Sai phạm tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Tòa “quên” chứng cứ khi định tội bị cáo?

(PLVN) - Trong quá trình điều tra, xét xử và ra bản án đối với hàng loạt cán bộ UBND huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) bị cho còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.

Căn cứ lời khai bất lợi cho bị cáo để tuyên án!

Theo một số luật sư, luật gia, trong vụ án này, những căn cứ pháp lý mà TAND tỉnh Phú Yên đưa ra để định tội người đứng đầu nguyên là Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa - ông Nguyễn Tài có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật về chứng cứ và lời khai.

Thời điểm TAND tỉnh Phú Yên tuyên án sơ thẩm với nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, nêu “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà CQĐT, VKS và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội. Chứng cứ được xác định bằng: vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.

Bên cạnh đó, Bản án số 19/2016/HTST của TAND tỉnh Phú Yên ban hành ngày 14/9/2016 sử dụng 2 chứng cứ là “lời khai của các bị cáo” và “kết luận giám định” để kết luận ông Nguyễn Tài.

Tuy nhiên điều đáng nói, chứng cứ “kết luận giám định” mà TAND tỉnh Phú Yên đưa ra được VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, CQĐT chỉ trưng cầu giám định tính hợp lệ của Quyết định 806 và việc bồi thường, hỗ trợ cho Nguyễn Hữu Phí nhưng trong 6 giám định viên của Sở TNMT tỉnh Phú Yên được CQĐT trưng cầu giám định thì chỉ có 2 người là giám định viên tư pháp. Thiệt hại được xác định trong vụ án theo Phương án số 25/PA-TTPTQĐ ngày 4/10/2013 bồi thường hỗ trợ và tái định cư (giai đoạn 1) được UBND huyện Đông Hòa phê duyệt tại Quyết định 806 chưa được giám định viên về tài chính trong lĩnh vực đất đai thẩm định”.

Đối với chứng cứ “lời khai của các bị cáo”, TAND tỉnh Phú Yên bị cho là chỉ căn cứ vào những lời khai bất lợi cho bị cáo để tuyên án, không căn cứ vào lời khai có lợi cho các bị cáo;  Trong quá trình xét xử có nhiều lời khai mâu thuẫn nhưng TAND tỉnh Phú Yên không tiến hành đối chất. 

Đã phân công rõ trách nhiệm

Khi nhận định nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa chỉ đạo bị cáo Lê Văn Hoàng –nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm bồi thường vượt hạn mức, TAND tỉnh Phú Yên đã đưa ra căn cứ chỉ từ lời khai của bị cáo Hoàng. Cụ thể, bị cáo Lê Văn Hoàng – nguyên Chủ tịch Hội đồng xét quy chủ xã Hòa Tâm khai nhận với CQĐT rằng đã nhận chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Tài liên quan đến việc quy chủ cho ông Phí vào ngày 9/12/2013 (khi Hội đồng đang họp xét quy chủ cho các hộ dân) và vào ngày 8/4/2015 (sau khi họp xét quy chủ xong 2 năm).

Thế nhưng tại nhiều bút lục, bị cáo Hoàng khai rằng: Ngày 26/9/2013, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tài ký văn bản trả lời, nhưng không chỉ đạo rõ về trường hợp 11 thửa đất của ông Nguyễn Hữu Phí phải giải quyết ra sao. Việc bị cáo ký hồ sơ quy chủ 04 thửa đất cho ông Phí là do “vì tình cảm”. Lý do này phù hợp với lời khai của bị cáo Hoàng về việc ông Phí đã tặng bia cho UBND xã để ăn tất niên, tặng Hội đồng quy chủ (do ông Hoàng làm Chủ tịch) tôm, trả tiền ăn uống, ca hát.

Bên cạnh đó, chứng cứ để xác định bị cáo Tài chỉ đạo bị cáo Hoàng hợp thức quy chủ vượt hạn mức cho ông Phí chỉ có cuộc điện thoại năm 2015 là trích xuất được thời gian và số máy gọi trong nhật ký điện thoại. Trong khi việc xét quy chủ hoàn thành từ ngày 9/12/2013: Vậy chỉ cuộc gọi năm 2015 làm sao có thể chứng minh bị cáo Nguyễn Tài chỉ đạo bị cáo Hoàng?- Đại diện bị cáo Tài nêu vấn đề.

Nhìn lại diễn biến sự việc, bị cáo Hoàng đã đồng ý để ông Thiện lập lại hồ sơ kỹ thuật cho bốn người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất do ông Phí đứng tên (trang sau bút lục 3301). Sau đó, từ hồ sơ kỹ thuật lập sai lệch này với bốn giấy chuyển nhượng viết tay mà ông Phí tự làm, bị cáo Hoàng đưa ra Hội đồng quy chủ để xét quy chủ đất cho ông Phí. 

Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về vụ án
Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về vụ án

Theo các luật sư, như vậy, việc bị cáo Hoàng đồng ý cho lập lại hồ sơ kỹ thuật thửa đất là hành vi trái quy định của pháp luật và không có chỉ đạo của bị cáo Tài. Bởi chỉ khi Hội đồng xét duyệt quy chủ, bị cáo Tài mới gọi điện (theo như lời khai của bị cáo Hoàng). Do đó, theo lluật sư, việc TAND tỉnh Phú Yên cáo buộc Nguyễn Tài chỉ đạo bị cáo Hoàng bồi thường vượt hạn mức cho ông Phí là không có cơ sở. 

Về việc TAND tỉnh Phú Yên nhận định nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa “chỉ đạo bồi thường giá trị nhà xây dựng trái phép cho bà Võ Thị Nương” trong Bản án số 19/2016/HTST là dựa trên lời khai của bị cáo Thắng rằng việc bàn bạc lập hồ sơ bồi thường diễn ra tại UBND xã. Tuy nhiên, lời khai này lại mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Hoàng: “Ông Tài, ông Thắng không đến UBND xã gặp tôi để hỏi, bàn cách lập hồ sơ bồi thường nhà ở của bà Nương”. Lời khai này cũng đúng với lời khai bị cáo Tài. 

Nhiều chuyên gia pháp luật phân tích: Nguyên tắc đánh giá chứng cứ, lời khai của bị cáo là chứng cứ khi lời khai đó phải phù hợp với các lời khai khác và diễn biến của vụ án. Bởi vậy, việc TAND tỉnh Phú Yên chấp nhận lời khai của bị cáo Thắng bị cho là không có cơ sở.

Hơn nữa, TAND tỉnh Phú Yên lại bỏ qua văn bản có ý nghĩa chứng cứ đó là Văn bản số 3021 do UBND huyện Đông Hòa ban hành ngày 10/12/2013 có nội dung chỉ đạo: Các công trình xây dựng sau Chỉ thị số 31 thì tùy trường hợp xử lý hợp tình hợp lý, các trường hợp xây dựng trái phép có biên bản đình chỉ hoặc xử phạt hành chính thì không bồi thường”. 

Trong bút lục bị cáo Hoàng - nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm – thành viên tổ kiểm kê có khai “đối với trường hợp của ông Vệ, khi Tổ kiểm kê tài sản trên đất ông Vệ, UBND xã và những đồng chí liên quan không cung cấp chi tiết việc xây dựng cơi nới, việc ông Vệ xây nhà không hợp pháp cho bà Nương cho Tổ kiểm kê biết, nên Tổ kiểm kê không biết”.

Đại diện bị cáo cho rằng, như vậy, UBND huyện Đông Hòa mà người đứng đầu là bị cáo Tài đã có văn bản chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật. Việc bồi thường về tài sản trên đất cho bà Nương do UBND xã Hòa Tâm không báo cho Tổ kiểm kê biết nên đã kiểm kê và chi trả bồi thường như quy định chung. Ông Tài không hề tác động làm sai lệch hồ sơ vụ việc như cáo buộc của ông Thắng và kết luận của TAND tỉnh Phú Yên.

Việc TAND tỉnh Phú Yên nhận định bị cáo Tài đã chỉ đạo cấp dưới bỏ qua quy trình lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường chỉ bằng lời khai từ những người từng là thuộc cấp của bị cáo Tài. Thế nhưng thực chất việc chỉ đạo này lại được thể hiện rất rõ trong Thông báo số 512/TB-UBND ban hành ngày 10/12/2013 do bị cáo Tài ký khi còn giữ chức UBND huyện.

Trong đó phân công công việc rất rõ ràng về từng nhiệm vụ cụ thể và được gửi đến Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo huyện, văn phòng huyện, các cơ quan dự họp, UBND xã Hòa Tâm và được lưu tại văn phòng huyện, không hề chỉ đạo bỏ qua khâu thẩm định như quy kết của TAND tỉnh Phú Yên.

Chỉ đạo trên của bị cáo Tài cũng được thể hiện trong Thông báo số 485/TB-UBND ban hành ngày 22/11/2013 của UBND huyện Đông Hòa do ông Nguyễn Tài ký về việc “thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm”.

Như vậy, việc yêu cầu thẩm định và giao trách nhiệm thẩm định đã được phân công rõ ràng bằng văn bản. Thế nhưng theo đại diện bị cáo, không rõ vì lý do gì TAND tỉnh Phú Yên lại “lờ” đi những chứng cứ quan trọng trên mà thừa nhận lời khai không có đối chứng của các bị cáo khác để kết tội nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa?

Đọc thêm