Chính quyền bức tử doanh nghiệp: Bài 2 - Mỏng manh thân phận Thuận An

(PLVN) - Cụ Mai thành lập Doanh nghiệp Thuận An với mong mỏi mọi chuyện thuận lợi bình an, được làm những việc có ích cho xã hội. Thế nhưng không ngờ doanh nghiệp lẫn cuộc đời cụ lại vướng lận đận, không được thuận an như mong mỏi. Doanh nghiệp chân chính muốn đóng góp cho đất nước nhưng khát khao đó bị đứt gãy bởi những lệ làng địa phương. Họ cần được đối xử công bằng để thỏa sức cống hiến. Đó cũng là niềm đau đáu của những người làm báo chúng tôi... 
Bà Ngọc Anh mắt đỏ hoe kể lại câu chuyện bị đối xử bất công
Bà Ngọc Anh mắt đỏ hoe kể lại câu chuyện bị đối xử bất công

Ông Vương Duy Đào, Bí thư xã Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết tổng diện tích mỏ đá Tân Cang ở địa phương hiện là hơn 400ha, gồm hàng chục doanh nghiệp khai thác, trong đó số ít là doanh nghiệp nhà nước, còn phần lớn là doanh nghiệp tư nhân.

Thế nhưng trước đây, khi doanh nghiệp của cụ Mai xin được khai thác đá trên chính đất của mình, đã bị từ chối vì lý do “ưu tiên doanh nghiệp nhà nước”. Có điều “nói vậy mà không phải vậy”. Sau đó Đồng Nai thu hồi đất của doanh nghiệp tư nhân này, giao doanh nghiệp tư nhân khác, chính là Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop). 

“Đâm lao thì phải theo lao”

Như bài viết trong số báo trước đã phản ánh, suốt thời gian dài vài năm, Doanh nghiệp tư nhân Thuận An II do cụ Mai làm chủ đã lao đao đáp ứng đủ các thủ tục, yêu cầu của Đồng Nai khi xin lập dự án khu du lịch sinh thái.

“Đùng một cái” khu đất thuộc quy hoạch mỏ đá. Cụ Mai buộc phải chuyển hướng hoạt động, năm 2005 lập thêm Công ty TNHH Thành Thuận, xin được cấp phép khai thác đá trên đất của mình. 

Với cây cầu Thuận An 2, cầu vừa xây xong, UBND huyện Long Thành có văn bản khen “Thuận An 2 đã chấp hành tốt việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn, làm cầu phục vụ đi lại của nhân dân”.

Nhưng sau đó, lại cũng chính UBND huyện cho rằng cầu xây không đạt chất lượng và Sở GTVT có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho tháo dỡ cầu. Thuận An 2 phải đưa ra hồ sơ, kết quả giám định, cầu mới không bị dỡ.

Cụ Mai một lòng tin vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự công tâm của địa phương, cứ nghĩ doanh nghiệp có đất sẽ được quyền ưu tiên. Cụ Mai tâm sự, còn có một lý do phải chuyển hướng sang xin khai thác đá, vì cụ quá tiếc công sức trước đó đã đổ ra.

Dự án kinh doanh khu du lịch sinh thái tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng (thời điểm đó giá vàng khoảng 6 triệu đồng/lượng – NV). Theo xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai trong văn bản ngày 11/7/2003, trong số 14 tỷ này “nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp (khoảng 10 tỷ đồng, có sự hỗ trợ của thân nhân nước ngoài), vốn vay khoảng 4 tỷ”.

Để được xem xét chấp thuận dự án du lịch sinh thái, ngoài làm mới 11 km đường, cụ còn phải kỳ công xây con đập tràn đi lại mùa nắng và cây cầu Dây đi mùa mưa. “Làm đập tràn cho xe trọng tải lớn qua lại, phải thuê công binh dựng các cống hộp, đổ xuống đó hàng trăm m3 đá hộc”, cụ Mai nhớ lại.  

Toàn bộ dự án khu du lịch sinh thái rơi vào quy hoạch mỏ đá, trong tình thế “đâm lao thì phải theo lao” như thế, cụ Mai tiếp tục phải chấp nhận cuộc chơi “tất tay”, dốc hết gia sản nhằm xin được giấy phép khai thác đá. Lại lần nữa dốc túi nhiều tỷ xây cây cầu bê tông theo yêu cầu địa phương. Bao nhiêu tài sản, đến cả dàn xe ben là “cần câu cơm” của đại gia đình bấy lâu, cụ đều bán hết.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) nhớ lại, nói trong một bài báo thì ngắn, nhưng để xin quyền đầu tư kinh doanh, thực tế là bao năm mòn mỏi những đơn xin, những cuộc khảo sát, những buổi họp, những thủ tục rắc rối, những ban bệ cồng kềnh…

Cụ Mai từ hàng chục năm trước đã phải xây cây cầu qua sông đáp ứng “yêu sách” địa phương
Cụ Mai từ hàng chục năm trước đã phải xây cây cầu qua sông đáp ứng “yêu sách” địa phương

Lấy ví dụ chỉ một cuộc khảo sát địa điểm xin thăm dò đá xây dựng ngày 12/10/2006, đã phải có đến 9 thành phần tham dự, gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã…

Và theo biên bản làm việc, thời gian thực tế làm việc chỉ có 30 phút, từ 10h30’ – 11h00 cùng ngày. Kết quả làm việc, đáng ghi nhận chỉ một dòng thông tin 9 chữ: “Sở Công nghiệp thống nhất mục tiêu dự án”, còn các sở ngành khác “sẽ có ý kiến bằng văn bản”. 

Thiện chí muốn kinh doanh lương thiện như bị “đâm đầu vào đá” khi năm 2006 Sở Tài nguyên và Môi trường ra văn bản trả lời: “Khu vực Phước Tân chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp có mỏ đã được cấp phép trước đây bị thu hồi do quy hoạch sân bay Long Thành và một số đơn vị là chủ đầu tư dự án giao thông, xây dựng trọng điểm trên địa bàn”.

Nói tóm lại, đề nghị của Thuận Thành bị từ chối, mà chính quyền không đưa ra căn cứ pháp lý nào. Cụ Mai không nản chí, tiếp tục làm đơn xin được khai thác đá.

“Chủ trương” trái luật, bất nhất

Tia hi vọng lóe lên khi theo thông báo kết luận đầu tư của UBND huyện Long Thành hồi tháng 3/2007, Thành Thuận được thống nhất chủ trương lập thủ tục giới thiệu địa điểm khảo sát thăm dò khai thác đá trên diện tích 15 ha. Một tháng sau đó, UBND huyện Long Thành có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, tái xác nhận ý kiến nêu trên. 

Bà Ngọc Anh kể lại, sau đó là quãng thời gian doanh nghiệp vất vả đi làm các thủ tục như khoan thăm dò địa chất. Để thuê cơ quan chuyên môn làm việc này trong nhiều ngày, gia đình phải chi trả số tiền gần 200 triệu, khoan nhiều mẫu đất, gửi các cơ quan giám định. Biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc Thành Thuận đã đổ ra chỉ với một kỳ vọng được làm ăn, kinh doanh đúng pháp luật. 

Kỳ vọng đó đã sụp đổ khi tháng 5/2007, UBND tỉnh Đồng Nai có thông báo cho Thành Thuận, rằng: “Việc khai thác tài nguyên khoáng sản chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước khai thác để phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai và trong khu vực”.

Khu đất của Thành Thuận đã bị giao Dona Coop khai thác đá
Khu đất của Thành Thuận đã bị giao Dona Coop khai thác đá

“Chủ trương” mang tính “lệ làng” này không chỉ trái pháp luật của Nhà nước. “Chủ trương” đó cũng đồng thời là “bản án báo tử” chính thức với Thành Thuận, xóa sạch mồ hôi nước mắt 40 năm gây dựng trên vùng đất Tân Cang của đại gia đình cụ Mai. Công sức làm 11 km đường, xây đập tràn, xây cầu dây, cầu bê tông… nay thành “dã tràng xe cát biển Đông”. 

Cụ Mai bức xúc đặt câu hỏi: “Đảng và Nhà nước chủ trương bình đẳng các thành phần kinh tế, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, vậy tại sao Đồng Nai lại “lệnh” chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được quyền khai thác đá, dù đây không phải là ngành nghề đặc biệt”.

Điều quan trọng khác là Đồng Nai ra “chủ trương” như vậy, nhưng lại không thực hiện, khi sau đó thu hồi đất của Thành Thuận giao Dona Coop cũng là một doanh nghiệp tư nhân khai thác đá. Như trên đã nói, theo thông tin từ ông Vương Duy Đào, Bí thư xã Phước Tân, tổng diện tích mỏ đá Tân Cang hiện hơn 400 ha, gồm hàng chục doanh nghiệp khai thác, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân.

“Phải chăng có những khuất tất, mờ ám, không loại trừ chuyện Dona Coop là “sân sau” hoặc có thế lực nào chống đỡ, nên tỉnh mới ra văn bản như vậy, chỉ nhằm duy nhất một mục đích là tước quyền kinh doanh hợp pháp của Thành Thuận và cho Dona Coop thâu tóm khu đất?”, cụ Mai nói.

Con gái cụ Mai, bà Ngọc Anh nhớ lại, sau này móc xích diễn biến sự việc, mới nhớ ra cũng trong thông báo kết luận đầu tư của UBND huyện Long Thành hồi tháng 3/2007, bất thường đã lộ diện, khi huyện có ý kiến: “Dự án của Dona Coop có thể bố trí diện tích lớn hơn, do đây là đơn vị kinh tế tập thể cần được quan tâm hỗ trợ và đơn vị đang có nhu cầu sử dụng mỏ đá để phục vụ đầu tư khu đô thị - sinh thái Long Hưng”. Bà Ngọc Anh ngậm ngùi: “Tôi nghiệm ra, số phận Thành Thuận coi như “tàn đời”, khi đất chúng tôi nằm ngay cạnh phần đất được giới thiệu cho Dona Coop khai thác đá”.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Cụ Mai kể lại, thành lập công ty gia đình, làm ăn tử tế, nhưng gặp lắm chuyện bị o ép. Năm 2005, con gái của nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai khi đó (ông Huỳnh Văn Hoàng, đã nghỉ hưu) ép doanh nghiệp của cụ phải nhượng lại hợp đồng san lấp mặt bằng KCN Long Bình. Không chấp nhận, cụ bị điện thoại hăm dọa.

Sau đó lực lượng CSGT Công an TP Biên Hòa và đồn công an KCN Biên Hòa chặn các xe ô tô chở đất san lấp của công ty cụ kiểm tra, giữ giấy tờ xe, thậm chí giam xe. Tài xế còn bị bắt viết tường trình lấy đất ở đâu, của ai, đổ ở đâu.

Cụ Mai phải kêu cứu tới tận Trung ương. Bộ Công an yêu cầu làm rõ. Kết quả, 12 cán bộ công an Đồng Nai tiếp sức cho những người o ép doanh nghiệp bị kỷ luật, điều chuyển khỏi ngành.

Chưa hết, năm 2009 dù đang khỏe mạnh, cụ Mai ngã ngửa khi nhận được văn bản do ông Hồ Thiện Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Long Thành ký gửi đến các cơ quan chức năng và gửi cho doanh nghiệp thông báo lý do thu hồi quyết định kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp cụ là “tình trạng sức khỏe của bà Lê Thị Phương Mai chưa khả quan, chưa liên hệ được với cơ quan thuế và hiện nay đã chết”. Đến bây giờ cụ Mai vẫn chỉ trăn trở một nỗi niềm đau đáu: “Vì sao doanh nghiệp chúng tôi bị đối xử bất công như vậy?”.

Đọc thêm