Vụ án tham ô tài sản ở Thái Bình: Sai tội danh và bỏ lọt tội phạm?

(PLO) -Phiên tòa vắng mặt nhiều nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên một số điểm mờ của vụ án đã không có cơ hội để làm rõ. Thay vì trả hồ sơ điều tra bổ sung thì Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thái Bình vẫn tuyên bị cáo Đào Mạnh Thắng mức án với những đánh giá nặng nề...  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cáo buộc nặng nề

 Ngày 22/11, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án “tham ô tài sản” với bị cáo là ông Đào Mạnh Thắng, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Cồn Vành ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Bản án của TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục xác định hành vi của Đào Mạnh Thắng đã phạm vào tội “tham ô tài sản”.  

Đánh giá về mức độ hậu quả của hành vi phạm tội, HĐXX đã hết sức nặng nề khi cho rằng, hành vi của bị cáo Thắng là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến tài sản ngân sách nhà nước, tổn hại uy tín của cơ quan đơn vị, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

 “Bản thân bị cáo là trưởng BQL Cồn Vành, bị cáo biết việc lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản để sử dụng cho mục đích cá nhân là vi phạm pháp luật, bị cáo vẫn cho rằng bị cáo không có ý thức chiếm đoạt vì vậy cần phải áp dụng mức hình phạt thật nghiêm minh với bị cáo. Có như vậy mới  có tác dụng cải tạo, răn đe phòng ngừa chung”- bản án cáo buộc.

Từ nhận định như vậy, HĐXX cho rằng cần thiết phải cách ly xã hội đối với bị cáo một thời gian nhất định mới đủ điều kiện cải tạo giáo dục. Tòa xử phạt bị cáo Thắng 2 năm tù, cấm bị cáo đảm nhận công việc liên quan tới lĩnh vực kinh tế trong 2 năm kể từ thời điểm chấp hành xong bản án.

Vụ án đi sai hướng?  

Tại phiên tòa, ông Tô Mạnh Biên, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Cồn Vành, đại diện cho bị hại cho hay: số tiền 7,2 triệu đồng mà bị cáo Thắng nhận từ ông Ngọc trên thực tế ông có đưa vật liệu về để xây dựng một số hạng mục cho cơ quan. “Đến nay số tiền hơn 20 triệu mà anh Thắng bỏ ra là có nhưng BQL Cồn Vành vẫn chưa được xử lý do không đủ hóa đơn, chứng từ.”- ông Biên cho rằng việc chi tiêu số tiền 7,2 triệu đồng không vì mục đích cá nhân như cáo trạng kết tội. 

Tại phiên tòa, sau khi đề nghị HĐXX xem xét cẩn trọng, khách quan, xử lý đúng người, đúng tội đối với hành vi vi phạm của bị cáo, ông Biên yêu cầu HĐXX  cần xem xét trách nhiệm của Công ty Dũng Mai- đơn vị trúng thầu, có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị cho dự án. Đại diện BQL Cồn Vành-bị hại vụ án,cho rằng, nếu đơn vị trúng thầu mà cung cấp 1 thể, 1 gói, không thông qua trung gian (Cty Giang Ngọc) thì vụ án này đã không xảy ra.

Đáng chú ý, khi ông Biên yêu cầu làm rõ trách nhiệm của đơn vị trúng thầu dự án, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa bà Ngô Thị Lý có đề cập trách nhiệm của BQL Cồn Vành. Bà Lý hỏi ông Biên: “Tại sao người ta cung cấp không đầy đủ mà BQL Cồn Vành vẫn ký. “Đây là sự thỏa thuận. Làm rõ sai rồi. Thấy họ sai rồi cũng hùa ký "khống" với người ta để người ta quyết toán.”- thẩm phán Lý xét hỏi chi tiết này tại phiên tòa.     

Tuy nhiên, như nêu ở trên, do phiên tòa vắng mặt quá nhiều người có liên quan đến dự án xây dựng trụ sở BQL Cồn Vành, trong đó có ông Lý, ông Chỉnh nên đáng tiếc nhiều vi phạm tại dự án đã không tiếp tục được thẩm vấn để làm sáng rõ. Trong khi việc ký hợp đồng trúng thầu, đến việc nghiệm thu, thanh lý trái nguyên tắc giữa 3 bên: ông Lý, ông Chỉnh, ông Ngọc ở dự án xây dựng trụ sở BQL Cồn Vành là nguyên nhân dẫn dắt đến việc ông Thắng nhận 7,2 triệu đồng, dẫn đến bị cáo Thắng bị buộc tội “tham ô tài sản”.

Người bào chữa cho bị cáo, LS. Ngô Xuân Phúc, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình cũng cho rằng: cần phải làm rõ nguyên nhân dẫn dắt tới việc vi phạm của bị cáo. Theo ông Phúc, BQL Cồn Vành ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Dũng Mai, không phải với  Công ty Giang Ngọc. Việc thay đổi thiết kế quầy lễ tân từ vật liệu gỗ sang bê tông là quyết định của ông Lý lúc còn đảm nhận chức vụ Trưởng BQL Cồn Vành. Ông Lý cũng là người ký hợp đồng quyết toán, bàn giao quyết toán với Công ty Giang Ngọc gói thầu cung cấp trang thiết bị cho dự án, trong đó quầy lễ tân. ““Công ty Giang Ngọc không có tư cách gì trong việc ký HĐ với BQL Cồn Vành. Thế nhưng tại sao ông Lý lại ký một hợp đồng thanh quyết toán với Công ty Giang Ngọc. Nếu phải chịu trách cho việc làm này phải là ông Lý chứ không phải ông Thắng.”- LS. Phúc nhận định.

Quan sát diễn biến phiên tòa cho thấy những sai phạm tại dự án xây dựng trụ sở BQL Cồn Vành dường như đã bị đẩy đi sai hướng khi mà trong quá trình điều tra, truy tố đến xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng vì lý do nào đó đã phớt lờ hành vi cố ý làm trái của ông Nguyễn Công Lý, nguyên Trưởng BQL Cồn Vành (đại diện chủ đầu tư dự án), ông Phạm Đức Chỉnh, giám đốc Công ty Dũng Mai (người đại diện pháp luật đơn vị trúng thầu thi công dự án) trong việc nghiệm thu, quyết toán dự án khi thực tế thi công còn dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thành.

Nhìn diễn biến của phiên tòa có thể thấy, các cơ quan tố tụng đang lờ đi hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng là việc nghiệm thu khống của Trưởng BQL Cồn Vành cũ với đơn vị trúng thầu dự án. Việc phớt lờ hành vi vi phạm pháp luật này khiến việc buộc tội tham ô của bị cáo Thắng trở nên thiếu thuyết phục, thậm chí phi lý.

Bởi nếu coi hành vi nghiệm thu "khống" là vi phạm pháp luật thì vụ việc phải được xử lý theo đúng tội cố ý làm trái. Và lúc đó những người liên quan tới vụ án chắc chắn không chỉ mỗi bị cáo Thắng. 

PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ án này.

Đọc thêm