Cựu Đại tá công an 25 năm kêu oan: Không được giao quyền vẫn bị quy “thiếu trách nhiệm”

(PLVN) - Do cấp dưới có hành vi chiếm đoạt tài sản, ông Đỗ Văn Đắc (SN 1936), nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc (TTLL), Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã bị Tòa cấp phúc thẩm kết án 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản XHCN” vào năm 1993. Từ đó đến nay, ông Đắc vẫn liên tục kêu oan vì cho rằng khi cấp dưới của mình đã chuyển đơn vị khác thì người này mới thực hiện hành vi chiếm đoạt… VKSNDTC cũng đã từng có kháng nghị cho rằng ông Đắc không phạm tội.
Một số tài liệu thể hiện Phạm Viết Giới đã thu tiền nợ sau ngày 12/3/1990, thời điểm ông Đắc không còn phụ trách BSX
Một số tài liệu thể hiện Phạm Viết Giới đã thu tiền nợ sau ngày 12/3/1990, thời điểm ông Đắc không còn phụ trách BSX

Thương vụ “cải thiện đời sống” bị đổ bể

Tháng 7/1987, Cục TTLL có quyết định thành lập Ban sản xuất (BSX) nhằm góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sỹ, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư và khai thác tiền năng của Cục. Sau đó, tập thể lãnh đạo Cục phân công cho ông Đỗ Văn Đắc, Phó Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo công việc của Ban.

Dưới hình thức ký hợp đồng liên doanh, liên kết, Ban đã vay USD của hai đơn vị ở phía Bắc rồi cho Cty Vật tư Tổng hợp (VTTH) Kiên Hải (Kiên Giang) và Cty Xuất nhập khẩu (XNK) Đồng Tháp vay lại, hưởng lãi suất chênh lệch.

Quá trình hoạt động, Ban đã giao ông Chu Thế Ước và ông Phạm Việt Giới thực hiện thu nợ của hai đơn vị phía Nam để trả nợ cho hai đơn vị phía Bắc. Theo cáo buộc tại bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Ước và Giới đã chiếm đoạt một phần số nợ đã thu hồi. Theo sổ sách thì Cty XNK Đồng Tháp đã trả cho Ban đủ vốn 295.000 USD và 36.000 USD tiền lãi; Cty VTTH Kiên Hải đã trả cho Ban 38.325 USD.

Sau khi nhận tiền nợ, hai bị cáo Ước và Giới theo lệnh ông Đắc đã chi trả những món nợ của Ban, trả kinh phí đi thu nợ nhưng Ban không có chứng từ thể hiện việc nhập thu và chi tiêu. Ngoài ra, Ước và Giới còn lập chứng từ giả mua 12.000 cây thuốc lá (giá 480 triệu đồng) và bị mốc, phải tiêu hủy. Như vậy, so với số USD đã vay thì Ban còn nợ, không có khả năng chi trả 116.955 USD.

Tại bản án phúc thẩm vào tháng 12/1993, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên phạt Ước 7 năm tù; bị cáo Giới 6 năm tù, cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” (Điều 135 BLHS 1985); bị cáo Đắc 4 năm tù; bị cáo Nguyễn Bá Minh (Trưởng Ban) 2 năm tù, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tài sản XHCN”.

Trước đó, ông Đắc đã liên tục kêu oan cho rằng mình không có hành vi phạm tội, không có việc thiếu trách nhiệm trong việc để cho cấp dưới chiếm đoạt tiền. Trên thực tế, Ban chính thức chấm dứt hoạt động từ ngày 10/3/1990 (theo Quyết định của Cục trưởng) để kiểm tra thanh quyết toán. Kể từ thời điểm này,  ông Đắc không được giao phụ trách Ban SX nữa, đồng nghĩa với việc không phụ trách việc thu nợ của Ước và Giới. 

Đáng nói, ngày 12/3/1990, Tổng cục Hậu cần đã có quyết định điều động ông Ước đến công tác tại Cty Dịch vụ Du lịch và Vận tải biển. Tuy nhiên, theo ông Đắc thì dù đã chuyển khỏi Cục TTLL nhưng ông Ước vẫn lấy danh nghĩa Tổ trưởng Tổ Dịch vụ của Ban thực hiện việc thu nợ hoặc ủy nhiệm cho ông Giới đi thu nợ của hai đơn vị phía Nam. Sau đó, tuy thu được tổng cộng hơn 800 triệu và hơn 168.000 USD nhưng hai người đã không nộp lại cho Cục TTLL để quyết toán. 

Cho rằng hành vi chiếm đoạt tiền diễn ra sau ngày 12/3/1990, khi mình không còn được giao phụ trách Ban, không có trách nhiệm quản lý công tác thu nợ và người thực hiện hành vi chiếm đoạt khi đã chuyển đơn vị khác, ông Đắc cho rằng mình không có hành vi “thiếu trách nhiệm” và ông bị oan sai.

VKSNDTC từng có kháng nghị  

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, ngày 22/9/1994, Viện trưởng VKSNDTC đã có kháng nghị, đề nghị TANDTC xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để truy tố Ước và Giới về tội “Tham ô tài sản XHCN”; đồng thời tuyên bố ông Đắc và ông Minh không phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tài sản XHCN”; đình chỉ vụ án với ông Đắc và ông Minh.

Kháng nghị của VKSNDTC nêu rõ: “Tháng 3/1990, Cục TTLL quyết định để BSX ngừng hoạt động và thành lập Ban quyết toán để giải quyết các tồn đọng. Theo Thông báo ngày 27/3/1990, lãnh đạo phân công anh Hiển toàn quyền quyết định những việc liên quan về thanh quyết toán của Ban. Như vậy, từ thời điểm này, mọi hoạt động liên quan đến BSX đều do lãnh đạo Cục chịu trách nhiệm.

Tháng 9/1990, Cục TTLL giải thể BSX và tháng 10/1990 đình chỉ công tác với Đỗ Văn Đắc và giao ông Nguyễn Thái và ông Hà Đình Cử (đều là Phó Cục trưởng) đảm nhiệm giải quyết tồn đọng của việc đi vay và cho vay USD. Đến thời điểm này (30/10/1990), Chu Thế Ước báo cáo hai đơn vị phía Nam còn nợ Cục TTLL là 221.625 USD.

Nếu so sánh với nợ phải trả thì còn dư 13.617 USD. Tháng 12/1990, Đỗ Văn Đắc được phép đi đòi nợ thì phát hiện Ước và Giới đã thu hồi được gần hết số nợ. Đến tháng 1/1991 thì Ước mới báo cáo thực số tiền đã thu hồi được. Việc thu hồi nợ thì khi BSX giải thể đến năm 1991, lãnh đạo Cục TTLL không lập thành chứng từ theo dõi vì Ước và Giới không nộp tiền thu được về quỹ”.

Từ quan điểm trên, VKSNDTC cho rằng việc không theo dõi, quản lý chặt quá trình thu hồi tiền ở hai đơn vị phía Nam nên Ước và Giới đã chiếm đoạt tài sản là trách nhiệm của ban lãnh đạo Cục TTLL chứ không phải là ông Đắc và ông Minh.

Nhưng sau đó, Ủy ban thẩm phán TANDTC đã không chấp nhận phần kháng nghị của VKSNDTC nêu trên với ông Đắc và ông Minh vì cho rằng “việc làm tắc trách của Đắc và Minh đã dẫn đến hậu quả không thu được nợ, không quản lý số tiền đã thu hồi về”.

Tuy nhiên, TANDTC đã không chỉ rõ số tiền nợ không thu được là bao nhiêu? Số nợ mà Ước và Giới thu được nhưng ông Đắc không quản lý được là bao nhiêu? Tòa cũng không làm rõ được số tiền bị cáo Giới và Ước thu hồi nợ rồi chiếm đoạt trước ngày 12/3/1990 (thời điểm ông Đắc còn phụ trách BSX) là bao nhiêu?

Một số tài liệu còn cho thấy, sau ngày 12/3/1990, Giới và Ước đã thu hồi được khá nhiều tiền và theo ông Đắc thì chính lúc này, hai người đã thực hiện chiếm đoạt tiền thu được. Cụ thể, ngày 28/3/1990, ông Giới nhận 45 triệu đồng; ngày 25/3/1990 nhận 110 triệu đồng; ngày 10/4/1990 nhận 32 triệu đồng; ngày 27/6/1990 nhận 2.500 USD; ngày 27/4/1990 nhận 56 triệu đồng… 

Báo cáo bằng văn bản với Cục ngày 28/8/1990, Chu Thế Ước còn cho biết, Cty VTTH Kiên Hải còn nợ Cục TTLL 186.767 USD; Cty XNK Đồng Tháp còn nợ 156.450 USD. Nếu như vậy thì rõ ràng, thời điểm ông Đắc phụ trách Cục thì tiền vẫn ở hai Cty phía Nam và Ước và Giới chưa thực hiện được hành vi chiếm đoạt.

Liên quan vụ việc, cùng với đơn kêu oan của ông Đắc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân (nguyên Cục trưởng Cục TTLL), ông Nguyễn Thái (nguyên Phó Cục trưởng Cục TTLL) đều đã có văn bản gửi TANDTC và VKSNDTC cho rằng ông Đắc bị oan sai. Hai ông khẳng định thời điểm Ước và Giới chiếm đoạt tiền thu nợ thì ông Đắc không có trách nhiệm chỉ đạo thu hồi nợ. 

Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, TANDTC và VKSNDTC đều không có hồi âm về nội dung kêu oan trên. Đặc biệt, tuy đã có kháng nghị cho rằng ông Đắc bị oan nhưng sau khi bị Ủy ban thẩm phán TANDTC “bác” kháng nghị thì hiện cũng không rõ VKSNDTC có còn giữ quan điểm “oan, sai” đối với ông Đắc, ông Minh hay không?

Đọc thêm