Hàng trăm ha đất hoang hóa ở Đà Nẵng vì doanh nghiệp chây ì hoàn thổ

(PLVN) - Hàng trăm ha đất đang bỏ hoang hóa tồn tại ở Đà Nẵng là hậu quả từ việc khai thác đất, đá của các doanh nghiệp (DN) để lại nhưng chưa được hoàn thổ, phục hồi như hiện trạng ban đầu. Cho đến nay, hệ lụy từ các mỏ khai thác đất, đá đang là vấn đề nhức nhối của chính quyền và người dân nơi đây.
Vùng đất hoang hóa từ lâu trên địa bàn xã Hòa Phước do tình trạng khai thác đất, đá không hoàn thổ.
Vùng đất hoang hóa từ lâu trên địa bàn xã Hòa Phước do tình trạng khai thác đất, đá không hoàn thổ.

Thôn “sa mạc” nhưng bị ngập lụt mùa mưa

Đến nhiều địa phương ở huyện Hòa Vang, nhiều người dễ dàng nhận thấy, hậu quả môi trường bị xâm hại do việc khai thác mỏ đất, đá gây nên rất nặng nề. Rõ nhất là tình trạng hàng trăm ha đất đang bỏ hoang hóa.

Trước thực tế trên, từ giữa năm 2017, Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng thành lập Đoàn giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đã được TP phê duyệt. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, tất cả vẫn không hề chuyển biến. 

Thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), nhiều năm qua quanh đi quẩn lại vẫn cảnh núi đồi bị cạo trọc, nham nhở một màu vàng ối, kéo dài đến nhức mắt. Ông Lê Văn Tuân, trưởng thôn Phước Thuận chua chát cho biết, cả thôn có 187 hộ dân, nhưng có tới gần 15% là hộ nghèo và “với tình hình này sẽ còn nghèo nữa”.

Ông Tuân chỉ tay về phía trước ngôi nhà, nói: “Đó, mọi người thử nhìn coi, hơn 10 năm qua, bao quanh thôn là mười mấy cái mỏ khai thác đất, chế biến đá. Ngọn núi đầu thôn, ngày xưa xanh mướt bởi cây lá, nay chỉ rặt màu đất khô khốc. Từ năm 2010 đến nay, hơn 20 ha ruộng màu mỡ, nuôi sống cả thôn đã bị bồi lấp, trở nên khô cằn, không thể nào trồng được bất cứ cây gì nữa”.

Ông Tuân nói thêm, trước đây nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng của thôn, nhờ vào nguồn chảy từ khe núi như hố Trầu, hố Bạc, hố Riều... 10 năm qua, các mỏ khai thác đất đá đã cắt ngang mạch nước, lấp kín dòng chảy, cả thôn đã trở thành sa mạc... Nhưng vì các khe, rãnh thoát nước bị bồi lấp, nên hễ mùa mưa đến, cả thôn Phước Thuận lại bị nước ứ đọng và xảy ra tình trạng ngập lụt.

 

Không chỉ thôn Phước Thuận, cho đến nay, cả xã Hòa Nhơn, mặc dù không còn DN nào khai thác đất đồi, nhưng hiện trạng để lại đập vào mắt mọi người vẫn cảnh hàng trăm ha đồi núi trơ trọi, hoang hóa, phí phạm, nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

DN vẫn "lơ" thực hiện cam kết hoàn thổ

Tìm hiểu của PLVN, cả xã Hòa Nhơn hiện có 8 mỏ khai thác đất đồi đã đóng cửa. 2 mỏ đất đồi ở thôn Thạch Nham Đông của Công ty TNHH Vạn Tường; mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Tây của Công ty TNHH Xây dựng thương mại, dịch vụ Đại Hồng Tín, không lập hồ sơ đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường nên UBND TP đã có công văn giao UBND huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường. 

3 mỏ đất đồi khác tại thôn Thạch Nham Đông của DN tư nhân Tiến Thanh, Công ty TNHH Phúc Đặng, Công ty TNHH Du lịch- đầu tư Sơn Hải đang tiến hành san gạt, ổn định bờ tầng và trồng cây xanh theo đề án đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt vào giữa năm 2017. Thôn Phước Thuận có mỏ đất đồi của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cảng Đà Nẵng đang lập hồ sơ đóng cửa mỏ...

Trong khi đó, thôn An Tân, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), khu mỏ đất do Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 dừng khai thác đã gần 2 năm nay theo Quyết định số 3449/QĐ-UBND TP. Tuy nhiên,  đơn vị được cấp phép khai thác mỏ không hề có biện pháp nào phục hồi cải tạo môi trường.

Hiện trạng mỏ là các vách núi đồi dựng đứng  khiến cho người dân sinh sống gần khu vực luôn lo sợ đất, đá sạt lở, đổ sập xuống mỗi khi có mưa to. Cũng tại khu vực  thôn An Tân, khu mỏ khai thác đất đồi của Công ty CP Xây dựng và thương mại Thùy Dương đã đóng cửa mỏ 4 năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cải tạo, phục hồi mặt bằng. 

Thời gian qua, người dân địa phương đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, buộc DN thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trả lại mặt bằng để người dân sản xuất sau khi giấy phép hết thời hạn, nhưng vẫn chưa được thực hiện. 

Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện Đà Nẵng có 33 mỏ khai thác đất, đá đã đóng cửa do giấy phép khai thác hết hiệu lực. Thế nhưng, vẫn còn có tới 9 mỏ không được thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Vấn đề này làm người dân sinh sống gần khu vực các mỏ rất bức xúc vì núi, đồi tại khu vực bị đào, khoét nham nhở, cảnh quan môi trường không được phục hồi như hiện trạng ban đầu. 

5 đơn vị chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ và chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ đã bị UBND TP tiến hành xử phạt gồm: Công ty CP Vật liệu xây dựng Focosev (100 triệu đồng) vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ đá Phước Thuận 3 (xã Hòa Nhơn). Thanh tra Sở TN-MT đã làm việc với Công ty TNHH Thạch Toàn vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung đề án đóng cửa mỏ đá Hố Sanh (xã Hòa Nhơn).

UBND TP cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty CP An Tâm và Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh 120 triệu đồng mỗi doanh nghiệp vì chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ đất đồi thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh) và thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn).

Lãnh đạo Phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Đà Nẵng) thông tin, đến nay trên địa bàn TP vẫn còn có 30 mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép khai thác còn hiệu lực và đang lập thủ tục gia hạn khai thác.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian tới ngành TN&MT TP sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các mỏ đã và đang tiến hành công tác cải tạo, phục hồi môi trường để bàn giao cho địa phương quản lý.

Đọc thêm