Mẹ liệt sỹ 10 năm đi xin trợ cấp sửa nhà

(PLO) - Mặc dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng suốt 10 năm qua, cụ Hoàng Thị Nhung (94 tuổi) ở thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên vẫn phải lần mò, gõ cửa các cấp chính quyền xin trợ giúp sửa chữa gian nhà cấp 4 - nơi thờ tự liệt sỹ Phạm Văn Đàn (con trai cụ Nhung)...
Cụ Hoàng Thị Nhung – mẹ của liệt sỹ Phạm Văn Đàn đang đứng trước bàn thờ con trai.
Cụ Hoàng Thị Nhung – mẹ của liệt sỹ Phạm Văn Đàn đang đứng trước bàn thờ con trai.

10 năm xin sửa nhà

Trong gian nhà cấp 4 bé nhỏ được xây dựng từ những năm 1970, cụ Hoàng Thị Nhung - mẹ của liệt sỹ Phạm Văn Đàn - với dáng người hao gầy, mái tóc bạc phơ đang ngồi thẫn thờ trước di ảnh của con trai. Dù chiến tranh đã đi xa, “vết thương” cũng đã lành theo tháng năm nhưng nỗi đau mất con thì vẫn lúc vơi, lúc đầy. Năm nào cũng vậy, cận ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) nghe báo đài nói rôm rả chuyện đền ơn, đáp nghĩa, cụ Nhung lại buồn.

Cụ kể cho chúng tôi rằng: “Ngôi nhà của mẹ  được xây dựng từ những năm 70, tường cũng đã mục, mái cũng hỏng, mùa mưa thì dột khắp nơi, ở khổ lắm con à. Năm 2008 mẹ làm đơn xin được hỗ trợ, sửa chữa nhà ở. Các ông Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thái (xã Lạc Hồng) sang kiểm tra thấy mái nhà dột nát, tường bao quanh nhà bong tróc, họ đều cảm thương ký vào đơn xác nhận cho mẹ. Nhưng con ơi, hơn 10 năm nay mỗi lần thay đổi trưởng thôn, thay chủ tịch xã, huyện là bấy nhiêu lần mẹ đi lại gõ cửa, họ bắt mẹ viết, bắt mẹ trình bày, bắt mẹ đợi… Mẹ thì biết mình chẳng sống được bao lâu, mẹ đâu cần nhà cao, cửa rộng. Mẹ chỉ cần nơi thờ tự liệt sỹ của đất nước không dột nát là được. Vì vậy, mẹ vẫn phải làm, mẹ không thể để con mẹ đã hy sinh vì đất nước mà bây giờ lại không được địa phương trân trọng” - cụ Nhung nói.

Nghe cụ Nhung kể đến đây, chúng tôi ai nấy đều xúc động, nhìn dáng người gầy gò, nhỏ bé của cụ đứng trước bàn thờ liệt sỹ Phạm Văn Đàn, tim chúng tôi cũng đau thắt lại. Tự hỏi lòng mình làm gì để cụ vơi bớt nỗi đau, đau vì mất con, đau vì không được chính quyền nơi đây quan tâm đến cụ…

“Cụ còn khỏe lắm…”

“Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn” là nét đẹp trong văn hóa người Việt, là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, là Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Pháp lệnh và chính sách của Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công với cách mạng. Điều được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa; Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Thế nhưng, việc của gia đình liệt sỹ Phạm Văn Đàn lại bị lãng quên?

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Ngay lập tức, người đứng đầu hệ thống chính quyền tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo UBND huyện Văn Lâm xem xét, làm rõ sự việc. Ông Nguyễn Bật Khánh – Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo bà Ngô Thị Lương – Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng đến nhà cụ Nhung để xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của cụ.

Tuy nhiên, ngày 25/6/2018 khi chúng tôi đến UBND xã Lạc Hồng liên hệ công tác thì bà Ngô Thị Lương vẫn ngồi ở trụ sở xã đợi cụ Nhung đến làm việc.

Trả lời phóng viên, bà Lương cho biết: “UBND xã đã mời cụ Hoàng Thị Nhung lên làm việc về những kiến nghị về việc sửa chữa nhà. Tuy nhiên, chúng tôi hẹn 3h chiều sẽ làm việc nhưng không thấy cụ Nhung đến”.

Khi phóng viên hỏi: “Tại sao lãnh đạo UBND tỉnh, huyện đã chỉ đạo xã đến nhà động viên, thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của mẹ liệt sỹ Phạm Văn Đàn mà chị không đến?”. Bà Lương cũng nhấn mạnh rằng: “Việc mời cụ Nhung đến làm việc là đúng quy trình làm việc khi có đơn khiếu nại. Chúng tôi chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ. Với lại, cụ còn khỏe lắm! Sáng tôi còn thấy cụ Nhung đi ăn cỗ ngoài đình mà”.

“Đáng nhẽ cứ để đấy!”

Lý giải việc tại sao cụ Nhung đã gửi đơn xin hỗ trợ, sửa chữa nhà theo diện gia đình chính sách, thờ cúng liệt sỹ nhưng không được quan tâm, giải quyết, bà Ngô Thị Lương cho biết: “Hiện nay xã Lạc Hồng có khoảng 50 cá nhân, hộ gia đình nằm trong diện chính sách. Danh sách các hộ đã được thống kê, chuyển lên UBND huyện xem xét, gia đình nào khó khăn hơn thì sẽ được hỗ trợ trước. Trường hợp của cụ Hoàng Thị Nhung thì bây giờ khác rồi! Nhà đã được sửa chữa, lát gạch hoa rồi thì đâu còn khó khăn mấy nữa… Đáng nhẽ cứ để đấy, cứ để dột nát, xập xệ như vậy đợi đến lúc có chủ trương đoàn về thăm thì được giúp đỡ, đằng này sửa chữa rồi làm sao?”, bà Lương nói. 

Tuy nhiên, cụ Nhung cho biết, từ năm 2008 gia đình cụ đã có đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương, có xin các nhận của Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thái, thế nhưng nhiều năm không được hồi đáp.

“Mặc dù viết đơn gửi chính quyền thôn, xã rất lâu nhưng không được giải quyết, nhiều lần khất lần, khất lượt. Trước tình thế cấp bách, nhằm tránh nguy cơ nhà bị sập, cuối năm 2008, đầu 2009 tôi phải bán 5 khẩu đất ruộng ở khu Văn Phú cho bà Phạm Thị Hoạt để sửa nhà. Bà Hoạt trước đây là Bí thư Chi bộ thôn Hồng Thái nên bà rất thấu hiểu tình cảnh của tôi, chính bà Hoạt cũng ký xác nhận cho tôi về tình trạng nhà xuống cấp. Trong khi đó, trước và trong khi sửa chữa, tôi có mời các ông bà là trưởng thôn, chi bộ thôn đến để chứng kiến, và các ông bà này hứa với gia đình tôi rằng cứ yên tâm, UBND xã sẽ xem xét giải quyết, hỗ trợ. Nhưng kể từ đó đến nay đã 10 năm trôi qua…”, cụ Nhung nói.

Trả lời điều này, Chủ tịch xã Lạc Hồng cho rằng: “Tháng 7/2015 tôi mới nhậm chức Chủ tịch xã nên không thể nắm rõ sự việc của cụ Nhung là bao nhiêu năm. Tôi chỉ nắm bắt được kiến nghị của cụ Nhung từ năm 2016, chứ các năm trước thì tôi không nắm được có hay không. Cái này phải có thời gian để văn phòng, lưu trữ kiểm tra lại…”.

Khi phóng viên thắc mắc đơn thư của cụ Nhung có từ năm 2008, bà đã được các chính quyền thôn xã xác minh là nhà dột nát,  có nguy cơ bị sập, đề nghị UBND xã giải quyết chế độ cho cụ Nhung, bà có nắm bắt được điều này không, thì cụ Lương đã trả lời: “Chúng tôi cũng đã lập hồ sơ về tình trạng nhà của cụ Nhung và đã gửi lên UBND huyện, nhưng phía UBND huyện chưa giải quyết thì đó là việc của huyện. Mỗi năm UBND xã có vận động đóng góp quỹ tình thương, hỗ trợ các gia đình khó khăn, tuy nhiên rất hạn hẹp nên UBND xã không có nguồn kinh phí tham gia hỗ trợ trực tiếp cho gia đình cụ Nhung”, bà Lương khẳng định.

Theo một nguồn tin riêng của phóng viên và bà Ngô Thị Lương xác nhận, UBND xã Lạc Hồng vừa tổ chức chuyến tham quan, du lịch kéo dài một tuần lễ ở một số resort cao cấp với số tiền hàng trăm triệu đồng. Số tiền du lịch được lấy từ quỹ của liên đoàn lao động và nguồn xã hội hóa.

“Việc chúng tôi đi du lịch là để tham quan, học hỏi, giao lưu…nguồn kinh phí chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là hoạt động do liên đoàn lao động tổ chức, chứ chúng tôi không hề sử dụng ngân sách, hay bỏ bê công việc”, bà Lương nói.

Như vậy, thay vì sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở và huy động sự tham gia của xã hội, giúp đỡ gia đình người có công với cách mạng thì phía UBND xã lại huy động xã hội hóa từ xã hội, để đưa cán bộ UBND xã đi tham quan du lịch… 

Đọc thêm