Bắc Ninh: Tòa án huyện Yên Phong vi phạm tố tụng nghiêm trọng?

(PLO) - Ngày 11/9 mới đây, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự phúc thẩm về tranh chấp chơi phường (còn gọi là chơi họ) xảy ra trên địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Vợ chồng bà Nhị, ông Yến tại phiên xử phúc thẩm.
Vợ chồng bà Nhị, ông Yến tại phiên xử phúc thẩm.

Hàng loạt chứng cứ chưa được xem xét

Theo bản án sơ thẩm, từ ngày 7/3/2007 (âm lịch) đến tháng 7/2011 âm lịch, bà Đào Thị Nhị (SN 1959) có tham gia chơi phường với vợ chồng anh Trương Công K (SN 1978), chị Dương Thị H (SN 1980) cùng trú tại Đông Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh tại 12 bát phường do anh K là Hội trưởng và chị H là Hội phó với tổng số xuất chơi là 108 xuất.

Đồng thời, bà Nhị còn nhờ vợ chồng anh K, chị H chơi hộ 10 xuất tại 3 bát phường do vợ chồng anh Cao Văn M, chị Lê Thị N là người cũng địa phương làm chủ.

Tại tòa, bà Nhị trình bày bà chơi tổng cộng 118 xuất phường nhưng mới chỉ được lấy 18 xuất nên bà làm đơn ra tòa yêu cầu vợ chồng anh K, chị H phải thanh toán trả 100 xuất này cho bà với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Nhị còn yêu cầu vợ chồng anh K, chị H phải hoàn trả bà số tiền mà chủ phường (vợ chồng anh K, chị H) đã thu giá cao hơn giá húc với số tiền chênh lệch là hơn 282 triệu đồng.

Không chỉ có vậy, bà Nhị còn yêu cầu vợ chồng anh K, chị H phải trả lại bà số tiền bà đã phải trả chủ họ số tiền gốc khống và tiền lãi khống của số tiền vợ chồng anh K, chị H đóng hộ bà bằng tiền của bà mà vợ chồng anh K, chị H đã lĩnh tiền phường trước tổng số hơn 3 tỷ đồng.

Bà Nhị cũng yêu cầu vợ chồng anh K, chị H phải trả lại bà số tiền mà phía chủ họ đã thu thừa số tiền đóng phường của bà là ở các tháng thuộc 12 bát do vợ chồng anh K, chị H làm chủ từ tháng 3/2007 đến tháng 2/2009 hơn 1,2 tỷ đồng; buộc vợ chồng anh K, chị H phải trả bà số tiền mà phía vợ chồng anh K, chị H đã tính sai tiền gốc khống và tiền lãi khống cho bà là hơn 1,1 tỷ đồng. Tổng cộng, bà Nhị yêu cầu vợ chồng anh K, chị H phải trả bà hơn 10,9 tỷ đồng và lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình làm việc tại TAND huyện Yên Phong, anh K có thừa nhận việc bà Nhị chơi 12 bát do vợ chồng anh làm chủ và được bà Nhị nhờ vợ chồng anh chơi 3 bát tại nhà vợ chồng anh Minh. Tuy nhiên, theo anh K việc bà Nhị cho rằng chưa được lĩnh 100 xuất tại 15 bát phường là không đúng.

Anh K chỉ xác nhận bà Nhị chưa được lĩnh hết các xuất phường đã tham gia chơi tại 6 bát là bát họ ngày 7/3/2007 (3 xuất), ngày 2/8/2007 (17 xuất), ngày 6/1/2008 (15 xuất) và 3 bát họ nhờ vợ chồng anh chơi hộ nhà anh Minh ngày 29/4/2011 (1 xuất), ngày 12/6/2011 (5 xuất), và 10/7/2011 (4 xuất).

Trong quá trình giải quyết vụ án, anh K cung cấp cho TAND huyện Yên Phong 23 tờ giấy biên nhận về việc bà Nhị vay tiền của hội phường cũng như giấy biên nhận về việc bà Nhị đã lấy tiền phường.

Tại cấp tòa phúc thẩm, bà Nhị đã chứng minh việc phản tố của anh K như đã nói ở trên là sai. Bởi lẽ, bà Nhị đã đối chứng với các giấy tờ biên nhận và giấy vay tiền đồng thời cung cấp bằng chứng là quyển sổ ghi chép do chính vợ anh K đưa cho bà. Tuy nhiên, HĐXX lại chưa làm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn là bà Nhị.

Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nhị tiếp tục cho rằng 23 tờ giấy biên nhận trên không phải là chữ ký của bà nên bà mong muốn được giám định lại. Tuy nhiên, lời đề nghị này của bà Nhị cũng không được xem xét ở hai phiên xét xử.

Cũng theo bà Nhị, trong quá trình chơi phường, có nhiều lần bà nhờ vợ chồng anh K, chị H đóng hộ tiền tại các xuất chơi của 15 bát. Điều này tại phiên tòa phúc thẩm chị H cũng đã thừa nhận và cho rằng việc đóng hộ tiền phường là tiền cá nhân của vợ chồng anh chị nên bà Nhị phải trả đối ứng với các xuất chơi chưa lĩnh tiền của bà Nhị.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nhị đưa ra một quyển sổ ghi chép và khẳng định chữ ký trong sổ là của chị H có nội dung bà đã trả số tiền nhờ vợ chồng anh K, chị H đóng hộ tại 15 bát và có chữ ký của chị H. Về vấn đề này, HĐXX cấp phúc thẩm cũng đã khẳng định là sẽ xem xét nội dung này nhưng sau đó lại không thực hiện.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng?

Luật sư Đinh Văn Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Pháp lý Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nhị cho rằng, tại phiên xử sơ thẩm vụ án của bà Nhị, TAND huyện Yên Phong đã vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng.

Theo Luật sư, về thủ tục thông báo về phiên kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, thể hiện tòa án chỉ thông báo cho bà Nhị và anh K mà không thông báo cho ông Yến (chồng bà Nhị) và chị H. Bên cạnh đó, TAND huyện yên Phong không đưa anh Phong (con bà Nhị, có tên trong các giấy biên nhận và giấy vay tiền do phía chị H cung cấp) vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

TAND huyện Yên Phong chưa xác định được chủ thể “Hội phường Làng Đông Thái”, “Hội tương trợ kinh tế Làng Đông Thái” là ai nhưng đã vội vàng chấp nhận yêu cầu của bị đơn để khấu trừ các khoản tiền này vào tiền phường của vợ chồng ông Yến bà Nhị là không có căn cứ vững chắc.

Đối với chủ thể là ông Huy bà Chiêm, ông Đồng bà Thúy TAND huyện Yên Phong không đưa 4 chủ thể này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét giải quyết là bỏ sót người tham gia tố tụng, làm cho việc giải quyết vụ án không dúng pháp luật.

Luật sư Đinh Văn Sơn cho rằng, đối với các tài liệu phía bị đơn nộp kèm theo đơn phản tố, tại tòa bà Nhị không thừa nhận tài liệu này là thật và cho rằng tài liệu này là giả mạo do bị đơn ngụy tạo ra sau đó được mang đi giám định. Tuy nhiên, kết luận giám định lại không rõ ràng, đồng thời giám định viên cũng khẳng định chỉ giám định chữ viết mà không giám định chữ ký. Do đó, đây là nội dung cho thấy Tòa cấp sơ thẩm đã cẩu thả khi sử dụng chứng cứ này.

Trong quá trình tranh tụng tại tòa sơ thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng “tự mình bác bỏ tài liệu đã được cả hai bên nguyên đơn và bị đơn công nhận là chứng cứ trong vụ án. Thẩm phán vừa can thiệp vừa mớm cung theo hướng có lợi cho bị đơn Kiên Huân. Đối với 27 tài liệu do phía bị đơn cung cấp, luật sư cho rằng Thẩm phán cấp sơ thẩm không cho các đương sự được tiếp cận các tài liệu bản chính do bị đơn cung cấp có dấu hiệu Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án cùng với bị đơn đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Vụ kiện tranh chấp liên quan đến phường, họ là tại Bắc Ninh là một trong những vụ án hiếm thấy kể từ ngày pháp luật dân sự công nhận các hình thức giaon dịch hụi, họ, bưu, phường. Do đó, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án cần thận trọng xem xét, đánh giá chứng cứ để có quyết định đúng với bản chất các giao dịch dân sự này. Việc TAND huyện Yên Phong vi phạm tố tụng khiến cho kết quả giải quyết tranh chấp sẽ không phù hợp thực tế.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm