Chủ đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương có vấn đề về năng lực?

(PLO) - Quá trình triển khai dự án “cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương” (TP Hồ Chí Minh) không chỉ có bất thường trong việc chia tách gói thầu, mà việc điều chỉnh dự án để bổ sung gói thầu xây trạm bơm rạch Bà Tiếng (quận Bình Tân) cũng đang có vấn đề.
Chủ đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương có vấn đề về năng lực?

Để phí dự phòng phí sai quy định?

Như PLVN đã từng thông tin, việc chia tách gói thầu xây nhà trạm bơm và mua máy bơm trong dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc), quận Bình Tân, TP. HCM” là bất thường, có thể dẫn đến việc hạn chế nhà thầu, vi phạm Luật Đấu thầu bởi chỉ có một số nhà thầu nhất định mới có thể cung cấp được thiết bị có kích thước, cấu tạo đúng theo thiết kế của nhà trạm bơm (đã được mở thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu trước đó).

Cụ thể, từ tháng 6/2018, thì Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM Nguyễn Văn Tám ký quyết định số 2904/QĐ-SGTVT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đối với gói thầu xây lắp 4 “Xây dựng trạm bơm thoát nước tại rạch Bà Tiếng và cải tạo nút vòng xoay An Lạc” với giá trị dự toán là gần 112 tỉ đồng. 

Hơn 2 tháng sau, ông Tám mới ký Quyết định số 4788/QĐ-SGTVT Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đối với gói thầu thiết bị “cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm” với giá trị dự toán trên 66 tỉ đồng. 

Theo một nhà thầu (đề nghị được giấu tên) thì với việc thiết kế đã có sẵn như trên thì dù có tổ chức đấu thầu gói thầu mua sắm máy bơm một cách công khai thì cũng chỉ có một số ít nhà thầu có thiết bị vừa đúng với nhà trạm bơm đã xây dựng. Như vậy, để đảm bảo đồng bộ, tiến độ của dự án thì cần gộp hạng mục “xây dựng nhà trạm bơm” vào gói thầu “cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm”. Ở đây, nhà đầu tư đã làm một việc trái khoáy là, ghép hạng mục “xây dựng nhà trạm bơm” với một gói thầu xa lạ là “cải tạo nút vòng xoay An Lạc” (gói thầu về xây dựng công trình giao thông).

Cần nhắc lại rằng, hạng mục “xây dựng nhà trạm bơm” và “mua sắm thiết bị trạm bơm” là hai hạng mục mới được bổ sung vào tháng 10/2017. Cụ thể, theo quyết định điều chỉnh dự án đầu tư (lần thứ 2) số 5306/QĐ- SGTVT ngày 19/10/2017 của Sở GTVT TP. HCM thì dự án được bổ sung hạng mục “chi phí thiết bị” hơn 55 tỷ đồng và “chi phí xây dựng” hơn 77 tỷ đồng.

Thế nhưng hai hạng mục mới bổ sung này đã không được gộp vào với nhau (mà 1 trong 2 hạng mục mới lại được ghép vào hạng mục đã có trước) càng làm nhà thầu nghi ngờ vào việc chia tách gói thầu này. Điều này dẫn đến việc, quyết định điều chỉnh dự án chỉ nêu bổ sung tăng 77 tỷ phần “chi phí xây dựng”. Nhưng sau đó, phần chi phí xây dựng tại gói thầu “xây dựng trạm bơm thoát nước tại rạch Bà Tiếng và cải tạo nút vòng xoay An Lạc” (bổ sung năm 2018) có giá trị dự toán lên đến gần 112 tỷ đồng (cao hơn 35 tỷ đồng).

Như vậy, tổng giá trị dự toán hai gói thầu (xây dựng và thiết bị) được bổ sung năm 2018 là 178 tỷ đồng chứ không phải là hơn 132 tỷ đồng như Quyết định điều chỉnh dự án tháng 10/2017. Việc vênh số tiền như trên liệu có phải xuất phát từ việc ghép gói thầu bất hợp lý?

Theo Quyết định điều chỉnh dự án tháng 10/2017 thì phần bổ sung chi phí xây dựng (hơn 77 tỷ), chi phí thiết bị (hơn 55 tỷ) được lấy từ “dự phòng phí” nên tổng mức đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên (khoảng 730,5 tỷ). Theo đó, “dự phòng phí” đang từ 146,8 tỷ giảm xuống chỉ còn 43,7 tỷ (giảm 103,1 tỷ) 

Đối chiếu với Thông tư số 04/2010/TT-BXD năm 2010 (về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng), một số luật sư cho rằng, việc Sở GTVT để 146,8 tỷ (tương đương 20,9% tổng chi phí) làm khoản “dự phòng phí” theo quyết định năm 2014 là sai, vì quy định chỉ cho phép “dự phòng phí” từ 5% đến 10% tổng chi phí.

Nhà trạm bơm đang được triển khai xây dựng trước khi tổ chức đấu thầu mua máy bơm được cho là đã hạn chế nhà thầu tham gia
Nhà trạm bơm đang được triển khai xây dựng trước khi tổ chức đấu thầu mua máy bơm được cho là đã hạn chế nhà thầu tham gia

Cũng theo Luật sư này thì việc giảm “dự phòng phí” xuống còn 43,7 tỷ vào năm 2017 như trên có thể đảm bảo đúng theo mức quy định nhưng việc điều chỉnh cơ cấu các khoản mục rồi lấy kinh phí từ “dự phòng phí” như trên là không đúng quy định. Bởi, chi phí dự phòng chỉ gồm chi phí cho khối lượng công việc phát sinh và yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án. Nhưng ở đây, Sở GTVT lại dùng chi phí dự phòng để xây dựng hai hạng mục mới được bổ sung (chứ không phải điều chỉnh hạng mục) sau 5 năm triển khai dự án.

Chủ đầu tư đã từng bị phê bình

Sở dĩ hạng mục xây dựng nhà trạm bơm và thiết bị trạm bơm là hạng mục bổ sung bởi đây là công trình phục vụ việc bơm nước cưỡng bức để chống ngập cho khu dân cư sau khi làm cao đường An Dương Vương.

Trước đó, vào tháng 6/2016, sau khi đi kiểm tra hiện trường việc thi công dự án nâng đường Kinh Dương Vương, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã phê bình chủ đầu tư thi công tắc trách gây khó khăn cho sinh hoạt và buôn bán của người dân và nhấn mạnh, thực hiện dự án nâng đường Kinh Dương Vương lên cao độ 2m ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. 

Các đơn vị liên quan chưa tính toán đồng bộ để tìm ra giải pháp hợp lý và ít ảnh hưởng nhất đối với người dân. Quận Bình Tân và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập (chủ đầu tư Dự án) và phải rút kinh nghiệm vì đã làm chưa tốt khi công bố quy hoạch lấy ý kiến dân. Ngoài ra, đơn vị thi công lựa chọn thời điểm triển khai công trình ngay mùa mưa đến đã ảnh hưởng đến người dân rất nhiều.

Sau đó, theo thông báo vào tháng 9/2016 thì Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã có ý kiến giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước phối hợp Sở GTVT, UBND quận Bình Tân khẩn trương thiết kế, xây dựng, lắp đặt trạm bơm công suất 42.000 m3/giờ để giải quyết tình trạng ngập úng cho đường Kinh Dương Vương và 44 tuyến hẻm, trong khi chờ hoàn thành dự án cống kiểm soát triều theo quy hoạch dự án thủy lợi 1547. Sau khi TP hoàn chỉnh các dự án chống ngập ở khu vực này thì có thể chuyển trạm bơm đến phục vụ nơi khác.

Thế nhưng sau đó, không hiểu sao, Sở GTVT đã phê duyệt gói thầu để mua máy bơm với tổng công xuất 48.000m3/giờ (cao hơn 6.000m3/giờ theo ý kiến của UBND Tp trước đó). 8 máy bơm theo quyết định phê duyệt gói thầu này là lọai ly tâm trục ngang; động cơ chạy điện; máy bơm và động cơ được cố định thành một khối trên bệ thép hình.

Trước yêu cầu này, một nhà thầu cho biết, loại bơm nêu trên là loại thường dùng cho nông nghiệp, tiêu tốn nhiều điện năng, hiệu suất kém và phải có bơm mồi liên tục, lại hay bị e bơm, không phù hợp dùng trong chống ngập ở các đô thị (môi trường có độ nhớt cao, tỉ lệ tạp chất nhiều). Trên thế giới hiện đã không “chuộng” loại bơm ly tâm trục ngang mà đang sử dụng phổ biến các loại máy bơm khác, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, có hiệu suất cao, không tốn diện tích lắp đặt, không cần bơm mồi, mà vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của bài thầu.

Đặc biệt, các loại máy bơm này thì chi phí lắp đặt không cao như loại ly tâm trục ngang nên khá phù hợp với yêu cầu của UBND Tp Hồ Chí Minh là “có thể chuyển trạm bơm đến phục vụ nơi khác” với chi phí thấp. Phải chăng, chủ đầu tư không chỉ quan tâm đến việc xây dựng mà không lưu ý đến việc hạn chế chi phí khi di dời thiết đến địa điểm mới? Đến nay, dự án đã được điều chỉnh nhiều lần, liệu dự án này có hoàn thành vào năm 2019 như kế hoạch hay còn phải tiếp tục kéo dài.

Đọc thêm