Xã hội hóa các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu

(PLO) - “Tập trung huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là xã hội hóa nguồn lực để tăng cường việc trồng rừng ngập mặn, bảo vệ bờ biển dưới tác động của biến đổi khí hậu” là một trong những khuyến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức sáng 2/8 tại Hà Nội.
Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của người dân. Ảnh minh họa
Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của người dân. Ảnh minh họa
Theo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn từ năm 2007 đến nay tại 13  tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu hiện vẫn chưa cụ thể, cơ chế vẫn chưa tạo điều kiện để phát huy các nguồn lực và phù hợp với điều kiện của đất nước; hệ thống chính sách, pháp luật mới chỉ chú trọng vào phòng, chống thiên tai mà chưa coi trọng tới thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…
Chưa tính hết các yếu tố tác động
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB KHCN&MT chỉ ra, do nhu cầu kinh phí để thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn nên các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cũng như các dự án ưu tiên. Nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu còn không ít hạn chế, do đó chưa có biện pháp đúng để hạn chế những tác động tiêu cực thông qua quá trình sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. 
Bên cạnh đó, các tác động do phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và sử dụng tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia trên dòng chính sông Mê Kông cũng gây tác động không nhỏ đến tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn tại địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu này nhưng “còn chưa được tính đến hoặc ít được tính đến trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để triển khai thực hiện ở các địa phương”.
Trong khi đó, việc thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương “mới chủ yếu về số lượng, khối lượng nhiệm vụ được giao, chưa chú trọng đánh giá về chất lượng và hiệu quả” - GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường nhận xét.
Xã hội hóa từ nguồn lực đến giám sát
Từ đó, GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ cho rằng, cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò giám sát các tổ chức đoàn thể, các hội quần chúng, người sản xuất và cộng đồng dân cư địa phương - những đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện, chịu tác động và hưởng lợi từ các chương trình, dự án… đối với việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Đồng thời, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về ứng phó biến đổi khí hậu ở cơ sở; rà soát tổng thể, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản về ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi các dự án đầu tư trọng điểm về ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả kế hoạch châu thổ sông Cửu Long nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…

Đọc thêm