Đấu giá cổ vật - 'neo' pháp lý để cứu cổ vật!

(PLO) - Trước đây, do chưa có một thị trường cổ vật đúng nghĩa, dẫn đến những cổ vật độc bản, quý hiếm thì được bán với giá rẻ, không đúng với giá trị vốn có, còn những cổ vật ít giá trị lại được “vút” giá cao. Cổ vật quý hiếm bị đánh cắp, thất thoát qua ngả buôn lậu, Nhà nước không thu được thuế, các bảo tàng Nhà nước không biết để sưu tầm những cổ vật quý, những bảo vật quốc gia.
3 cổ vật sẽ được đấu giá tại Hà Nội.
3 cổ vật sẽ được đấu giá tại Hà Nội.

Nhiều cổ vật bị “tuồn” ra nước ngoài

Nạn trộm cắp cổ vật tại nơi thừa tự hoành hành khắp nơi. Đầu tháng 4/2015, chùa Phước Hải ở TP HCM bị mất cắp  một bức tượng Hộ pháp trăm tuổi cao khoảng 1,2m, nặng hơn 100kg. Trước đó, đầu năm 2014, chùa Đa Sỹ (Hà Nội) bị mất trộm những cổ vật, đồ thờ quý trăm năm tuổi.  Chỉ trong vài tháng, kẻ trộm đã “viếng thăm” chùa Đa Sỹ đến 3 lần để đánh cắp đỉnh thờ và bốn bát hương cổ - cổ vật có từ thời nhà Nguyễn.

Chùa cũng bị mất tiếp sập gụ, một chiếc đỉnh thờ cổ, 10 pho tượng quý gồm các tượng Phật và tượng Thánh cổ. Tại tỉnh Bắc Giang, theo Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang, đã xảy ra hơn 50 vụ mất cắp cổ vật trong các di tích, kẻ gian đã lấy gần 300 di vật, cổ vật, trong đó chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, bát hương cổ. 

Còn rất nhiều vụ cổ vật bị “chảy máu” không thể liệt kê hết. Các đối tượng trộm cắp để mang bán cho giới chuyên buôn bán cổ vật trong và ngoài nước. Các cổ vật bị mất hiếm khi được tìm thấy. Một chuyên gia văn hóa cho rằng, hiện nay việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn còn lộn xộn. Không riêng gì người trông coi mà cả hải quan và công an đều có kiến thức rất hạn chế về sự đánh giá cổ vật. Họ không phân biệt được cổ vật thật, cổ vật giả dẫn tới việc quản lý, tìm lại cổ vật đã mất rất khó khăn. 

Vì buôn bán cổ vật thu lợi nhuận rất cao cộng với trình độ làm giả cổ vật rất tinh vi, mắt thường khó phân biệt, việc kẻ gian lợi dụng đánh tráo cổ vật thật lấy cổ vật giả rất có thể xảy ra. Nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam đã “trôi dạt” sang thị trường châu Âu, nằm trong các bộ sưu tập tư nhân ở châu Âu, châu Mỹ. Riêng các nhà sưu tập cổ vật của Việt Nam thì đang mệt mỏi với tình trạng cổ vật bị làm giả. Nếu tiếp tục buông lỏng quản lý hoặc thiếu kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung, chúng ta đang dần biến thị trường cổ vật thành chợ trời, buôn lậu cổ vật.

Làm gì để thị trường cổ vật phát triển lành mạnh?

Làm thế nào để thị trường cổ vật phát triển một cách lành mạnh? Liệu Luật Đấu giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017 có thể thúc đẩy sự trao đổi, giao lưu cổ vật một cách hợp pháp, giúp các bên mua bán xác định được giá trị cổ vật đúng với mặt bằng thị trường?-  đó là câu hỏi được những người quan tâm tới cổ vật và dư luận đặt ra. 

Theo ông Quản Văn Minh - Chủ tịch Hội đấu giá viên Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đấu giá số 5 quốc gia (NALAF) cho biết, tất cả những cổ vật, tác phẩm nghệ thuật đưa ra đấu giá đều được các chuyên gia đầu ngành thẩm định với đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học do các cơ quan thẩm quyền cấp để bảo đảm chất lượng và tính hợp pháp của các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật này.

Theo quy định tại Điều 24 Văn bản hợp nhất số 3202/VBHN-BVHTTDL do Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác thực ngày 03/9/2013 hợp nhất Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, thì Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan; Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký; nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp; nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài. Như vậy, Nhà nước chỉ bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký và nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp.

Còn theo quy định tại Điều 27 thì tổ chức, cá nhân bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Vừa qua, NALAF dự kiến tổ chức bán đấu giá cổ vật có giá trị lịch sử - văn hóa. Các cổ vật được đưa ra bán đấu giá lần này bao gồm: bình đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng 2.000 năm; thạp gốm hoa nâu thời nhà Trần, thuộc thế kỷ XIII – XIV và hộp Pháp lam Hoàng cung thời nhà Nguyễn (giữa thế kỷ XIX). Đây đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử - văn hóa quý hiếm, được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt nhất. Ông Quản Văn Minh cho biết, cổ vật là một loại tài sản khi đưa ra đấu giá phải tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Di sản, các quy định của luật chuyên ngành, phải có hồ sơ pháp lý, được đăng ký đầy đủ. Vì vậy, mua cổ vật qua đấu giá sẽ đảm bảo cả về tính pháp lý lẫn kinh tế, giá trị tài sản được khẳng định bằng xác nhận trúng đấu giá. Đây cũng là lần đầu tiên UBND TP Hà Nội cho phép doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá cổ vật.

Ông Đào Phan Long - Giám đốc Cty TNHH Dấu Xưa, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội:

 “Tôi nghĩ phải làm sao đấu giá cho đều đặn và hữu hiệu. Đây là xu hướng tất yếu, để có một thị trường đồ cổ công khai và cổ vật được pháp luật bảo vệ. Làm như thế thì mới giữ đồ cổ ở lại trong nước và kéo dòng đồ cổ Việt Nam từ nước ngoài chảy về”. 

Ông Hoàng Ngọc Hưng, Chủ tịch Nhà đấu giá nghệ thuật quốc tế chọn Auction House:

 Hình thức đấu giá tài sản nói chung, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật... nói riêng đã xuất hiện trên thế giới gần 300 năm về trước. Cho tới nay, doanh số hàng năm của các nhà đấu giá lớn trên thế giới lên tới hàng chục tỷ USD. Tại Việt Nam, đâu đó cũng đã xuất hiện những hình thái mang dáng dấp của đấu giá nghệ thuật, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai, còn yếu và thiếu nhiều so với chuẩn mực đã được hình thành trên thế giới nhiều năm qua. Chính vì vậy, việc hình thành và phát triển ngành đấu giá tác phẩm nghệ thuật, cổ vật tại Việt Nam là nhu cầu thiết yếu, cũng là quy luật phát triển tất yếu của thị trường. Xu hướng đấu giá tài sản là các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển, hội nhập và bùng nổ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Cty Luật TNHH SB LAW:

 Những người sưu tầm cổ vật muốn mua một món cổ vật theo ý thích của mình cũng không phải dễ. Do đó, cổ vật đang cần có một thị trường mua bán hợp pháp để người bán và những nhà sưu tầm thuận tiện giao dịch. Mua cổ vật qua đấu giá sẽ đảm bảo cả về tính pháp lý lẫn kinh tế, giá trị tài sản được khẳng định bằng xác nhận trúng đấu giá. Việc đưa cổ vật và các hiện vật có giá trị lên sàn đấu giá công khai sẽ góp phần khẳng định giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, hơn nữa sẽ tạo nên môi trường định giá, giao dịch lành mạnh; quảng bá tài năng nghệ nhân, thợ chế tác các làng nghề truyền thống.

Đọc thêm