Sinh vật ngoại lai ám ảnh: Vì sao bất cập từ nhận thức đến quản lý?

(PLO) - Những năm gần đây, sinh vật ngoại lai (SVNL) được nhắc đến bởi những tác động xấu tới môi trường và gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống loài ngoại lai mới đang là mối nguy hại, trực tiếp đe dọa sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái. Đáng nói, hiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng đề cập rõ quy định kiểm soát, xử lý vấn đề này. 
Sinh vật ngoại lai siêu sâu được mua bán phổ biến.
Sinh vật ngoại lai siêu sâu được mua bán phổ biến.

Thế nhưng, trên thực tế trách nhiệm, sự tham gia của cơ quan quản lý cũng như nhận thức người dân về SVNL vẫn còn hạn chế.

Được một nhưng mất mười

Mới đây, tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, người dân đã phát hiện tôm hùm nước ngọt trong ruộng lúa. Như vậy, lại có thêm một loài SVNL có nguy cơ xâm hại đã lọt vào nước ta và cũng thêm một lần nữa cảnh báo trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

Còn nhớ, ít năm trước các loài SVNL như: ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá lau kính, chồn nhung… đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều địa phương trong cả nước. Liên quan đến những “kẽ hở” khiến các loài SVNL nguy hại xâm nhập vào Việt Nam có thể kể đến 3 con đường chính. Thứ nhất, việc xâm nhập có thể thông qua con đường tự nhiên như trôi theo dòng nước, gió, bão… Con đường thứ hai là du nhập qua hoạt động vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa giữa các nước, các khu vực trên thế giới. Con đường cuối cùng, SVNL có thể xâm nhập có chủ đích qua hoạt động buôn bán, gây nuôi. 

Đáng nói, việc SVNL xâm nhập có chủ đích đã không ít lần diễn ra nhưng hoạt động ngăn chặn và kiểm soát bước đầu hầu như rất yếu ớt. Chỉ đến khi loài SVNL phát triển ồ ạt công tác quản lý mới được đề cập đến. Trường hợp ốc bươu vàng là một ví dụ. Theo đó, ốc bươu vàng cũng có xuất xứ ở Nam Mỹ, gần giống SVNL là tôm hùm nước ngọt. Gần 20 năm trước, loài ốc này được đưa vào nuôi thử nghiệm với kỳ vọng là “cần câu” kinh tế, trở thành nguồn thực phẩm, cung cấp cho người và động vật. 

Những lợi ích kinh tế ban đầu chưa thấy, chỉ ít năm sau, nạn ốc bươu vàng đã bùng phát trên phạm vi cả nước gây ảnh hưởng đến hơn 8.500ha lúa, hơn 6.000ha ao hồ và hàng trăm kilômét sông ngòi, kênh, mương. Để khắc phục, cả nước đã phải huy động lực lượng và chi phí để diệt ốc bươu vàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2000, chuột hải ly được nhập khẩu nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, với khả năng sinh sản 3 lứa/năm và mỗi lứa đẻ từ 4-11 con, loài chuột hải ly đã mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da... gây bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật bản địa khác.

Sau chuột hải ly, năm 2010 loài SVNL rùa tai đỏ đã xuất hiện ngay tại Hồ Gươm (Hà Nội). Loài sinh vật này xuất hiện ngày một nhiều, không ít người còn chứng kiến rùa tai đỏ trèo trên lưng “cụ rùa” Hồ Gươm. Đáng nói, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, loài rùa tai đỏ này bị xếp vào danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài việc tận diệt môi sinh, rùa tai đỏ còn có khả năng mang vi khuẩn salmonenlta gây bệnh cho động vật và con người như bệnh thương hàn rất nguy hiểm. “Sự kiện” rùa tai đỏ cũng khiến Hà Nội mất nhiều thời gian để xử lý. 

Chưa hết, khoảng đầu năm 2014, chuyện nuôi gián đất ở Bắc Ninh, nuôi “siêu sâu” ở Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi lên như một phương pháp làm giàu nhanh chóng. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp đã nhanh chóng chỉ đạo, ra văn bản cấm nuôi các loài SVNL này. Dù ở quy mô nhỏ, nhưng thiệt hại từ những vụ việc này cũng là hàng tỷ đồng, và người chịu thiệt là những người dân không nắm rõ được mối nguy từ những SVNL. Những tưởng sau hàng loạt “vố đau” ấy người dân sẽ nâng cao nhận thức nhưng ngày 5/2 mới đây, tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, một lượng lớn cá đã được phóng sinh, trong đó có loài SVNL có nguy cơ xâm hại. 

Không thể phủ nhận các SVNL cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học ở Việt Nam. Thậm chí, một số giống ngoại lai được nhập khẩu như ngô, táo, thanh long, cừu… đã mang đến lợi ích kinh tế nhất định. Tuy nhiên, với các SVNL xâm hại, nếu buông lỏng công tác quản lý nó sẽ là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp.

Luật “đá” luật, bộ vướng bộ

Khách quan nhìn nhận, các loài SVNL xâm hại hầu như ít được chú ý cho đến nửa đầu thập niên 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ ĐBSCL đến Đồng bằng Bắc bộ. Nói cách khác, đã và đang có “lỗ hổng” trong khâu phòng ngừa các SVNL từ chính các cơ quan quản lý, kiểm soát. Minh chứng là, sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành liên quan. Chẳng hạn, hiện ngành Nông nghiệp có trách nhiệm nhập và quản lý các loại giống, cây, con vào Việt Nam, nhưng trách nhiệm quản lý về SVNL lại do ngành Tài nguyên và Môi trường đảm nhận. 

Chưa hết, hiện khâu nhận diện SVNL cho người dân hầu như ít được chú trọng. Ở vụ việc nuôi SVNL trên địa bàn Cao Lãnh (Đồng Tháp), khi được hỏi, người dân đều tỏ ra khá bất ngờ về tác hại của loài tôm này. Họ đơn thuần chỉ suy nghĩ nó có giá trị kinh tế cao nên bắt tay vào nhân nuôi chứ không hề có khái niệm đâu là SVNL gây hại bị cấm, đâu là loài được cấp phép.   

Ở khía cạnh khác, hiện việc quản lý SVNL được quy định trong Luật Đa dạng sinh học, và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Chẳng hạn, như Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý các loài thủy sinh ngoại lai… 

Tuy nhiên, ngay trong hệ thống văn bản quản lý SVNL lại đang tồn tại sự thiếu thống nhất. Ví dụ, trong Luật Đa dạng sinh học 2008, tại khoản 7 Điều 7 những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học có quy định nghiêm cấm việc “nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại”. Như vậy, SVNL xâm hại bị cấm nhập khẩu và phát triển.

Thậm chí trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (tại khoản 2 Điều 43) còn ghi rõ: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại”.

Thế nhưng, khoản 1 Điều 52 Luật Đa dạng sinh học lại quy định: “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép” có nghĩa là việc phát triển nhân nuôi sẽ được cho phép nếu qua phương cách được UBND tỉnh cấp phép và đã qua khảo nghiệm (?!). 

Cũng liên quan đến khảo nghiệm SVNL như vừa đề cập thì tại khoản 3 Điều 52 Luật Đa dạng sinh học cũng quy định “Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai”. Như vậy, chỉ một khía cạnh là khảo nghiệm và cấp phép hiện cũng tồn tại không ít vướng mắc, nếu không có thông tư hướng dẫn sẽ dẫn đến hiểu biết nhầm lẫn, mơ hồ. 

Thực tế cho thấy, công tác quản lý SVNL cũng rất phức tạp do không thể nhìn thấy ngay tác hại và quan trọng hơn là khó để tiêu diệt hoàn toàn SVNL một khi đã xâm nhập. Để ứng phó với những diễn biến phức tạp từ SVNL, thiết nghĩ, trước hết các ban, ngành liên quan cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại như những quy định về phân tích rủi ro trước khi nhập khẩu, quy định về phát hiện sớm, phản ứng nhanh về loài SVNL...

Ngoài ra, việc ngăn ngừa tác hại của SVNL cũng phải bắt nguồn từ nhận thức của chính những người quản lý, những người nông dân để họ biết nuôi con gì và trồng cây gì là hợp lý, tránh những tình trạng “nhập nhầm” SVNL về nuôi như các “bài học” trước đây.