Vì sao công văn của Hội Bảo vệ quyền trẻ em bị phớt lờ?

(PLVN) - Ngày 18/4, Bộ LĐTBXH và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tổ chức hội thảo để lấy ý kiến xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tại đây không ít những con số và thực tế không vui đã được đề cập. Đó là năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em (trong đó 1.293 em bị xâm hại tình dục). 
Số lượng các vụ xâm hại trẻ em tăng về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng.
Số lượng các vụ xâm hại trẻ em tăng về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng.

Tổ chức UNICEF đánh giá tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia. Bên cạnh những thành tựu về mặt pháp luật cũng như xã hội để bảo vệ trẻ em thì thực tế cho thấy vẫn tồn tại sự thờ ơ, suy nghĩ “không phải việc của mình” ở một số cấp, ngành. 

Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho biết, có trường hợp các công văn về vụ việc xâm hại trẻ em của Hội gửi đến các cơ quan chức năng để kiến nghị, xử lý không nhận được sự phản hồi, gây nên khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quá trình, kết quả xử lý các vụ việc.

Đơn cử như nếu năm 2017 có khoảng 58% số công văn của Hội gửi đi được phản hồi, thì năm 2018 chỉ có khoảng 25% số công văn nhận được phản hồi. Trong khi đó, vụ xâm hại trẻ em tăng nhanh cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Theo bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH thì có 3 nhóm nguyên nhân lớn khiến cho tình hình xâm hại trẻ em trở nên nghiêm trọng, đó là nguyên nhân xã hội, nguyên nhân liên quan đến các mối quan hệ và nguyên nhân cá nhân.

Đặc biệt, trong nhóm nguyên nhân xã hội, rất đáng lo ngại sự tồn tại của quan niệm, văn hóa ủng hộ bạo lực, xâm hại như: vợ không tố cáo chồng xâm hại tình dục con đẻ/con riêng; sử dụng bạo lực như một phương pháp giáo dục cả ở nhà trường và gia đình “yêu cho roi cho vọt”; phương pháp hòa giải, thương lượng tự giải quyết các vụ xâm hại; che giấu thông tin các vụ xâm hại vì thành tích của nhà trường, của địa phương.

Từ những thực tế này, theo đại diện UNICEF thì bên cạnh việc cải thiện hệ thống luật pháp, đẩy mạnh các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em thì vấn đề tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em liên ngành cần được chú trọng.

Trong đó cần thiết phải phát triển hệ thống tiếp nhận thông báo, tố cáo trực tuyến, ngoại tuyến và hệ thống chuyển gửi, cũng như quy định rõ trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở các cấp, các ngành cùng với việc xây dựng tiêu chí, hướng dẫn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở tất cả các cấp. 

Mới đây, Hội LHPN Việt Nam và Bộ LĐTBXH đã có buổi làm việc nhằm chung tay thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN Việt Nam chủ trì phát động. Nhiều giải pháp cụ thể đã được hai bên thống nhất phối hợp thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, trong đó vấn đề tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em liên ngành cũng đã được quan tâm, đơn cử như việc hướng dẫn thành lập và hoạt động nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em và mạng lưới những người tham gia công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong đó cán bộ Hội LHPN cấp xã là thành viên. 

Đọc thêm