Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 10): Điều bất thường trong văn bản Đồng Nai trả lời Quốc hội

(PLVN) - Trong văn bản trả lời Quốc hội, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng thời điểm năm 2009, với lĩnh vực khai thác đá, Tỉnh ủy và UBND tỉnh có chủ trương “chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn và khu vực”. Thế nhưng Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đồng Nai lại khẳng định: “Không có việc tỉnh Đồng Nai có chủ  trương đối xử bất bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp. Quyền được đầu tư của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Đó là đặc thù của tỉnh Đồng Nai”. Tại sao một sự việc, các cơ quan nhà nước lại có hai câu trả lời khác biệt như vậy?

Trả lời bất ngờ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, năm 2000, sau khi xin từ bỏ quốc tịch Pháp, xin gia nhập quốc tịch Việt Nam, cụ bà Lê Thị Phương Mai (SN 1942, chủ DNTN Thuận An 2, sau này là Công ty TNHH Thành Thuận, ngụ số nhà 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) kêu gọi thân nhân nước ngoài đầu tư về Việt Nam kinh doanh, đóng góp cho đất nước.

Thời điểm đó, sau khi khai phá và nhận chuyển nhượng, Thành Thuận có hàng chục ha đất ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hoà. Thành Thuận xin làm khu du lịch sinh thái, phải xây 11km đường, bắc cây cầu qua sông dài hàng chục mét theo đề nghị của địa phương. Đồng Nai ban đầu chấp thuận, rồi thay đổi ý kiến, không đồng ý vì toàn bộ diện tích của Thành Thuận rơi vào quy hoạch mỏ đá.

Để phù hợp quy hoạch và có thể thu hồi vốn, tiếp tục đầu tư kinh doanh, thực hiện các quyền người sử dụng đất, Thành Thuận xin cấp phép khai thác đá, làm đầy đủ các thủ tục như khoan thăm dò…. Tuy nhiên khi hồ sơ hoàn chỉnh, nộp lên tỉnh thì bị bác bỏ, lý do như Văn bản 9496/UBND-CNN của UBND Đồng Nai ngày 18/11/2009 nêu chủ trương của Đồng Nai “chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp nhà nước”. 

Chỉ đạo của Văn phòng Chủ tịch nước về sự việc
Chỉ đạo của Văn phòng Chủ tịch nước về sự việc

Bất thường ở chỗ sau đó Đồng Nai cưỡng chế thu hồi đất của Thành Thuận, giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop - không phải là doanh nghiệp nhà nước) khai thác đá. Đến nay Thành Thuận chưa nhận một đồng bồi thường, tài sản trong cuộc cưỡng chế bị mất sạch, những sự đầu tư để đáp ứng các yêu cầu của Đồng Nai đều “trôi sông đổ biển”.

Sau khi trắng tay, nhiều năm qua Thành Thuận liên tục khiếu nại tố cáo sự việc. Theo cụ Mai, sự việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi Thành Thuận, mà còn ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới niềm tin của một số Việt kiều muốn đầu tư về nước, bản thân cụ cảm thấy hụt hẫng khi đã “đặt nhầm niềm tin vào cán bộ địa phương ở đây” như cụ nói. 

Cụ Mai cho rằng: “Phải chăng họ biết chuyện tôi đã từ bỏ tất cả để ở lại Việt Nam, lại có nguồn tiền từ thân nhân nên họ cứ o ép mãi, o ép đến đường cùng? Phải chăng họ cho rằng chúng tôi mang tâm lý từng là người quốc tịch nước ngoài ngại va chạm nên ức hiếp mãi?”.

Để tìm hiểu sự việc, PLVN trước tiên đã tìm tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai. Tuy nhiên sau khi nghe câu chuyện Thành Thuận kêu cứu bị đối xử bất công như trên, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Sở khẳng định: “Không có việc tỉnh Đồng Nai có chủ  trương đối xử bất bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp”. Ông Nguyên nói: “Quyền được đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước hay Doanh nghiệp dân doanh, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đều bình đẳng trước pháp luật. Đó là đặc thù của tỉnh Đồng Nai”. 

Chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ
 Chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ

Về việc cấp phép khai thác mỏ đá, không thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi chỉ giải quyết thủ tục về đầu tư. Các dự án thuộc khu vực mỏ đá Tân Cang mà PLVN nêu, Sở không xử lý dự án nào”, ông Nguyên cho hay.

Điều bất thường trong văn bản Đồng Nai trả lời Quốc hội

Tại sao một sự việc, các cơ quan nhà nước lại có hai câu trả lời khác biệt như vậy? PLVN đã lần lại hồ sơ sự việc, nhận thấy một số bất thường trong một số văn bản UBND Đồng Nai từng trả lời Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và Thành Thuận về sự việc.

Ngay từ khi bị Đồng Nai ra quyết định thu hồi đất, nhận thấy sự việc nhiều khuất tất, Thành Thuận đã có đơn gửi các cơ quan từ địa phương đến Trung ương. Sau khi nhận đơn, nhiều cơ quan Trung ương đã có văn bản đề nghị Đồng Nai trả lời.

Ngày 18/11/2009, UBND Đồng Nai có Văn bản số 9496/UBND-CNN trả lời Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ. Văn bản do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phạm Văn Dung, thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, ký. 

Văn bản nêu, UBND tỉnh Đồng Nai nhận được Văn bản số 112/BDN ngày 17/6/2009 của Ban dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Văn bản số 1490/TTCP-VP ngày 03/7/2009 của Thanh tra Chính phủ về việc cụ Mai khiếu nại việc “xem xét lại việc thu hồi đất để cho doanh nghiệp khác sử dụng khai thác đá, đã thành lập Công ty TNHH Thành Thuận xin kinh doanh khai thác đá trên phần đất gia đình, nhưng bị chính quyền địa phương đối xử không công bằng so với doanh nghiệp khác”. 

Văn bản nêu: “Về vấn đề này UBND tỉnh có ý kiến như sau: Về chủ trương khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về việc thống nhất quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Văn bản số 9496/UBND-CNN chỉ nêu “chủ trương” chung chung mà không nói rõ là văn bản nào.
 Văn bản số 9496/UBND-CNN chỉ nêu “chủ trương” chung chung mà không nói rõ là văn bản nào.

Hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn ngày càng khan hiếm, để đảm bảo cho việc khai thác sử dụng ổn định, bền vững và có nguyên liệu dự trữ phục vụ cho các công trình lớn, công trình trọng điểm trên địa bàn, do đó từ tháng 5/2007 UBND tỉnh có chủ trương việc khai thác tài nguyên khoáng sản chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp Nhà nước khai thác để phục vụ các công trình trọng điểm trên ở địa bàn Đồng Nai và khu vực…”.

Văn bản này cũng cho biết Thành Thuận đã hai lần xin cấp phép khai thác đá đều bị từ chối. Văn bản nhắc lại: “Chủ trương của tỉnh Đồng Nai để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn và khu vực, nên các công ty TNHH, DNTN trong đó có Công ty TNHH Thành Thuận chưa xem xét giải quyết”.

Văn bản Đồng Nai trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ “chốt” lại vấn đề: “Như vậy việc không xem xét giải quyết hồ sơ xin thăm dò khai thác đá của Thành Thuận là đúng chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh”.

Bất thường trong văn bản này, chỉ nêu chung chung “chủ trương” của Tỉnh ủy, của UBND Đồng Nai, mà không nêu rõ đó là văn bản nào, số bao nhiêu, ban hành ngày tháng nào? Tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản (vbpl.vn/dongnai), không tìm thấy văn bản nào của Đồng Nai có nội dung như trên.

Ở thời điểm tháng 4/2007, UBND Đồng Nai chỉ có Quyết định số 26/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên tỉnh giai đoạn 2006 – 2010. Văn bản này do Phó Chủ tịch UBND khi ấy là ông Ao Văn Thinh ký, không có một dòng chữ nào thể hiện chủ trương “chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp Nhà nước khai thác”.

Một số cán bộ đã cố tình báo cáo sai?

Trở lại với thông tin Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai khẳng định với PLVN mới đây: “Không có việc tỉnh Đồng Nai có chủ trương đối xử bất bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp… Quyền được đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước hay Doanh nghiệp dân doanh, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đều bình đẳng trước pháp luật.

Cả gia đình cụ Mai từ bỏ quốc tịch Pháp, xin nhập quốc tịch Việt Nam để được tự do kinh doanh đóng góp cho xã hội và đất nước, nhưng kết cục mất tài sản, trắng tay
Cả gia đình cụ Mai từ bỏ quốc tịch Pháp, xin nhập quốc tịch Việt Nam để được tự do kinh doanh đóng góp cho xã hội và đất nước, nhưng kết cục mất tài sản, trắng tay

Đó là đặc thù của tỉnh Đồng Nai”, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM), đánh giá: “Vậy phải chăng Tỉnh ủy và UBND Đồng Nai không có chủ trương trên, nhưng thời kỳ 2009 một số cán bộ đã nói dối rằng “chủ trương” như vậy nhằm ý đồ riêng, rồi cố tình báo cáo sai với Quốc hội và Thanh tra Chính phủ, hòng “đánh chìm” sự việc oan khuất của Thành Thuận?”. 

Thực tế câu chuyện cả một đời kinh doanh trắng tay vì gặp chuyện oan khuất không dễ bị “chìm xuồng”. Ngày 22/12/2015, Văn phòng Chủ tịch nước vẫn có Công văn số 1990/VPCTN-PL cho biết đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đến Chủ tịch UBND Đồng Nai để chỉ đạo giải quyết sự việc theo đúng quy định.

Ngày 12/4/2016, Văn phòng Chính phủ cũng có Văn bản số 2515/VPCP-V.I gửi UBND Đồng Nai sự việc Thành Thuận để giải quyết theo quy định và “đề nghị thông báo cho Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

Đọc thêm