Vụ Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Toàn Thắng: 'Loạn' văn bản chỉ đạo

(PLO) - Trong vòng chưa đầy 4 năm, TP Hải Phòng đã có nhiều văn bản có nội dung “tiền hậu bất nhất” để quyết định “số phận” Nhà máy xử lý chất thải của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Toàn Thắng (trụ sở tại xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên) (Cty Toàn Thắng) với việc chỉ đạo di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch. Nhưng đến nay, Nhà máy này vẫn “án binh bất động”. 
Rác thải được chôn lấp xung quanh nhà máy của Công ty Toàn Thắng
Rác thải được chôn lấp xung quanh nhà máy của Công ty Toàn Thắng

Tồn tại hay di dời?

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, Nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng được xây dựng tại khu vực giữa chân núi Hang Ốc và chân núi Thần Vi (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Sau khi kiểm tra, rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) TP Hải Phòng đã có Công văn số 1677/STNMT-QLTNĐ ngày 10/9/2014 và Công văn số 1961/STNMT-QLTNĐ ngày 16/10/2014 đề nghị UBND TP Hải Phòng cho phép tồn tại Nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng tại địa điểm nêu trên. Ngày 22/10/2014, UBND TP Hải Phòng đã đồng ý với chủ trương, đề xuất của Sở TN&MT. 

Về vấn đề này, Công văn số 2704/SXD-QLQH của Sở Xây dựng ban hành ngày 15/12/2015 khẳng định, trong quá trình giải quyết, Sở TN&MT đã không lấy ý kiến tham vấn của Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan. Do vậy, sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Chỉ huy quân sự TP và các đơn vị có liên quan, Sở Xây dựng đã xác định địa điểm thực hiện Dự án có một số vấn đề như: không nằm trong Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định 1711/QĐ-UBND ngày 11/10/2012; nằm trong khu vực ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng thuộc tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011 -2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và việc sử dụng khu đất này vào mục đích phi quân sự phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng theo quy định. 

Không những vậy, địa điểm thực hiện Dự án còn nằm cách Kho đạn 703 của Cục kỹ thuật Hải quân khoảng 200-300m là không đảm bảo khoảng cách môi trường theo QCVN 07/2010/BXD (tối thiểu 500m), không đảm bảo khoảng cách an toàn của kho đạn dược theo Nghị định 148/2006/NĐ-CP ngày 4/12/2006 của Chính phủ. Sau khi họp cùng các ngành liên quan, ngày 29/1/2016, Sở TN&MT đã có Công văn số 229/STNMT-KS xác nhận các vấn đề còn tồn tại nói trên về địa điểm xây dựng Dự án. Chủ đầu tư đã tự ý xây dựng mở rộng Nhà máy khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Do đó, đến ngày 17/2/2016, UBND TP Hải Phòng đã có Công văn số 785/VP-KS đồng ý với đề xuất của Sở TN&MT, trong đó, giao Sở Xây dựng kiểm tra xử lý hành vi xây dựng của Cty Toàn Thắng, giới thiệu địa điểm phù hợp với quy hoạch để di dời Nhà máy. Ngày 27/5/2016, Sở TN&MT đã có Công văn số 1090/STNMT-KS khẳng định việc đề nghị cho phép Cty Toàn Thắng được thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải tại khu vực phía Tây chân núi Thần Vi (thị trấn Minh Đức) là chưa đủ cơ sở để thực hiện. 

Đồng thời trong trường hợp phương án điều chỉnh được các quy hoạch gồm: quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025 không thể thực hiện thì Sở Xây dựng đề xuất cụ thể phương án di dời Nhà máy trên đến địa điểm phù hợp quy hoạch. Đề xuất này được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đồng ý tại Công văn số 4019/VP-KS ngày 27/6/2016. Năm 2017, UBND TP Hải Phòng tiếp tục ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo việc di dời Nhà máy xử lý chất thải này về địa điểm được phê duyệt quy hoạch tại xã An Sơn - Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. 

Chủ trương di dời là vậy. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, tại cuộc họp nghe báo cáo giải quyết tồn tại giữa Cty Toàn Thắng và Cty Xi măng Chinfon liên quan đến Nhà máy xử lý chất thải tại khu vực phía Tây núi Thần Vi, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành có một phần kết luận mang hơi hướng ngược lại. Thông báo số 196/TB-UBND nêu rõ, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì cùng cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quy định của pháp luật kiểm tra, đề xuất bổ sung Nhà máy xử lý chất thải nói trên vào Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2025 (nếu đủ điều kiện). 

Như vậy, trong vòng chưa đầy 4 năm, Hải Phòng đã có nhiều văn bản có nội dung “tiền hậu bất nhất” để quyết định “số phận” của Nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng. Vậy quan điểm của UBND TP Hải Phòng là như thế nào? Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Cty Toàn Thắng được phép tồn tại hay bắt buộc phải di dời?

Có được cấp phép lại?

Được biết, ngày 17/7/2009, Nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng được UBND TP Hải Phòng cấp Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại với mã số 31.001.X và được cấp gia hạn vào 12/9/2012. Sau đó, DN được Tổng cục Môi trường cấp Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại mã số 1-2-3-4.073.VX ngày 25/6/2015. Đến nay, giấy phép này đã hết hạn gần 1 tháng. 

Hiện nay, DN đã đăng ký cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại, ngày 6/4/2018, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 76/TCMT-QLCT&CTMT tham khảo ý kiến của Sở TN&MT TP Hải Phòng. Ngày 3/5/2018, Sở TN&MT TP Hải Phòng có Công văn số 1649/STNMT-CCBVMT đồng ý, kiến nghị Tổng cục Môi trường xem xét cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho DN cho đến khi Hải Phòng tìm được địa điểm phù hợp nhằm giải quyết cấp bách vấn đề xử lý chất thải trên địa bàn.

Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, khi giấy phép xử lý chất thải nguy hại chưa được cấp lại, DN này vẫn hoạt động bình thường. Phản ánh sự việc trên tới ông Lê Sơn, Chánh Thanh tra Sở TN&MT, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam nhận được câu trả lời như sau: “Em gặp Giám đốc Sở. Em muốn tìm hiểu gì em cứ gặp Giám đốc Sở”. Tuy nhiên, khi phóng viên giải thích về mục đích của việc cung cấp thông tin với Thanh tra Sở là để giải quyết triệt để kiến nghị của người dân xung quanh Nhà máy trên thì ông Sơn vẫn tiếp tục: “Các thông tin trao đổi em cứ gặp Giám đốc Sở”.

Tại sao Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP Hải Phòng, một cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT lại có thái độ thờ ơ trước thông tin mà người dân cũng như báo chí phản ánh như vậy? Câu hỏi này xin được gửi đến UBND TP Hải Phòng trả lời giúp người dân xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm