Bản trường thọ nơi biên giới Việt - Lào

(PLO) - Xưa nay, người ta thường biết đến những vùng đất “trăm tuổi” ở miền xuôi, ở đồng bằng vì nơi đó có điều kiện kinh tế phát triển, gần với trung tâm văn hóa, gần các dịch vụ y tế… Nhưng ít ai biết đến, xứ Nghệ lại có một vùng đất được mệnh danh là “Mường trăm tuổi” nơi biên giới Việt Lào.
Cụ Và Pà Giờ và vợ
Cụ Và Pà Giờ và vợ

Cao nguyên xứ Nghệ 

Phóng viên vượt hơn 300km đường rừng trong cái nắng tháng tám rám trái bưởi  khắc nghiệt của miền Trung, từ TP Vinh thủ phủ tỉnh Nghệ An lên xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Nhưng điều kỳ lạ khi đặt chân đến Mường trăm tuổi lại có một sự khác biệt hoàn toàn về thời tiết, một cảm giác mát mẻ lạ thường sau khi băng qua con dốc bước lên “cổng trời”.

Mường Lống từ lâu nay được người ta nhắc đến với cái tên “cổng trời” thể hiện một vùng đất cao sát với trời nên mát mẻ. Đây là vùng đất thung lũng trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1485m so với mực nước biển, thuộc dãy Trường Sơn. Với người thích đi phượt, đi du lịch thì biết đến với cái tên “Đà Lạt giữa lòng xứ Nghệ” vì thế có nhiều người tìm đến đây để tận hưởng sự mát mẻ, mây trùm bao quanh những ngọn núi, bồng bềnh như cõi tiên…

Nhưng đó không phải là tất cả, Mường Lống còn được người dân còn được biết đến “Mường trăm tuổi” vì có nhiều người sống thọ ở mảnh đất này.

Không biết tên gọi “Mường trăm tuổi” có từ bao giờ nhưng từ khi những người Mông chuyển đến nơi này định cư từ hàng trăm năm trước, tuổi thọ của họ thường chênh lệch rất nhiều so với những bản làng vùng cao khác.

Trong một nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Việt Cường (nguyên Giám đốc Trung tâm Vật liệu và Môi trường khắc nghiệt - Viện Cơ học) từng khảo sát và công bố: Mường Lống là nơi có các cụ già sống trên 100 tuổi đông nhất cả nước. Theo ông Lầu Bá Chò, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, toàn xã đến nay có 4.500 nhân khẩu/900 hộ dân, chủ yếu là người H’Mông thuộc 7 dòng họ. Nói đến những người cao niên, ông Chò cho biết muốn gặp người nào cụ thể chứ người cao niên ở Mường Lống đông lắm không gặp hết được.

Tìm đến nhà cụ Và Pá Giờ (98 tuổi) nhưng không gặp, người nhà cho biết cụ đang đi chăn bò, gần một tiếng nữa cụ mới về. Cụ Và Pà Giờ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, có hai người vợ và 13 đứa con, một đàn cháu, chắt... Mấy năm nay cụ không còn đi làm rẫy nhiều như trước nhưng ngày ngày vẫn đi chăn trâu bò giúp con cháu. Ông Lầu Bá Chò cho biết, những người như ông Và Pà Giờ không phải là là ít ở Mường Lống, hầu hết các cụ ở tuổi cao nhưng không ai chịu ở nhà nghỉ ngơi mà vẫn đi làm việc mỗi ngày.

Ở nơi U100 vẫn cưới vợ, sinh con

Nhắc đến người sống lâu, sống khỏe thì ai cũng nhớ đến cụ Xồng Già Vừ, theo các giấy tờ thì cụ sinh ngày 9/7/1920, có hai đời vợ đều đã qua đời, người con gái lớn của cụ đã ở tuổi 70, hàng trăm cháu chắt, chút chít...

Cách đây 2 năm, đám cưới với người vợ thứ 3 của cụ ông 95 tuổi Xồng Gà Vừ với hơn 300 khách, trong đó phần lớn là con cháu, chắt chút chít trong gia đình vui hẳn một góc Mường. Dù đã ở tuổi 97 cái tuổi “Bách niên giai lão” nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, đôi mắt vẫn tinh nhanh và minh mẫn đến lạ thường.

Người vợ thứ ba là một người đàn bà góa phụ đã tuổi 45, cả hai về chung sống trong nhà khiến cả Mường bàn tán xôn xao. Cụ Vừ nói: “Hết tuổi đẻ rồi chứ không vợ tui vẫn đẻ thêm được đứa nữa rồi”, cụ cười hóm hỉnh. Cụ khoe, dù tuổi cao nhưng “chuyện giường chiếu” vẫn đều đặn như thuở thanh niên. Hiện nay, hai vợ chồng cụ Vừ sống chung với người con trai, trong ngôi nhà sàn có 5 thế hệ cùng sinh hoạt, xung quanh nhà chủ yếu là nhà của con cháu cụ. Cụ cho biết vẫn thường xuyên lên rẫy, làm việc nhà đều đặn.

Để nói chính xác số lượng cháu chắt chút chít trong nhà, cụ nhẩm tính một lúc sau rồi bảo “không thể đếm nổi”. Cụ phải gọi người con trai thứ 8 là ông Xồng Gà Súa (57 tuổi) sang đếm giúp, sau một hồi cầm sổ ghi tên con cháu thì số lượng cụ thể vẫn chưa thể có. Cụ nói: “Tính sơ sơ có khoảng 80 đứa cháu, chắt thì nhiều lắm đếm không hết, chít thì cũng khoảng 100 đứa gì đó, nhớ tên chúng cũng khó rồi chứ nói chi đến đếm…”.

Hỏi về bí quyết để sống lâu mà khỏe thế thì cụ Vừ nói, không hề có bí quyết gì cả. Người dân bản nơi đây cứ ăn cơm trong rẫy, đi làm rẫy rồi uống nước suối suốt nhiều đời nay thôi. Cụ Vừ nói “Không khí nơi đây là trời cho, không phải nơi mô cũng có khí trời mát mẻ quanh năm như ở đây. Cuộc sống từ nhiều đời nay thì người dân tự cung, tự cấp, rau thì hái trong rừng hoặc tự trồng lấy, cá thì nuôi hoặc bắt dưới sông, suối, thịt thì ăn thịt thú rừng hoặc nuôi trong vườn…”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Mường Lống tính đến thời điểm cuối tháng 8/2017 cả xã có gần 50 cụ có độ tuổi trên 80 vẫn đang rất khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn có thể đảm đương được vai trò là lao động chính. 

Ông Xồng Gà Súa, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lống chia sẻ, có thể thống kê được một số đặc điểm tự nhiên đặc biệt để người dân nơi đây sống lâu, sống khỏe. Trong đó, việc bà con ăn gạo trên rẫy tự trồng. “Gạo rẫy thì không phun thuốc, không có hóa chất, ăn vô khỏe hẳn lên”.

Cựu Chủ tịch xã nói vui: “Đàn ông ở Mường Lống mà ăn gạo rẫy một tuần mà không “gặp vợ” là không chịu được, trước đây tui đi học dưới thành phố ăn gạo dưới đó cả tháng mà chẳng thấy nhớ vợ như ăn gạo rẫy”. Rời xa “Mường trăm tuổi” chúng tôi có cảm giác hơi luyến tiếc vì không được ở đây lâu hơn, chiều chiều xuống sương mù giăng kín lối đi như níu chân người ở lại...

Đọc thêm