Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 6): 'Bao vây' triệt sinh kế người bần cùng đốt than

(PLVN) - Dù nhẫn nhục chịu đựng những khuất tất, thua thiệt khi bị thu hồi đất, dù trắng tay sau cuộc cưỡng chế nhiều dấu hiệu sai phạm, nhưng đường cùng chuyển nghề cực khổ bậc nhất thế gian đốt than kiếm miếng ăn, gia đình cụ Mai vẫn không được yên. 

Mỏ đá khổng lồ của Dona Coop khói bụi mù trời ồn ào ngày đêm, lại tố lò đất đốt than tí hon của cụ… “gây ô nhiễm môi trường” để chính quyền địa phương liên tục tới kiểm tra. 

Chính khởi đầu từ câu chuyện này, câu chuyện doanh nhân bị o ép phải đường cùng chuyển nghề đốt than, câu chuyện người yếu thế vẫn bị “bao vây” triệt sinh kế, đã thổi bùng nỗi bất bình của những nhà báo trước sự bất công vô lý, thôi thúc chúng tôi thực hiện loạt bài này.

Sau đợt cưỡng chế ngày cận Tết 2015, trang trại doanh nghiệp cụ Mai trở thành bình địa. Gia đình cụ chỉ còn lại mảnh rừng 5ha trên chỏm đồi chơ vơ, không nguồn nước, phủ trắng lớp bụi từ các mỏ đá, lọt thỏm giữa mênh mông những khu mỏ đá. Con cái từ chỗ công việc phát đạt nay tứ tán, riêng ông Huỳnh Văn Ngà (SN 1960, con trai cụ Mai) bám trụ mảnh đất còn sót lại.

Đường cùng đốt than mưu sinh trên “khu đất chết”

Trưa tháng Ba nắng đổ lửa, Tân Cang bụi mù trời, đặc biệt từ con dốc dẫn vào phần đất 5ha còn lại của cụ Mai, bụi bám cây cối dày đặc. Bụi từ những hầm khai thác đá thổi ra, bụi từ những đoàn xe ben hồng hộc chạy trên đường lồi lõm bốc lên, bụi từ những cỗ máy xay đá ồn ào len vào mọi ngõ ngách… Khu rừng còn sót lại của cụ Mai chỉ một màu bụi bám trên cây cỏ úa vàng, nhiều cây chết khô cong queo.  

Bên mấy lò than lửa đã tắt, là bóng dáng mấy phu than rỗi việc ngồi buồn thiu. Ngoài ông Ngà, còn có bốn người và là hai cặp vợ chồng, người trẻ nhất 45 tuổi, người già gần 90 tuổi. Tất cả đều bám trụ ở khu đất còn lại sau ngày trang trại bị cưỡng chế. Từng là những người làm công trong doanh nghiệp cụ Mai, nên sau cuộc cưỡng chế, đồng nghĩa với việc tất cả không công ăn việc làm, không chỗ ở…  

Ông Huỳnh Văn Chậm (SN 1973) bó gối trong căn chòi nhìn không khác cái chuồng gà sắp sập. Người vợ đang bịt lại cái khẩu trang để chuẩn bị bước ra ngoài lều. Bà tên là Nguyễn Thị Hà (45 tuổi), luôn húng hắng ho mỗi khi nói chuyện: “Ở đây cực dữ lắm. Bụi mịt mù suốt ngày đêm, có khi chưa chết vì nghề than thì đã chết vì bụi mỏ đá”.

Trong căn lều gần đó, cụ Nguyễn Văn Thu (SN 1931) ngồi xắt bịch rau thối cho mấy con gà lông xác xơ. Cuộc đời ông cụ gần tuổi 90 cũng đầy trắc trở: Gần chục năm trước bị Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) thu hồi hết đất tại xã Long Hưng, tiền đền bù chỉ 80 ngàn đồng/m2. Hai cụ dắt díu đến doanh nghiệp cụ Mai làm công.

Rồi cuộc cưỡng chế xảy ra. Cụ Thu nhớ lại: “Hồi đó mới lên ở đây toàn rừng không à. Nay thì hít bụi trắng trời”. Cụ bà Huỳnh Thị Thước (SN 1946, vợ cụ Thu) chỉ lớp bụi đóng dày khắp lều: “Ai mặc áo trắng tới đây, chỉ năm phút sau hóa đỏ hết”.

Ông Ngà kể, sau ngày gia đình bị cưỡng chế, chỉ còn bộ đồ trên người. Nhìn những người làm công cũng “vạ lây” mất trắng, ông mới xoay sang nghề đi mua củi từ mấy công ty đồ gỗ về đốt than. Mỗi tấn củi giá khoảng 1 triệu.

Một lò 3 tấn, đốt xong được 80 bao than. Mỗi bao bán 45 ngàn đồng. Than có khi ế dài nếu các đại lý bán chậm. “Có khi lời, khi lỗ. Lỡ đốt quá lửa, cháy rụi thành tro, mất trắng là chuyện thường”, ông kể. Mỗi tháng, ông chỉ mong mỏi dành dụm được dăm ba triệu phụ mẹ trị bệnh.

“Ở vùng đất chết như vầy, tôi còn có thể làm gì ngoài đốt than kiếm miếng ăn?”, ông Ngà đặt câu hỏi. Xung quanh khu đất là hàng loạt mỏ đá, trong đó có Tân Cang  6 do Dona Coop khai thác, chính là vùng đất của gia đình ông bị cưỡng chế bốn năm trước. Ông Ngà kể: “Máy móc khoan ủi sáng đêm, 24/24h. Mỏ đá nổ mìn liên tục. Xe ben chạy tối ngày”.  

“Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng, quyết triệt sinh kế”, ông Ngà tố cáo.
“Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng, quyết triệt sinh kế”, ông Ngà tố cáo. 

Chỉ tay xuống dưới dốc, chỗ có cái cống bi đường kính chừng 1m, dài chừng 1,5m, ông kể: “Mỗi khi họ nổ mìn, chúng tôi nháo nhào chui vô chòi trốn. Nhưng đá xuyên thủng chòi, nổ xong nhặt được cả thau đá. Sau này có cái cống bi, mỗi khi nghe nổ mìn, chúng tôi chui vào cống núp, đàn chó hoảng sợ rúc theo. Sống như thời chiến”. 

“Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng”

Đánh đổi sức khỏe chỉ mong kiếm miếng ăn qua ngày, nhưng ông Ngà vẫn không được yên, năm lần bảy lượt bị đâm đơn tố “gây ô nhiễm môi trường”. Mỗi lần có đơn là lập tức đoàn cơ quan chức năng vào kiểm tra. 

Ông Chậm kể: “Có lúc cán bộ địa phương vào cùng, có lúc nhóm người mặc thường phục vào. Năm ngoái họ bắt ông Ngà phải đập bỏ ba lò than dưới triền dốc. Dời lên đỉnh đồi mà chưa được yên”. Ông Chậm kể dù ở trên đất nhà cụ Mai và đường cùng mới phải dựng lều ở, nhưng bị… đuổi thường xuyên. Bốn năm nay, ông đã phải bảy lần dựng lều.

Ai là người đứng đơn phía sau đề nghị triệt sinh kế của những con người bần cùng này? Sự thật đã được hé lộ trong Văn bản số 47/CV-LH.HTX ngày 25/2/2019 do Tổng Giám đốc Dona Coop Bùi Thanh Trúc ký, gửi UBND Biên Hòa và UBND xã Phước Tân.

Văn bản có đoạn: “Trong ranh đất mỏ đá Tân Cang 6 có sáu lò đốt than củi gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng” và đề nghị “UBND TP Biên Hòa chỉ đạo Công an, Cảnh sát môi trường phối hợp cùng các ngành chức năng xử lý vi phạm hành chính việc đốt than gây ô nhiễm môi trường”.

Ba ngày sau đó, sáng 28/2, hai cán bộ xã Phước Tân gồm Nguyễn Anh Thương (công chức địa chính, xây dựng và môi trường), Nguyễn Văn Hoàng Chúc (nhân viên Tổ trật tự đô thị) cùng người của Dona Coop là Võ Hồng Phương (quản lý mỏ đá Tân Cang 6) và một người tự xưng tên Thành thuộc Ban đền bù của Dona Coop, ngang nhiên tới đất nhà cụ Mai “đo đạc khu đất và kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường”.

Ông Ngà yêu cầu “đoàn kiểm tra” xuất trình quyết định kiểm tra hoạt động. Nhóm người này không đưa ra được văn bản pháp lý nào. Sự việc được trình báo Công an xã. Có mặt tại hiện trường, Công an xã mời các bên về UBND xã làm việc, sau đó các bên tự giải tán. 

Nửa tháng sau đó, trưa 13/3, hai thanh niên đi xe máy tìm đến, tự xưng “Cảnh sát môi trường Công an Biên Hòa đến nắm thông tin về lò than gây ô nhiễm môi trường”. “Vì họ mặc thường phục nên tôi hỏi thẻ ngành, giấy tờ, giấy giới thiệu. Họ nói “không mang theo”, ông Ngà kể lại.

Một văn bản của Dona Coop cho rằng nhà cụ Mai “gây ô nhiễm môi trường”.
Một văn bản của Dona Coop cho rằng nhà cụ Mai “gây ô nhiễm môi trường”.

Sau khi bị ông “bắt thóp”, nhóm người quay lưng đi, nói: “Hôm sau sẽ quay lại làm việc với đầy đủ giấy tờ, thẻ ngành và sẽ mặc quân phục”. Cho đến hôm nay, vẫn không thấy hai “cảnh sát” quay lại. Ông Ngà nghi ngờ đây là hai đối tượng giả danh cảnh sát được thuê mướn đến; hoặc có thể là công an nhưng đến với động cơ cá nhân, không phải do người có thẩm quyền cử đi. 

Không đập được lò đốt than vì lý do “gây ô nhiễm môi trường” thì đã có lý do khác để tiếp tục “quay quắt”. Mới đây nhất, ngày 14/3, Đội Quản lý trật tự đô thị TP Biên Hòa có giấy mời, đề nghị cụ Mai “kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc xây dựng trái phép” tại khu đất. Mấy túp lều xập xệ một tay đẩy đã đổ thì không thể gọi là “xây dựng”. Như vậy lại là chuyện lò đất đốt than? “Họ kiếm cớ dồn chúng tôi vào đường cùng, quyết triệt sinh kế”, ông Ngà tố cáo. 

Ông Chậm bức xúc: “Một số mỏ đá còn tưới nước đường đi, riêng Dona Coop thì không. Họ gây bụi bặm mù trời mà lại nói mình ô nhiễm. Mình sai phạm như con muỗi, họ sai phạm như con voi mà kiếm cớ ức hiếp mình. Họ phá ông Ngà chứ không phải vì lò than ô nhiễm hoặc ảnh hưởng gì đến ai. Hay họ muốn “bứng” không cho ai ở trong miếng đất này nữa để dễ dàng âm mưu toan tính những ý đồ khác?”.  

Câu chuyện những người yếu thế “cố thủ” trên mảnh rừng còn sót lại ở Tân Cang bị ức hiếp vẫn chưa dừng lại.

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

Ở góc độ quản lý của xã, chính quyền xã nói gì? Ông Vương Duy Đào, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đúng là trước đó xã nhận được đơn của Dona Coop “tố” gia đình cụ Mai “đốt than trên đồi gây ô nhiễm môi trường” và “đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý”.

Ông Đào giải thích: “Dona Coop cũng chỉ là một đối tượng sử dụng đất, bình đẳng với các đối tượng có đất khác như nhà cụ Mai. Sau khi nhận đơn, theo đúng chức trách, chúng tôi phải cử cán bộ đi xác minh xem sự việc ra sao”. Vậy vì sao cán bộ đi làm, “bên tố cáo” cũng đi theo? “Việc cán bộ xã cho người của Dona Coop đi cùng là sai, do anh em nhận thức kém”, ông Đào cho biết.

Đọc thêm