Quan điểm khác nhau của cơ quan công tố trong một vụ kiện tranh chấp đất đai

(PLO) - Ông Lê Quốc Thanh (ngụ tại 73 Cổ Loa, phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) phản ánh Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP HCM liên quan đến vụ kiện tranh chấp đất đai mà ông là đương sự. 
Ông Thanh trước mảnh đất đã mua của bà Liên
Ông Thanh trước mảnh đất đã mua của bà Liên

Tranh chấp vì đất tăng giá cao

Nội dung sự việc như sau: Bà Lưu Thị Liên có chồng là ông Đỗ Tấn Dũng (kết hôn năm 1986). Năm 1988 ông Dũng, bà Liên mua nhà đất tại địa chỉ 1B Nguyễn Thị Nghĩa (phường 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) với diện tích khoảng 200m2. 

Năm 2004 vợ chồng ông Dũng ly hôn, toàn bộ nhà đất được giao cho bà Liên quản lý do đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ngày 31/8/2010, bà Liên làm hợp đồng bán cho vợ chồng ông Lê Quốc Thanh 70m2 diện tích trong thửa đất nói trên với giá 235 triệu đồng.

Tại thời điểm sang nhượng, diện tích đất này nằm trong quy hoạch giải tỏa để làm công viên nên hai bên tự viết giấy tay mua bán. Bà Liên cam kết nếu có tranh chấp thì chịu hoàn toàn trách nhiệm.Vợ chồng ông Thanh đã thanh toán toàn bộ tiền mua nhà đất cho bà Liên, đưa nhà đất vào sử dụng và thực hiện nghĩa vụ thuế từ năm 2010.

Tuy nhiên, 7 năm sau thấy giá đất tăng vọt, ngày 4/01/2017 bà Liên khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng, lấy lại nhà đất đã bán. Vợ chồng ông Thanh, bà Nga không đồng ý.

“Nhùng nhằng” quan điểm pháp lý

Ngày 23/01/2018, TAND TP Đà Lạt ra Bản án sơ thẩm số 01 quyết định chấp nhận yêu cầu của bà Liên; tuyên bố hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất ngày 31/8/2010 vô hiệu. Vợ chồng ông Thanh phải trả lại cho bà Liên diện tích 70m2 đất. Bà Liên thanh toán cho vợ chồng ông Thanh 835.945.000đ.

Ngày 9/2/2018,VKSND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 200 kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau đó đến ngày 12/4/2018, TAND tỉnh Lâm Đồng ra Bản án phúc thẩm số 50 quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liên và ông Dũng. Công nhận hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/8/2010 giữa bà Liên và vợ chồng ông Thanh, bà Nga đối với diện tích đất 70m2 tại một phần thửa 27, tờ bản đồ số 8, phường 2, TP Đà Lạt. Ông Thanh, bà Nga có quyền và trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên theo quy định của pháp luật.

Những tưởng đến đây việc tranh chấp kết thúc. Thế nhưng, ngày 24/7/2018 VKSND cấp cao tại TP HCM lại ra Quyết định số 123 kháng nghị giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị hủy án phúc thẩm, tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm với lý do tòa án phúc thẩm suy đoán quyền định đoạt của bà Liên trong khối tài chung là không xâm phạm quyền về tài sản của ông Dũng là chưa có cơ sở vững chắc…

Theo VKSND tỉnh Lâm Đồng thì Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử như vậy là đúng pháp luật vì: bà Liên và ông Dũng đã ly hôn từ năm 2004. Tài sản bà Liên được quản lý và bà đã chuyển nhượng từ năm 2010. Bà Liên chỉ chuyển nhượng 70/200m2 đất tức là đã ý thức được trách nhiệm trong định đoạt tài sản chung vợ chồng, nên chỉ chuyển nhượng phần tài sản của mình. Bà đã nhận đủ tiền và bên chuyển nhượng đã giao đất cho vợ chồng ông Thanh sử dụng từ năm 2010 đến nay.

Vẫn theo quan điểm VKSND Lâm Đồng, bà Liên có quyền định đoạt phần tài sản của bà được hưởng theo Luật Hôn nhân và Gia đình, mà không xâm phạm đến tài sản hợp pháp của ông Dũng trong tài sản chung của vợ chồng, nên không thể lấy lý do ông Dũng không biết, không cùng bà Liên định đoạt tài sản chung vợ chồng, để chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà và quyền sử dụng đất vô hiệu.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 và tiểu mục b2, b3 điểm b, tiết 2.3 điểm 2 phần II Nghị quyết số 02 ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì việc TAND tỉnh Lâm Đồng công nhận hợp đồng viết tay ngày 31/8/2010 giữa bà Liên và vợ chồng ông Thanh là đúng pháp luật. Hơn nữa, Án lệ số 04 được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6/4/2016 cũng hoàn toàn trùng khớp với vụ án này. Từ đó, một số luật gia tại địa phương cho rằng,VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đưa ra những lý do “mơ hồ” để kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm nói trên của TAND tỉnh Lâm Đồng./.

Đọc thêm