Lâm Đồng: Tài sản hơn 2,9 tỷ đồng, bị Tòa phong tỏa vì xác định giá 100 triệu đồng

(PLO) - Phản ánh đến Báo PLVN, ông Hoàng Văn Mân (trú tại thôn 3, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho hay, TAND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa đối với khối tài sản trị giá hơn 2,9 tỷ đồng vì cho rằng tài sản này chỉ có giá trị 100 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Mân bên thửa đất ký hợp đồng nhận chuyển nhượng với ông Lạc
Ông Hoàng Văn Mân bên thửa đất ký hợp đồng nhận chuyển nhượng với ông Lạc

Quyết định lạ của tòa

Theo ông Hoàng Văn Mân, ngày 4/7/2018, gia đình ông nhận chuyển nhượng 380m2 đất và 4 căn nhà cấp 4 trên đất, thuộc thửa 04, tờ bản đồ 63 xã Tu Tra, huyện Đơn Dương từ ông Nguyễn Đình Lạc với giá 2 tỷ đồng. Nguồn gốc thửa đất này là do cha mẹ ông Lạc cho riêng từ năm 2008. Vợ chồng ông Mân đã giao 1 tỷ đồng cho ông Lạc thông qua việc trả nợ thay cho ông này tại ngân hàng nhằm rút “Sổ đỏ” đang thế chấp tại đây để làm thủ tục sang tên. Để “lách thuế” nên trên hợp đồng công chứng, hai bên thỏa thuận chỉ ghi giá trị thửa đất chuyển nhượng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tại bản “giấy tay” ngày 4/7/2018 vẫn thể hiện giá trị chuyển nhượng 2 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, ngày 23/7/2018, gia đình ông Mân sẽ thanh toán số tiền còn lại cho ông Lạc. 

Tuy nhiên, ngày 9/7/2018, thửa đất các bên đang chuyển nhượng đã bị Thẩm phán Luyện Thanh Sơn (TAND huyện Đơn Dương) ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) số 14/2018/QĐ-BPKCTT theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Lạc Thạnh, xã Tu Tra). Trước đó, bà Hoa đã khởi kiện bà Bùi Thị Kim Thuyên (vợ ông Lạc) để đòi 771 triệu đồng. 

Theo ông Lạc thì đối tượng phong tỏa nêu trên là tài sản của cá nhân ông. Trong khi đó, ông Lạc không phải là đương sự trong vụ kiện của bà Hoa. Cho rằng quyết định BPKCTT của Thẩm phán Sơn đã gây thiệt hại cho bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đất, vợ chồng ông Mân và ông Lạc cùng có đơn khiếu nại đến TAND huyện Đơn Dương. Sau đó, TAND huyện Đơn Dương đã đưa ông Lạc vào tham gia tố tụng với tư cách bị đơn, và đưa vợ chồng ông Mân vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Điều đáng nói là ông Mân không hề liên quan đến khoản tiền nợ giữa bà Hoa và bà Thuyên.

Cần rà soát lại vụ việc

Cả ông Nguyễn Đình Lạc và vợ là bà Bùi Thị Kim Thuyên đều khẳng định thửa đất 04, tờ bản đồ 63, xã Tu Tra (mà ông Lạc chuyển nhượng cho gia đình ông Mân) là tài sản riêng của cá nhân ông Lạc. Hơn nữa, thời điểm TAND huyện Đơn Dương ra quyết định BPKCTT thì ông Lạc không phải là bị đơn trong vụ án và giá trị tài sản mà bị phong tỏa lớn hơn rất nhiều so với tài sản bà Hoa tranh chấp với bà Thuyên.

Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/2018/TA-QĐGQKN ngày 23/7/2018, Chánh án TAND huyện Đơn Dương cho rằng, Thẩm phán Luyện Thanh Sơn ra quyết định BPKCTT phong tỏa tài sản của ông Lạc là đúng pháp luật vì mặc dù thửa đất số 04, tờ bản đồ 63 xã Tu Tra mang tên một mình ông Lạc nhưng tài sản hình thành trong quá trình chung sống và vợ chồng ông Lạc cùng đứng tên chuyển nhượng diện tích đất trên. Hơn nữa, giá trị tài sản bị phong tỏa chỉ 100 triệu đồng, thấp hơn số tiền bà Hoa yêu cầu bà Thuyên phải trả nên tòa ra quyết định BPKCTT là đúng pháp luật.

Tuy nhiên, ông Lạc vẫn khẳng định thửa đất trên là tài sản được cha mẹ ông Lạc cho tặng riêng vào năm 2008 và Sổ đỏ cũng chỉ mang tên mình ông. Hơn nữa, việc bà  Thuyên vay tiền bà Hoa là chuyện làm ăn riêng, ông Lạc không hề hay biết. Việc cho nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện để đưa ông vào làm bị đơn và đưa ông Mân làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định về tố tụng.

Để chứng minh giá trị tài sản bị phong tỏa có giá trị lớn gấp nhiều lần tài sản tranh chấp, ông Mân đã thuê một đơn vị thẩm định và xác định nhà và thửa đất số 04, tờ bản đồ 63, xã Tu Tra có giá trị hơn 2,9 tỷ đồng. Bản thân ông Mân đề nghị được nộp đảm bảo 100 triệu (tương đương với giá trị tài sản mà tòa xác định) để hủy quyết phong tỏa nhưng Tòa án lại không chấp nhận. Theo trả lời tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/2018/TA-QĐGQKN, Chánh án TAND huyện Đơn Dương cho rằng, các tài liệu, chứng cứ như bản phô tô giấy viết tay sang nhượng đất lập ngày 4/7/2018, bản phô tô giấy nộp tiền ghi ngày 4/7/2018 và Chứng thư thẩm định giá của Công ty CP thẩm định giá Đồng Nai mà ông Mân cung cấp cho tòa án sau khi Thẩm phán ban hành quyết định BPKCTT thì “không có cơ sở để xem xét trong quá trình giải quyết khiếu nại…”. 

Được biết,  ngày 17/8/ 2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản gửi Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng đề nghị "kiểm tra, xem xét việc áp dụng BPKCTT của TAND huyện Đơn Dương theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba”. 

Đọc thêm