Đã hiến đất còn chịu cảnh bị lấn chiếm?

(PLO) - Từ nơi có khuôn viên thoáng đãng với vườn hoa, sân chơi…, biệt thự 36 Nguyễn Huy Tự (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành “nghẹt thở” khi lối đi và vườn hoa đều “biến” thành nhà ở. 20 năm nay, 3 thế hệ chủ ngôi biệt thự đã gửi hàng chục lá đơn về việc đất bị lấn chiếm nhưng không được giải quyết…
Lối đi chung đã bị biến thành nhà ở
Lối đi chung đã bị biến thành nhà ở

Hiến đất cho Nhà nước rồi chịu cảnh bị “bủa vây”…

Biệt thự 36 Nguyễn Huy Tự rộng 390m2 do cụ Đỗ Xuân Dung mua, được Sở Địa chính và Tài sản (nay là Sở Tài nguyên Môi trường) TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận năm 1952. Năm 1961, cụ Dung có đơn hiến cho Nhà nước tầng 1 (tổng diện tích 177,8 m2). Còn gia đình vẫn ở tầng 2.

Những năm 1997, cụ Phạm Thị Thảo (vợ cụ Dung) đã có đơn phản ánh, trước đó (từ năm 1980 đến 1997), một số hộ ở tầng 1 thuê phần diện tích Nhà nước quản lý đã lấn chiếm lối đi và sân để xây nhà ở, vườn hoa trước mặt bị lấn chiếm để xây bếp, sau đó cơi nới thành nhà mái bằng kiên cố, thậm chí nhà 4 tầng. Gia đình nhà cụ đã nhiều lần làm đơn gửi UBND phường Bạch Đằng và cơ quan quản lý nhà đất quận Hai Bà Trưng nhưng không được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, có hộ còn được cấp sổ đỏ.

Trong đơn gửi Báo PLVN, cụ Thảo cho biết, suốt 20 năm qua, cụ và các con cháu liên tiếp có đơn đề nghị chính quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình nhưng không được giải quyết, khiến gia đình phải sống trong cảnh bị “bao vây” tứ phía.

Cùng đơn là rất nhiều tài liệu, như: Giấy chứng nhận nhà đất; Quyết định chấp nhận đơn hiến nhà của Ủy ban Hành chính TP Hà Nội; Sơ đồ hiện trạng ngôi biệt thự được vẽ từ những năm 1950. “Trong quyết định chấp nhận hiến đất có nêu rõ, gia đình tôi sẽ được hưởng 30% tiền thuê nhà, nhưng nhà đất bị bán lúc nào chúng tôi không biết. Bây giờ chúng tôi vừa sống, vừa phải canh chừng việc xây dựng của các hộ sẽ bịt góc sáng còn lại duy nhất của gia đình…”- đơn gia đình cụ Thảo nêu.

Chính quyền: Không có tranh chấp(!?)

Theo Báo cáo số 48/BC-UBND ngày 04/4/2017 của UBND phường Bạch Đằng, ngôi nhà số 36 Nguyễn Huy Tự thuộc nhà biệt thự do Xí nghiệp quản lý và Phát triển nhà Hai Bà Trưng quản lý và xét duyệt hồ sơ mua nhà của các hộ dân trình UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (GCN) theo Nghị định 61. Hiện có 10 hộ đang quản lý và sử dụng nhà đất tại địa chỉ trên, bao gồm 5 nhà đã được cấp GCN vào các năm 2001, 2003, 2006, 2010 và 2011; có 3 nhà đang có hợp đồng thuê nhà Nhà nước, 1 nhà lấn chiếm trước năm 1993 và một nhà tư nhân chưa cấp GCN.

Đáng chú ý, báo cáo này cũng ghi nhận, trong phần diện tích các hộ gia đình đã được cấp GCN, đang thuê nhà có ghi chú phần diện tích trong hợp đồng và phần diện tích ngoài hợp đồng.

Trả lời phóng viên về “phần ngoài hợp đồng” trên, ông Vũ Huy Khiêm (Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng) cho biết, đó là phần đất lấn chiếm. Tương tự, trong Báo cáo số 246/BCSXD (TTr) ngày 24/8/2017 của Sở Xây dựng Hà Nội, ghi: Năm 2005, hộ bà Trần Thị Tân được mua nhà theo Nghị định 61 với phần diện tích 19,1m2; năm 2006 xin mua thêm 23m2 xây dựng thêm ngoài hợp đồng, đơn có 4 hộ trong biển số nhà đồng ý, tổ trưởng dân phố xác nhận không có tranh chấp khiếu kiện.

Phần diện tích các hộ dân được cấp GCN đều thuộc diện không có tranh chấp khiếu kiện, các hộ liền kề không thắc mắc. UBND quận Hai Bà Trưng đã thực hiện theo đúng trình tự, quy định pháp luật đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân tại 36 Nguyễn Huy Tự vì “khi mua nhà có xác nhận không có tranh chấp phần diện tích đất lấn chiếm này”.

Vậy, UBND phường Bạch Đằng và UBND quận Hai Bà Trưng có quan liêu hay không? Bởi trong những hồ sơ gia đình cụ Thảo gửi đến Báo PLVN có cả những văn bản làm việc giữa UBND phường Bạch Đằng với hộ gia đình 36 Nguyễn Huy Tự từ những năm cuối thập niên 90 và người dân ròng rã gửi đơn từ thời điểm ấy đến giờ?

Thậm chí, văn bản đề ngày 29/3/2017 của Thanh tra Bộ Xây dựng gửi UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, “Bộ Xây dựng nhận được nhiều đơn của một số công dân ở 136 Nguyễn Huy Tự” và đề nghị “UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra xử lý theo đúng thẩm quyền, tránh khiếu nại vượt cấp kéo dài”…?

Cũng theo hồ sơ, ngay từ năm 1989, gia đình cụ Thảo đã có đơn gửi UBND phường Bạch Đằng về việc lấn chiếm xây dựng trái phép phần đất chung. Năm 1997, cụ Thảo (đại diện chủ sở hữu) 4 lần đơn đến UBND phường Bạch Đằng, Công ty Quản lý nhà đất quận Hai Bà Trưng đề nghị giải quyết việc lấn chiếm, cơi nới trái phép, nhưng không hiểu sao chính quyền phường Bạch Đằng cũng như quận Hai Bà Trưng lại khẳng định phần đất lấn chiếm ở 36 Nguyễn Huy Tự không có tranh chấp?

Cũng theo người nhà cụ Dung, gia đình chỉ hiến tầng 1 với tổng diện tích 177m2 và trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, cụ Dung giao cho Nhà nước quản lý 177,8m2. Nhưng báo cáo của UBND phường Bạch Đằng, hiện nay tổng số phần đất trong hợp đồng (tức là diện tích cụ Dung đã hiến tặng) lên tới 244,5m2. Đó là chưa kể, phần diện tích ngoài hợp đồng lên tới 62m2. Vậy, sự chênh lệch diện tích này chính quyền phường Bạch Đằng và quận Hai Bà Trưng lý giải ra sao?

Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận Hai Bà Trưng sớm làm rõ có việc lấn chiếm đất hay không? Nếu có thì cần sớm giải quyết sự việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đọc thêm