Con đường ngàn tỷ Sầm Sơn – Nghi Sơn: Lập tổ công tác tại chỗ kịp thời xử lý kiến nghị của dân

(PLO) - Trước những kiến nghị của người dân xã Quảng Đại về bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường ven biển nối Sầm Sơn – Nghi Sơn như Báo PLVN phản ánh, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn đã giao Hội đồng GPMB dự án thành lập ngay Tổ công tác để giải quyết kịp thời các vướng mắc trên.
Một gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án tố cáo địa phương áp dụng nhiều vấn đề sai quy định khi GPMB.
Một gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án tố cáo địa phương áp dụng nhiều vấn đề sai quy định khi GPMB.

Ngày 7/9, một ngày sau khi PLVN làm việc với đại diện Ban GPMB và chính quyền xã Quảng Đại về Dự án đường bộ ven biển nối TP Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1), ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn đã chủ trì buổi đối thoại với các hộ dân liên quan.

Tham dự hội nghị có các ông Trương Văn Sang, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Sỹ Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính – Kế toán, Quản lý đô thị, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội xã Quảng Đại; Bí thư, trưởng thôn các thôn: 7, 8, 9 và đại diện các hộ dân trong phạm vi GPMB dự án.

Tại hội nghị, các hộ dân một lần nữa khẳng định tinh thần hoàn toàn ủng hộ dự án, sẵn sàng chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác GPMB. Tuy nhiên, người dân đã nêu nhiều vướng mắc trong việc triển khai GPMB tại địa phương như kiểm đếm bồi thường không chính xác, áp giá đền bù chưa thỏa đáng, còn một số vấn đề khúc mắc trong tái định cư… Buổi đối thoại diễn ra từ đầu giờ chiều kéo dài đến tối mịt.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các hộ dân, ý kiến của các phòng ban chuyên môn và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Chủ tịch UBND TP Lương Tất Thắng đã giao Hội đồng GPMB dự án thành lập ngay Tổ công tác để giải quyết kịp thời các vướng mắc trên.

Cụ thể, Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP sau đó ghi rõ: 

Thành phần Tổ công tác gồm chuyên viên các phòng: Quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính – Kế hoạch và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng do Trưởng phòng GPMB thuộc Ban này làm tổ trưởng.

Thời gian hoạt động của Tổ: bắt đầu từ ngày 10/9/2018 cho đến khi hoàn thành công tác GPMB thuộc phạm vi xã Quảng Đại.

Địa điểm làm việc của Tổ: tại trụ sở UBND xã Quảng Đại. Chủ tịch TP Sầm Sơn đề nghị UBND xã Quảng Đại bố trí địa điểm làm việc để Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên tắc làm việc: các phòng, ban theo chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, xử lý kịp thời những kiến nghị, phản ánh của các hộ, đề xuất giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng GPMB, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền của Hội đồng GPMB.

Cũng theo Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn:  Dự án đường bộ ven biển là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, việc triển khai dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ và khai thác quỹ đất, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh có dự án đi qua nói chung và TP Sầm Sơn nói riêng. 

Dự án được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt bằng những mốc thời gian cụ thể và công tác GPMB dự án được UBND TP xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong năm 2018. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo yêu cầu, UBND TP đề nghị các hộ dân bị ảnh hưởng ủng hộ thành phố trong công tác GPMB. 

Quyết định thành lập Tổ công tác trên của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn bước đầu được người dân hoan nghênh. Người dân kỳ vọng chính quyền sẽ giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của dân, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng, đúng quy định pháp luật cho dân.

Như PLVN đã phản ánh, tháng 2/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1). 

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 1300 tỷ đồng, vốn ngân sách và các nguồn huy động khác), thực hiện trong 48 tháng; đi qua 4 xã thuộc TP Sầm Sơn, 6 xã thuộc huyện Quảng Xương. Điểm đầu tại thôn Xuân Phương, xã Quảng Châu, TP Sầm Sơn, điểm cuối tại thôn Bình, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.

Chiều dài tuyến chạy qua TP Sầm Sơn là 7,6km. Toàn TP Sầm Sơn có 3500 hộ ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 800 hộ bị thu hồi đất ở. Riêng xã Quảng Đại có 80 hộ, trong đó 70 hộ thuộc diện tái định cư (TĐC). Theo kế hoạch, hết năm 2018, TP Sầm Sơn sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư; UBND thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) và UBND huyện Quảng Xương làm chủ đầu tư tiểu dự án GPMB, chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường, GPMB theo các quy định hiện hành của Nhà nước và đúng tiến độ dự án. 

Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, tại xã Quảng Đại mới có 11 hộ nhận tiền bồi thường, là những trường hợp bị thu hồi đất ít, không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, không có nhu cầu TĐC. Còn lại hàng chục hộ kiến nghị cho rằng công tác hỗ trợ đền bù GPMB còn nhiều bất cập.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc.

Đọc thêm