cuộc đời ngăn nắp, cố định tại sao? Vì lớn, và sống giữa nơi hương đồng cỏ nội, quen chạy nhảy trên những cánh đồng, đầy lúa vàng thơm ngát, ngửa mặt nhìn những đám mây trôi, sớm phải lo toan gánh vác một phần công việc gia đình, nên tôi bị lôi cuốn bởi thói quen thích thú chọn lựa những quyết định, giải quyết những vấn đề bất ngờ, rút cuộc tôi đã chọn con đường phiêu lưu.

Sài Gòn thời ông Đời khởi nghiệp, đời sống người dân còn chưa hiện đại
Sài Gòn thời ông Đời khởi nghiệp, đời sống người dân còn chưa hiện đại

Không có vốn liếng to lớn. Không có những liên hệ sâu xa với những người có chỗ đứng, trong chính quyền, thương trường, suy nghĩ chỉ có con đường khởi nghiệp bằng nghề “môi giới”. Người Pháp gọi là courtier. Môi giới là nghề “buôn nước miếng”.

Nghĩa là ai có gì muốn bán, mua thì mình tìm cách bán hoặc mua cho vừa lòng. Đó là nghề đầu môi chót lưỡi, nghề không vốn. Các nhà kinh tế tài chính, sau này gọi nghề này là nghệ cung cấp dịch vụ khác “đệ tam khu vực” là secteur tertiaire, lúc đó chúng tôi chỉ biết gọi là nghề “courtier”.

Đi một vòng các hãng lớn như: Descours Cabaud, Denis Freres, Biderman… Để giao thiệp, làm quen. Tôi môi giới đủ loại. Nhưng dần dần, tập trung vào những việc chính: vật liệu xây cất, hàng vãi. Công việc được trôi chảy. Tôi trúng nhiều mối to.

Trong một quốc gia mà nền kinh tế còn chậm tiến, căn bản xây trên nông nghiệp, dân số chưa quá đông, đất đai phong phú, phì nhiêu, đương nhiên có nhiều nông sản để bán ra, và có tiền để mua vào những sản phẩm kỹ nghệ. Và sản phẩm kỹ nghệ cần thiết cho đời sống hàng đầu là vật liệu xây cất để có mái nhà che nắng, che mưa, và vải vóc để may quần áo mặc. Tôi môi giới mua bán vật liệu xây cất và vải vóc, tôi trúng lớn.

Tôi cất đi chiếc xe đạp cũ đã giúp tôi di chuyển những ngày tháng đầu tiên. Tôi mua chiếc xe hơi đầu đời. Cái gì đầu đời cũng ghi khắc sâu trong trí nhớ. Làm sao quên được ngôi trường thuở nhỏ, làm sao quên được ông thầy giáo trường làng, làm sao quên mối tình đầu, làm sao không nhớ lá thư tình thứ nhất?...

Cả chiếc xe hơi thứ nhất cũng có cơ may được xếp vào trong những yêu quý đầu đời. Tôi nhớ rõ chiếc xe hơi đầu tiên tôi mua là một chiếc Citroen, Traction Avant CS018. Mua xe xong, tôi lập văn phòng số 325B đường Phạm Ngũ Lão, xóm Sáu Lèo, chợ Thái Bình, do ông giáo Đặng Kim Huê làm chủ nhà.

Bí quyết thành công của một courtier là sự tín nhiệm. Dĩ nhiên, tín nhiệm là bí quyết thành công của bất cứ công việc làm ăn nào. Nhưng courtier lại càng cần sự tín nhiệm hơn ai hết. Mình không có gì để bán và mình cũng chẳng mua vào gì cả, mình chỉ bán dùm cho người có món hàng muốn bán, và dắt người mua đến chỗ mua, muốn được người có món hàng giao phó hàng cho mình bán, muốn người cần mua hàng nhờ mình mua dùm, người courtier cần phải có tín nhiệm ở cả hai đầu.

Một thiếu nữ trên phố năm 1963
Một thiếu nữ trên phố năm 1963

Muốn đạt được sự tín nhiệm đó cần hai yếu tố là nội dung và hình thức. Về mặt nội dung thì có nói có, không nói không, nói một là một hai là hai.

Về mặt hình thức, một chiếc xe hơi một văn phòng, là những yếu tố chứng minh cơ sở bề thế. Văn phòng lập xong, tôi làm ăn càng phát đạt hơn trước. Tiền vô ào ào. Tôi tiến sang lĩnh vực xuất nhập cảng. Tôi xuất cảng gạo tấm đi Hồng Kông, đi Singapore…

Lúc đó, nhà cầm quyền cho phép gởi tiền cho thân nhân ở Pháp, mỗi lần chuyển qua Ngân hàng được gởi 25 ngàn quan, mỗi lần gởi qua Bưu điện được gởi 5 ngàn quan. Nhiều người có thân nhân ở Pháp, cả người Pháp lẫn người Việc, không dùng hết số tiền chuyển ngân được phép, tôi mua lại những số chuyển ngân đó.

Tôi đã được coi là giàu, càng lúc càng giàu hơn. Nhưng cuộc đời không phải chỉ có toàn là đường thẳng. Đường cũng như sông có những khúc quanh. Đường có chướng ngại vật, sông có sóng vật ngã, nhấn chìm được ta. Áp phe có trúng thì phải có bại. Chân lý đơn giản này nhiều lúc ngon trớn trên con lộ thành công, ta dễ lãng quên…

Năm 1949, tôi bị thất bại nặng, bao nhiêu tiền kiếm được trôi ra sông ra biển hết. Tôi bán xe hơi, trở về với xe đạp. Sự thất bại đẩy tôi lùi xa thực tế một khoảng cách nhỏ để suy nghĩ. Tôi nghĩ courtier dù sao cũng là nghề đầu môi chót lưỡi. Nói theo kinh Phật, thì đó là nghề “thở bằng mũi của người khác’…khó vững bền.

2. Hãng gạch Đời Tân được thiết lập. Lấy tên của tôi làm bảng hiệu, cũng có ngụ ý, là xây dựng lại cuộc “Đời Mới”, thích hợp với truyền thống gia đình của tôi hơn, tránh xa lời đầu môi chót lưỡi mà tôi vừa thất bại. Một nghề vững chắc phải là nghề có đổ mồ hôi, có sản xuất. Đã biết khá nhiều về ngành thương mại vật liệu, xây cất; tôi quyết tâm đi vào ngành này.

Tôi suy nghĩ vật liệu xây cất, gạch ngói cũng được coi là kỹ nghệ. Vì vậy, tôi gom góp thêm tiền, lập ra hãng gạch ngói Đời Tân, 321 Bến Bình Đông, Rạch Cát, ngang hãng rượu Bình Tây. Cũng cần nhấn mạnh, sở dĩ tôi đi vào ngành gạch, ngói, vì trong lúc làm nghề “môi giới”, tôi có dịp học hỏi được nhiều điều.

Tôi biết thợ Triều Châu làm gạch ngói rất giỏi. Được biết bên Campuchia có nhiều hãng, tôi có thể mua lại máy của họ. Tôi qua bên Campuchia mua máy. Tập trung một nhóm thợ Triều Châu.

Vào thời kỳ cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, người Việt Nam cỡ giới trung lưu, bình dân chưa dùng gạc bông lót nền nhà, mà chỉ tráng xi măng xám, hoặc màu, hay nót bằng gạch hầm đất mà thôi, gọi “gạch Tàu”, cũng là một thói quen…

Tôi phải đạp e đến từng nhà đang xây cất, để thuyết phục bán ngói gạch. Mỗi tuần tôi phải đến tòa Đô Chính, tìm địa chỉ người được cấp giấy phép xây cất, rồi tôi đích thân đến nhà gặp họ, trình bày về sự lợi ích, mới mẻ của gạch, ngói, với đủ mọi cách, không bao giờ để mất cơ hội.

Khi làm việc gì, quyết đi đến đích ,bất chấp khó khăn, khổ cực và san bằng mọi trở ngại, coi sự thành công là lẽ sống, phần thưởng tinh thần… Có phải đó là yếu tố giúp tôi thành công hay không?

Trước khi tôi làm việc gì, trước tiên suy tính, dọ dẫm thật kỹ, cho thấm nhuần, thành một cốt truyện mạch lạc ăn sâu vào đầu óc, rồi tưởng tượng cho nó quay lại từ từ, như coi một cuốn phim để suy ngẫm, duyệt xét, đến khi bổ khuyết xong, rồi mới dấn thân hành động không ngừng, không e ngại “ngăn sông cách núi”

Đường phố Sài Gòn những năm 1960
Đường phố Sài Gòn những năm 1960

Nếu gặp chở ngại thì đến đâu xoay trở đến đó cho hoàn hảo mới thôi. Ví như người lực sĩ bơi lội, đã mặc áo tắm (maillot) xếp hàng nơi hồ bơi để tranh tài, lúc đó chỉ biết thắng, đoạt giải, chứ không còn ngại ngùng, không cần biết nước hồ đục hay trong, ấm hay lạnh…

Tôi cũng có quan niệm lạ đời, khi đã bắt đầu làm một việc, chỉ biết chết sống nhắm vào sự thành công của việc đó mà làm. Gặp khó khăn, tôi thích thú xoay trở, không bao giờ chán nản ngừng nghỉ, tính toán phải được lợi liền, lợi bao nhiêu… Bởi lẽ, tôi sợ sự chăm chú vào lợi lộc, sẽ ảnh hưởng, chi phối đến chương trình, và cũng nghĩ rằng khi thành công, dù không muốn thì lợi danh cũng sẽ đến…

Khi bắt đầu làm, tôi hăng say, quên ăn, quên ngủ. Đến tổ chức được thành công, chu đáo. Lúc này là lúc tôi tự thưởng cho tôi, có thì giờ nghỉ ngơi, xả hơi thụ hưởng… Để bồi bổ tinh thần, sức khỏe, rồi từ từ mới kiếm việc khác làm…

Sau khi xuất ngoại trở về, chỉnh đốn kỹ thuật, lập ra từng toán: Lợp ngói, lót gạch. Trong lúc đi bán ngói gạch, đi thâu tiền thì bị chó cắn, đi ăn sáng bị đồng nghiệp đánh chửi, rồi còn bị sinh sự ngoài đường, bị nhốt vào bốt quận Nhì…

Nhưng Trời vẫn thương, Phật vẫn độ, tôi cũng gặp một người, duy nhất chỉ có một người thôi. Trên trăm, ngàn khách hàng, người này hiểu hoàn cảnh khổ cực, khó khăn của tôi trên bước đường lập nghiệp…

Một ngày nọ, tôi đến Tòa Đông Chính lấy danh sách các người được giấy phép xây cất, đến nhà ông huyện Trương Văn Huyên ở 90B Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Một trong những người có tên ở danh sách, để tôi đến xin bán gạch ngói.

Trong câu chuyện mua bán, hai bên thuận mua vừa bán, có dịp nói chuyện. Tôi tâm sự nỗi khổ cực, khi “lên voi, xuống chó”, tủi nhục trong đời mà phải trải qua, gánh chịu… Ông tỏ ra thông cảm nỗi lòng của tôi mà ông không nói ra một lời nào cả…

Đến khi giao ngói, tôi leo lên mái nhà, căng giây lấy mực, rồi cùng thợ lợp ngói, cũng như tự căng giây, lấy mực sẵn cho thợ lót gạch… Tôi giải thích cho thợ hiểu mỗi chỗ sai lầm, kiểm soát kỹ, cách lau chùi bóng gạch… Tôi làm việc một cách tự nhiên như thường lệ, không ngờ, mỗi cử chỉ, hành động của tôi đều được ông lưu ý theo dõi…

Lúc tôi đem hóa đơn để thâu tiền, ông ký chi phí trả tiền và nói thêm rằng. Khi nào tôi gặp khó khăn về tài chính thì đến gặp ông sẽ giúp cho. Tôi bèn hỏi: “Vì lý do nào ông có nhã ý muốn giúp tôi”.

Ông đáp “xem tướng mạo của tôi và đã theo dõi việc làm, một người trẻ có dáng váng thư sinh như tôi mà có sức làm việc dẻo dai phi thường, thông minh, bền gan, chịu khó cực như vậy, nên ông nghĩ là tôi sẽ thành công vẻ vang sau này, đó là điều khích lệ thúc đẩy cho ông có ý nâng đỡ tôi.

Dẫu biết rằng, từ đây có sự ủng hộ tài chính của ông, tôi cũng không khi nào giám nghĩ đến sự lợi dụng lòng tốt của ông. Tôi càng lo sợ khi dính vào tiền bạc sẽ khó giữ niềm tin quý báu của người duy nhất đã thông cảm và thấu hiểu mình…

Lâu lâu có dịp đi ngang nhà ông, tôi ghé thăm ông để bàn luận việc đời, lần lần thân mật, tuy ông giàu sang, nhưng ông cũng có nỗi khổ riêng, ông thuật lại cuộc đời đã trải ,xem bề ngoài rất cứng cỏi, nhưng tâm của ông là người có nhiều tình cảm, nói tới đây ông khóc òa… Làm tôi bị lôi cuốn theo tình cảm riêng của ông…

Một hôm ông ghé hãng gạch thăm tôi, thấy gạch ngói tồn kho quá ít, mà thợ làm chỉ có phân nửa, ông hỏi tại sao có tình trạng như vậy? Tôi cho biết, tôi lãnh được các ‘đặt hàng” lớn nên gạch ngói làm ra được thì đem giao hết, vì chưa giao đủ số nên chưa lấy tiền, vì vậy thiếu tiền mua nhiên liệu… nên thợ được thay phiên nhau, một ngày nghỉ, một ngày làm…

Vì ông quá thương tô, nên ông la rầy tại văn phòng trước mặt các nhân viên: “Đời, tao coi mày như con, tại sao khi cần tiền không nói cho tao biết?” Tôi trả lời, nghĩ tôi có thể xoay kịp! Ông Huyên “Hừ! Mày giỏi quá hả Đời? Sau đó ông liền viết chi phiếu cho tôi mượn tiền, tôi viết biên nhận, ông xé bỏ và nói rằng: “Tao thương và tin mày nên mới cho mày mượn, cần chi giấy tờ”. 

Đường phố Sài Gòn những năm 1960
Đường phố Sài Gòn những năm 1960

Sau khi giao đứt phiếu đặt hàng (commande) thâu tiền đem hoàn trả cho ông, ông tỏ ước vọng muốn được một người con như tôi, biết làm ăn giỏi, chịu khó, có tư cách, biết tự trọng, không hâm tiền bạc, mong ước sau này, “xem Đời như con, để tiếp giúp dẫn dắt các con bác, lúc tuổi đã già”. Tôi nhận lời, từ đây về sau, tôi xem ông như một người cha tinh thần, đỡ đầu. Các con của ông, tôi coi như anh em ruột thịt trong nhà…

3.  Thói thường, tưởng rằng nhầm là thương mãi, nhất là đi vào con đường tiểu công nghệ, sản xuất gạch ngói vật liệu xây cất như tôi, chỉ cần làm tốt hai điều. Một là sản xuất cho tốt, giao hàng đúng hẹn cùng phẩm chất và số lượng.

Tôi mướn thợ Triều Châu ở bên Campuchia về để tăng cường từ khi biết được người thợ này không những đã chịu khó mà còn có biệt tài làm gạch bông rất khéo. Hai là đối với khách hàng, mình phải làm đầy đủ bổn phận của mình.

Đối với anh em công nhân, thuộc viên mình phải đàng hoàng, xử lý công minh làm việc phân minh, lương bổng phân minh, Cứ như thế, bỏ sức lao động, có sự bền chí, dù cho có đổ mồ hôi cách mấy, nhất định cũng phải thành công.

Thời gian đó, như tôi đã trình bày, giới trung lưu nước ta chưa có thói quen dùng gạch bông lót nhà, nền nhà chỉ tráng xi măng màu, xám, đỏ, nâu… mà tôi cũng không quản ngại đến từng công trường xây cất để thuyết phục.

Nhưng sự tàn nhẫn mà tôi không thể tưởng tượng được mà tôi cũng không hề hay biết là người mua hàng không phải bao giờ cũng nhớ bổn phận của mình.

Người đại lý bán lẻ lại càng hay quên, họ quên điều căn bản là thu tiền. Người thì trả không đúng hẹn, không phải hẹn hôm nay mai trả, hẹn tháng này tháng sau vẫn không hề nhúc nhích. Còn có những người trả chi phiếu thì lại không có tiền bảo chứng, phải đi năm lần bảy lượt may ra thì lấy được tiền, còn không thì lại có người lại quên luôn (cho nó tiện).

Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy, có người thế này, có người thế khác nhưng với một số lượng nào đó trả tiền theo nối tùy hứng như thế thì mình cũng đủ chết rồi.

Làm công việc sản xuất bị kẹt tới hai đầu. Buôn, bán, nếu thấy không được chỉ ngưng việc mua vô. Nhưng còn sản xuất thì không thể ngưng được, còn nhân viên, thợ thuyền, mình không thể nói với người ta lúc nào hứng thì tôi làm. Hành động như thế thì anh em công nhân sẽ bỏ đi hết. Đó là lẽ tự nhiên, công việc sẽ không bảo đảm được đều đặn, ai người ta chịu giúp cho mình nữa.

Sản xuất liên tục, phải tìm ra thị trường tống hàng đi, cho nên phải bán rẻ, phải chấp nhận bán chịu.

Có lúc tiền thu về không đủ, nhiều tuần, tôi không có nhiều tiền để mà phát lương cho an hem nhân viên, cũng không có tiền để mà mua lương thực cho cả chính mình, đến nỗi tôi phải tìm nơi mua chịu. Mua chịu, hột vịt, cải xanh, nước mắm, gạo về nấu cơm chung với an hem, trong những tuần lễ gặp nạn như vậy, anh em cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của để mà thầy trò ăn với nhau trong thương cảm, và vẫn tiếp tục làm việc vui vẻ. 

Còn những khi thu góp khó khăn hơn nữa, tiền để mua nguyên liệu dùng vào việc sản xuất cũng không có, máy phải ngưng chạy, lúc đó chúng tôi ngồi nhìn nhau chỉ muốn khóc.

Sau này, tình trạng cung cầu cũng đổi khác, tôi không còn trong tư thế bị bó buộc phải bán chịu nữa, tôi quyết liệt không chấp nhận bán chịu, dù một viên gạch cho bất cứ một ai, dù cho người đó chức cao quyền lớn đến đâu đi nữa. Nếu người có nhu cầu tôi có khả năng cho được thì cho, nhất định không bán chịu.

Có một lần tôi bán chịu hàng cho một ông nhà thầy. Cuối tuần tôi đến nơi xây cất, gọi là “chantier” để lấy tiền. Nhưng không lấy được tiền còn bị la rầy, mắng nhiếc thậm tệ. Người ta mắng nhiếc tôi và bảo tôi phải đến văn phòng tại nhà ông Guy, ở Hai Bà Trưng.

Tôi nhấn chuông, người nhà ra bảo vì cớ này, cớ nọ nên phải bớt tiền, tôi không chịu. Guy la lớn tiếng rồi ký chi phiếu trả. Tôi thế là xong, Nào ngờ bước ra đến sân ông ấy thả chó ra cắn tôi, bây giờ thẹo nơi ống quyển vẫn còn, mà ông Guy thì nói chó của ông ta có chích ngừa, không ai có quyền thưa gửi gì cả.

Mỗi buổi sáng, tôi phải đạp xe đạp từ Bình Đông Chợ Lớn ra Sài Gòn vừa đi bán hàng, vừa đi gom tiền. Đến trưa, không túi không có đủ tiền ăn một tô hủ tiếu, chỉ vừa đủ cho một ly cà phê, nhét vào bánh mỳ mà ăn với cà phê.

Buổi trưa Sài Gòn giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, phải có chỗ ngả lưng, chớp mắt vài phút. Đạp xe đi bán ngói gạch, càng cần ngả lưng trưa hơn nữa vì đã mệt lả người, tôi vào sân Tao Đàn, cũng gọi là vường ông Thượng hay vườn Peugeot, thường gọi Bờ Rô nằm trên xi măng, chân thọt vào bánh xe để ngỏ lỡ ngủ quên, xe không bị lấy mất, lấy nón đậy lên mặt, và làm một giấc nhẹ tiệt vời…

Chiều về, những ngày gió thổi mạnh, nhất là gặp lúc mùa gió đông nam thổi, tro trấu của các nhà xay gạo bay mịt mù trời đất, tôi phải lấy bông gòn viền chung quanh những kẽ hở của kính mắt để cho lại. Thế mà tro trấu nhiều lần vẫn có kẽ hở chui vào được, làm mờ mắt mũi, nước mắt chảy ràn rụa như mưa.

Ai có đạp xe dọc theo sông Đình Đông thì mới thấy nỗi khổ của tro trấu vào mặt ra sao. Nhiều hôm, bụng đói, tiền không thâu được, tro trấu đầy vào mắt, tôi quá tủi thân, gác xe vào lề đường ngồi gục đầu khóc. Những giọt nước mắt vì tro trấu pha trộn với những giọt nước mắt buồn đời tuôn rơi…

Xưởng máy của tôi ở dưới đất, tôi và anh em công nhân ở chung trên lầu. Nơi làm việc cũng như nơi trú ngụ của chúng tôi ở cùng một chỗ.

Mặc dù khó khăn đủ loại, anh em chúng tôi đến bền chí, nhẫn nại, làm việc liên tục, khắc phục mọi khó khăn, hai năm sau tôi dẫn đầu trên thị trường gạch ngói.

Thành công chưa tới nơi hẳn, chỉ vừa ló dạng cuối chân trời như một tia sáng ở cuối đường hầm, tôi lại phải học tập một bài học mới, là lòng ganh ghét của đồng nghiệp.

Trong số đồng nghiệp của tôi có một người tên là Nguyễn Văn Nho hãng Tân Phước. Ông tị hiềm, đặt điều nói xấu tôi nhiều lần, ở nhiều nơi với nhiều người. Tôi im lặng chịu đựng. Một hôm tôi ăn sáng ở nhà hàng Á Châu, đường Tôn Thất Đạm, ông Nguyễn Văn Nho chửi tôi trước mặt mọi người. Tôi nhịn trả tiền bỏ đi.

Nho rượt theo, chặn đường tôi tại góc bàn quê Việt Nam Thương Tín cùng quá tôi phải tự vệ. Tôi xuống tấn, phóng cước đá đối thủ một cước, nó té xuống đường, chảy máu mũi. Nguyễn Văn Nho gọi anh ruột là Cảnh sát trưởng quận V Nguyễn Lễ Tín là bạn học đến lãnh tôi và giảng hòa đôi bên.

Sự việc tuy nhỏ đã làm tôi suy nghĩ đắn đo. Tôi nhận định muốn chấm dứt những cuộc cãi vã nhỏ bé, đụng độ ngoài đường phố một cách tầm thường, phương thức giải quyết tận gốc vấn đề không phải là đánh nhau, cãi nhau, mà phải là cố gắng nhịn nhục tìm sáng kiến làm việc hơn nữa, vượt xa các đồng nghiệp về mọi mặt, hoặc họ nễ,hoặc họ chán sẽ không còn tìm cách gây sự nhỏ nhẹn nữa.

Lý luận đó chính là ngọn lửa nung chí phấn đấu của tôi để đi đến sự thành công

(Còn tiếp)

Đọc thêm