Cảnh giác trước những vị sư giả khất thực

(PLVN) - Dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cấm chư Tăng, chư Ni đi khất thực, nhưng thời gian qua tại Đồng Nai xuất hiện một số người mặc áo cà sa, ôm bình bát đi khất thực tại một số tuyến đường đông người qua lại… 
Người phụ nữ trong trang phục tu hành đứng tại điểm giao thông ngã tư Vũng Tàu xin tiền.
Người phụ nữ trong trang phục tu hành đứng tại điểm giao thông ngã tư Vũng Tàu xin tiền.

Vấn nạn sư giả có thời gian đã lắng xuống, nhưng hiện số người mặc áo cà sa, ôm bình bát xuất hiện ở Biên Hòa (Đồng Nai) ngày càng nhiều.

Kiên trì đội nắng... kiếm tiền

Liên tục nhiều ngày qua, tại ngã tư Vũng Tàu (thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa), có một phụ nữ mặc áo cà sa màu vàng, tay cầm chiếc bình bát đứng xin tiền ngay cạnh trụ đèn giao thông. Người dân ở khu vực này cho biết “sư nữ” này rất siêng đứng, có khi liên tục mấy giờ liền, bất chấp trưa nắng. 

Qua quan sát, chúng tôi thấy khi xe hai bánh dừng đèn đỏ đều có 2-3 khách ghé vào cho tiền vị “sư” này, ít nhất 5 ngàn đồng, thậm chí có vài người bỏ vào bình bát 50-100 ngàn đồng. Những lúc nhận được tiền từ khách đi đường, người phụ nữ liền cúi đầu “hành lễ”.

Đến khoảng 18h mỗi ngày, khi chiếc bình bát đã khá nhiều tiền, “sư nữ” bước nhanh vào chỗ vắng dưới gốc cây thay quần áo rồi lên chiếc xe hai bánh giấu trong đó, rồi hòa vào đám đông theo hướng quốc lộ 51 đi Vũng Tàu. 

Ông Nguyễn Hoàng, người chạy xe ôm ở khu vực đó cho biết, ban đầu người dân tưởng phụ nữ đó là sư thật nên nhiều người cho tiền. Nhưng sau đó phát hiện bà này có những biểu hiện khác thường, không như các vị sư trong chùa nên mọi người không cho nữa.

Theo ông Hoàng, do khách qua đường thương cảm thấy “sư bà” đứng dưới trời nắng nên đã cho tiền mà không biết đó là… sư giả. Ông Minh cho biết thêm, người phụ nữ mặc áo cà sa này không phải là duy nhất xuất hiện tại đây, mà còn có vài “sư ông” khác cũng thỉnh thoảng đứng đường xin tiền “bá tánh”. 

Không đội nắng xin tiền như mấy “đồng nghiệp” ở ngã tư Vũng Tàu, một số “chư Tăng” đi khất thực hẳn hoi tại những khu vực đông người. Chẳng hạn, trên đường Phan Trung (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) vào buổi sáng mỗi ngày có người đàn ông khoảng 40 tuổi mặc áo nhà chùa ôm chiếc bình bát màu bạc rảo bước trên đường “khất thực”.

Người này đi chân trần, chậm rãi từng bước một, nhưng đôi mắt lúc nào cũng láo liên quan sát. Khi đến trước nhà dân, hàng quán hoặc nơi có người, “vị sư” liền dừng lại, tay nâng bình bát lên ngang ngực, miệng lẩm bẩm như đang… tụng kinh. Đợi được cho tiền, người này mới đến vị trí khác tiếp tục hành nghề.

Người đàn ông tự xưng pháp danh Phước Cảnh đang khất thực ở trung tâm TP Biên Hòa.
Người đàn ông tự xưng pháp danh Phước Cảnh đang khất thực ở trung tâm TP Biên Hòa. 

Cũng cảm thông hoàn cảnh của “sư ông” như nhiều người khác, chúng tôi bỏ vào chiếc bình bát 20 ngàn đồng rồi bắt chuyện. Về nguyên tắc, những nhà sư được đi khất thực thường không trò chuyện với người đi đường, nhưng “vị sư” này cười nói rôm rả. Ông cho rằng pháp danh là Phước Cảnh, hiện đang tu tại một ngôi chùa tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa.

Sau khi đi hết đường Phan Trung hơn 1km, người đàn ông sang đường Trương Định (nằm song song với đường Phan Trung, cùng ra đường Đồng Khởi)  rồi tiến vào chợ Tân Hiệp (phường Tân Hiệp). Sau khi đi một vòng quanh chợ, vị “sư thầy” kiếm chỗ vắng vẻ để thay y phục và lên xe máy của một người đàn ông khác rồi… biến mất. 

Tu sĩ khất thực phải có giấy chứng nhận 

Chị Lê Thanh Thủy, tiểu thương trong chợ Tân Hiệp khẳng định, người đàn ông trong trang phục nhà sư trên đều đến các cửa hàng và đứng rất lâu. Khi nào nhận được tiền mới rời đi. Một số tiểu thương trong chợ Tân Hiệp còn cho biết, cách hành khất của “vị sư” này rất lạ, không giống người tu hành. Nhiều trường hợp cho trái cây, gạo, “sư” lắc đầu không nhận mà nói chỉ lấy tiền.  

Ngoài người đàn ông trên, ở chợ Tân Hiệp còn có hai nhóm mặc áo cà sa hay đến xin tiền người trong chợ. Một nhóm gồm ba người đàn ông, một già hai trẻ mặc y phục màu vàng đi xin tiền; nhóm còn lại chỉ có nữ mặc áo nâu đi bán nhang. Sau nhiều lần xuất hiện, hai nhóm này khiến người đi chợ phải né vì cách xin tiền hoặc bán nhang theo kiểu rất “đeo bám”.  

Trao đổi về những trường hợp khất thực gần đây xuất hiện ở TP Biên Hòa, thầy Thích Phước Chơn, Phó Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết những trường hợp trên không phải là nhà sư.

Bởi theo hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định: Không nhà sư nào trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khất thực ở những nơi công cộng. 

Đồng thời, theo chương XIII Nội quy Ban Tăng sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: Cương quyết ngăn chặn hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức Tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của Đạo Phật. Tăng, Ni nào cần duy trì khất thực để biểu hiện hạnh nguyện truyền thống đúng chính pháp, phải được Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chấp thuận cấp giấy chứng nhận. 

“Những hành vi mấy người giả làm nhà sư đi khất thực thời gian qua đã gây ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của người tu hành nói riêng và giáo hội Phật giáo nói chung. Cho nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã nhắc nhở tăng ni, phật tử phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của Phật pháp; nghiêm cấm mọi trường hợp tự ý đi khất thực khi chưa được phép của giáo hội.

Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, nhắc nhở người dân thận trọng với những người mặc trang phục nhà sư đi xin tiền. Chúng tôi hy vọng được sự hưởng ứng của người dân nhằm giải quyết tình trạng giả danh, lợi dụng tôn giáo để trục lợi”, thầy Chơn nhấn mạnh.

Nhận diện sư giả        

Chư Tăng có thể đi khất thực một mình, nhưng riêng chư Ni thì phải đi từ 2 vị trở lên; Tuyệt đối không được phép nhận tiền, đồ ăn mặn (theo truyền thống khất sĩ) hay những thực phẩm gồ ghề khó coi; Bình bát ôm trước ngực phải bằng đất nung, màu đen nhưng nhiều người ôm bình bát bằng chất liệu khác rồi sơn đen; Những người khất thực quá giờ ngọ (13g trưa); hoặc quỳ giữa đường, ngồi ngay chỗ đông người qua lại như kẻ ăn mày không phải là chư Tăng, chư Ni vì hành động đó là phi chánh pháp; Khi khất thực, chư Tăng hay chư Ni không được mang dép, đội mũ; không đi nhanh như người thường; mắt không được liếc nhìn người xung quanh; không xách hay mang những thứ vật dụng khác ngoài bình bát

(Theo Báo Giác Ngộ Online)

Đọc thêm