Tiếp vụ “Trưởng thôn lạm quyền bán đất công”: Vận dụng sai luật để hợp thức hóa sai phạm?

(PLO) - Sau gần 10 năm, người dân thôn Nhồi Dưới (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) có đơn kiện về việc thực hiện kết luận 04/2008 của UBND xã Cổ Loa nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm, dù đã có rất nhiều văn bản “đốc thúc” từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra. Vì sao có chuyện lạ lùng này?
Ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên mảnh đất đã có quyết định thu hồi, trả lại cho thôn từ năm 2008
Ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên mảnh đất đã có quyết định thu hồi, trả lại cho thôn từ năm 2008

Kết luận cho xong?

Như PLVN đã phản ánh, ông Hoàng Văn Tám (Trưởng thôn Nhồi Dưới) đã lạm dụng quyền hạn để “quyết” việc bán đất thôn lấy tiền làm đường. Chỉ đến khi những người mua đất làm nhà thì người dân mới biết và có đơn tố cáo. 

Sau khi tiến hành xác minh, UBND xã đã ra Kết luận số 04/KL-UBND nêu  “thực tế ông Tám căn cứ vào nhu cầu của thôn giao trái thẩm quyền cho hộ ông Hoàng Văn Tĩnh thôn Nhồi Dưới 2 thửa đất là 110m2 tại gốc đa và thửa cạnh chợ kho 98m2… Ngày 2/5/2008 UBND xã Cổ Loa ra Quyết định số 79 hủy bỏ việc giao đất trái thẩm quyền. Ngày 2/6/2008 UBND xã Cổ Loa ra Quyết định số 98 thu hồi 2 thửa đất”; “Yêu cầu lãnh đạo thôn Nhồi Dưới thực hiện nghiêm túc việc thu hồi 2 thửa đất 110m2 và 98m2, sớm khắc phục hậu quả”. 

Tuy nhiên, sau 9 năm ra kết luận về vụ việc này thì việc xử lý đối 2 thửa đất vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thậm chí, nhà cao tầng đã được xây tại mảnh đất đã có kiến nghị thu hồi.  Người dân tiếp tục gửi đơn đến các cấp cao hơn đề nghị thực hiện nghiêm kết luận.

Hàng loạt văn bản chuyển ý kiến về UBND huyện Đông Anh đề nghị làm rõ và giải quyết vụ việc nhưng sự việc cũng có biến chuyển. Đơn cử, một số văn bản từ Ban tiếp công dân UBND TP Hà Nội vào năm 2014 2016; Văn bản số 1718-GB/VPTU/TD ngày 21/4/2017 của Văn phòng Thành ủy cho biết, Bí thư thành ủy đã chỉ đạo văn phòng chuyển đơn đến Chủ tịch UBND huyện Đông Anh…UBND huyện Đông Anh lại tiếp tục có văn bản đề nghị xã giải quyết…

Một sự việc nhưng 10 năm nay không có chuyển biến như trên có phải do UBND xã chỉ ra kết luận “cho có” hay sự quan liêu của UBND huyện Đông Anh?

Tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật?

Trở lại với câu chuyện vì thiếu kinh phí làm đường nên phải bán đất, lấy tiền trả cho chủ đầu tư mà UBND xã Cổ Loa và UBND huyện Đông Anh vẫn đang “bấu” vào để giải thích cho sự việc vi phạm pháp luật xảy ra tại thôn Nhồi Dưới, trong bài viết trên báo PLVN ra ngày 8/7/2017, chúng tôi đã đưa ra một hợp đồng mua bán vào năm 2006 giữa ông Hoàng Văn Tĩnh (chủ đầu tư) và ông Hoàng Công Lương (người mua đất). 

Theo nội dung hợp đồng này thì mảnh đất ông Tĩnh bán cho ông Lương chính là mảnh đất 98m2 gần chợ tạm- là 1 trong 2 mảnh đất mà trưởng thôn Hoàng Văn Tám đứng ra bán để có tiền trả nợ chủ đầu tư vào đầu năm 2008. Câu hỏi được đặt ra, năm 2007 mới bắt đầu làm đường, năm 2008 mới phát sinh việc “thiếu tiền nên bán đất lấy tiền trả cho chủ đầu tư” thì tại sao lại có hợp đồng mua bán năm 2006 của chính chủ đầu tư với người mua? Liệu có âm mưu hợp thức hóa việc đã rồi hay không? Hay việc UBND xã cũng như người phát ngôn của UBND huyện cho rằng sự việc đã lâu, không thể khắc phục nên đề nghị “cho tồn tại” cũng là một hình thức hợp thức hóa sự việc đã rồi? Việc UBND xã và huyện đồng tình với hành vi đã được xác định là vi phạm luật đất đai có được xem là tiếp tay cho vi phạm pháp luật không? 

Trong khi đó, đã có rất nhiều trường hợp các trưởng thôn ở huyện Đông Anh bị truy tố về hành vi giao đất trái thẩm quyền. Ví dụ như vụ việc xảy ra tại thôn Hà Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, từ năm 2007-2009 (trùng thời điểm xảy ra việc giao đất trái thẩm quyền ở thôn Nhồi Dưới), Trưởng thôn và Bí thư chi bộ thôn Hà Phong đã bán đất để lấy tiền làm công trình cho thôn và đã bị xét xử với các mức án từ 30-36 tháng tù. 

Trong khi đó trưởng thôn Hoàng Văn Tám chỉ bị “khiển trách” cũng với hành vi tương tự và hiện đang được hợp thức hóa bằng việc báo cáo cấp trên “cho tồn tại”. Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho rằng, việc xã báo cáo “cho tồn tại” (2 mảnh đất đã bán sai thẩm quyền) được căn cứ theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Ông Nguyễn Khả Nghị viện dẫn khoản 3 Điều 23 Nghị định 43 (25/5/2014) cho rằng, trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..

Tuy nhiên, theo Luật sư (LS) Nhâm Mạnh Hà (Đoàn LS TP Hà Nội), quy định trên được áp dụng với các trường hợp đã giao đất trước năm 1993, chứ không áp dụng với các trường hợp giao đất từ năm 1993-2014. Như vậy, UBND xã Cổ Loa đã vận dụng sai quy định pháp luật để hợp thức hóa một hành vi vi phạm pháp luật! 

Đọc thêm