Ba Vì (Hà Nội): Lại ngang nhiên khai thác “Cát tặc” trên sông Hồng

(PLO) - Nhiều người dân sống ven sông Hồng đoạn chảy qua xã Phú Cường, huyện Ba Vì (Hà Nội) bức xúc khi thời gian gần đây, xuất hiện khoảng 10 tàu hút và tàu trở cỡ khoảng 400-500 khối ngang nhiên hút cát trái phép hoạt động cả và ngày đêm... với số lượng cát hàng nghìn mét khối /1ngày, gây sạt lở nguy hại đến người dân. Nghiêm trọng hơn, “cát tặc” ngang nhiên khai thác ngay gần chân cầu Việt Trì - Ba Vì đang thi công làm thay đổi dòng chảy gây nguy hại đến cây cầu... 
 
Cát tặc dùng tàu hút và tàu chở ngang nhiên khai thác hàng nghìn khối cát. Ảnh: Xuân Hồng.
Cát tặc dùng tàu hút và tàu chở ngang nhiên khai thác hàng nghìn khối cát. Ảnh: Xuân Hồng.

10 tàu ngang nhiên khai thác cát

Nhiều người dân xã Phú Cường phản ánh: doi cát nổi giữa sông Hồng, đoạn chảy qua xã Phú Cường (huyện Ba vì, Hà Nội) và giáp ranh với tổ 5 Phố Gát (phường Tiên Cát, Phú Thọ) đã mấy tháng nay có nhiều tàu hút cát công suất lớn và tàu trở cả ngày lẫn đêm đua nhau “ăn” cát. Có những hôm tàu hút cát hoạt động khai thác cát từ 3h sáng đến 18 giờ. 

Điều đáng nói, tàu hút “cát tặc” ngang nhiên hút cát như một đại công trường mỏ khai thác. Trước tình trạng này người dân luôn nơm nớp lo sợ bờ sông, chân kè bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất đất canh tác, nhà ở bị hư hại, cuốn trôi, khiến cuộc sống, sản xuất của người dân bị đảo lộn, biến đổi dòng chảy. Ngoài ra, các phương tiện khai thác cát đỗ lấn luồng gây cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Người dân phản ánh "cát tặc" khai thác ở địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Xuân Hồng.
Người dân phản ánh "cát tặc" khai thác ở địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Xuân Hồng.

Dù “cát tặc” ngang nhiên khai thác diễn ra trong thời gian dài, người dân không hề thấy có động thái xử lý từ phía các cơ quan chức năng? Nhiều người dân e ngại, mỗi ngày hàng trăm nghìn tấn cát từ lòng sông bị đục khoét, chỉ sợ móng của chân cầu… bị ảnh hưởng, sụt lún? 

Nghiêm trọng hơn, vị trí khai thác cát của tàu hút rất gần với chân cầu Việt Trì – Ba Vì đang được thi công, đe dọa đến chất lượng công trình.

Thực tế ghi nhận của PV báo Pháp luật Việt Nam, trong sáng 20/9, trên sông Hồng (đoạn thuộc địa phận xã Phú Cường) có 5 tàu hút cát thi nhau “đục khoét” lòng sông, những tàu chở khoảng 400-500 khối ké sát “ăn” cát.  Hoạt động hút cát diễn ra công khai, tàu hút cát chạy ầm ầm, tàu chở cát ra vào như một đại công trường khai thác.

Một chuyên gia về khai thác mỏ cát ở sông Hồng cho rằng, tính trung bình 2 tiếng/1 tàu “cát tặc” hút đầy 1 tàu chở khoảng 400 khối, với giá thành hiện nay đổ bến khoảng 100 nghìn/ 1 khối. Với 5 con làm liên tục từ 3 giờ đến 6 giờ thì “cát tặc” lấy tài nguyên của Nhà nước đến hàng tỷ đồng/ 1 tháng... 

Chính quyền địa phương còn quản lý lỏng lẻo?

Ngày 20/9, trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam qua điện thoại, ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: “Về hoạt động khai thác cát trên địa bàn do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì phụ trách. PV liên hệ làm việc với đồng chí Tuấn để có thông tin cụ thể”.

Sau đó, đồng chí Phó trưởng Công an huyện có lịch đi họp, đã giới thiệu PV gặp đồng chí Nam để làm việc.

Ngày 21/9, làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Thượng úy Đặng Ngọc Nam - Phó đội trưởng Đội cảnh sát ĐTTP về kinh tế và ma túy (Công an huyện Ba Vì) khẳng định, hiện nay trên địa bàn xã Phú Cường và Tản Hồng không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát sỏi. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, tuyến đường sông chạy qua địa bàn dài khoảng 40km, các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động xa bờ (giáp ranh giữa sông), lợi dụng địa bàn giáp ranh với Phú Thọ để hoạt động. Các đối tượng thường sử dụng tàu công suất lớn, hoạt động chỉ trong khoảng 30 phút đã bơm đầy được một tàu cát, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ngay sau khi PV báo Pháp luật Việt Nam thông tin, ngày 20/9, tổ công tác đã bắt được một tàu đang khai thác cát trái phép tại địa phận xã Phú Cường. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc, hiện đang xử lý theo quy định.

Để quản lý hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, nạo vét kết hợp tận thu cát, hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng...; Các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm vi phạm sử dụng đất đai bãi sông, khai thác cát trái phép…

Một tàu ăn no cát chở sang bến mua cát ở Việt Trì để bán. Ảnh: Xuân Hồng.
Một tàu ăn no cát chở sang bến mua cát ở Việt Trì để bán. Ảnh: Xuân Hồng.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi (ngày 6/7), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi là công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa phối hợp chặt chẽ, một số nơi buông lỏng quản lý. Dư luận cho rằng có biểu hiện lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép… Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi và kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy khai thác cát, sỏi trái phép.

Trước thực trạng “cát tặc” hoạt động rầm rộ trên sông Hồng địa phận huyện Ba Vì như hiện nay, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Có hay không việc “chống lưng” cho hoạt động cát tặc ngang nhiên hoành hành…?

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Ba Vì, cơ quan chức năng liên quan vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý để “cát tặc” ngang nhiên hoành hành, khai thác tài nguyên quốc gia. 

Đọc thêm