Dự án mở rộng tuyến đường Lương Định Của: 13 năm nằm trên giấy, ban quản lý “làm khó” báo chí

(PLO) -Dù được UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án từ năm 2004, thế nhưng đến nay đã hơn 13 năm, Dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường Lương Định Của ra đường Trường Chinh vẫn “nằm im” trên giấy. Điều đáng nói, khi PV liên hệ đề nghị cung cấp thông tin, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình giao thông TP.Hà Nội - Chủ đầu tư lại gây khó dễ.
Tuyến đường sẽ đường mở rộng - ngõ 102 đường Trường Chinh
Tuyến đường sẽ đường mở rộng - ngõ 102 đường Trường Chinh

Cong ít thành...cong nhiều

Theo phản ánh của các hộ dân sống trong ngõ 102 (dãy số chẵn) đường Trường Chinh (tổ dân phố 40, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP.Hà Nội), việc thực hiện dự án có nhiều điểm bất cập, không giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.

Ông Nguyễn Bá Sáng (tổ phó Tổ dân phố 40), một hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB) bức xúc cho biết: “Trước đây, các hộ dân đã không đồng tình với việc mở rộng con ngõ có đoạn thì rộng 17m, đoạn thì 13,5m. Sau đó, dự án được điều chỉnh thống nhất sẽ mở rộng 13,5m. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc chỉ giới đường đỏ phía Tây vẫn được giữ nguyên nhưng lại điều chỉnh chỉ giới đường đỏ phía Đông (dãy số chẵn)”. 

“Tôi thấy dự án này chưa khoa học, bất hợp lý, có nhiều điểm mập mờ khó hiểu và không đảm bảo tính công bằng”, ông Sáng cho hay.

Theo nhiều hộ dân, nếu dự án giữ nguyên chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt thì đoạn đường từ ngõ 102 Trường Chinh đến chỗ giao cắt ngách 74/3 đã cong giờ lại càng... cong hơn. 

Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và thực tế trước đó đã xảy ra nhiều vụ tai nạn ở khúc cua tay áo này. Nếu như lập quy hoạch kéo thẳng, mở rộng về phía Tây của ngõ thì con đường sẽ rất thẳng, chỗ cong gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Thế nhưng, không hiểu vì sao, dự án lại làm ngược lại (?!).

Không những thế, việc này còn khiến chi phí GPMB đội lên. Cụ thể, đoạn từ đầu ngõ 102 đường Trường Chinh đến ngách 74/3 hiện tại chỉ dài khoảng 70-80m. Nếu tính theo phía Tây của chỉ giới đường đỏ chỉ có 5 hộ dân là diện tích đất lưu không, trong khi bên phía Đông là khu tập thể với 14 hộ dân đang sinh sống ổn định. 

Dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường Lương Định Của ra đường Trường Chinh (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2248/QĐ-UB ngày 15/4/2004. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở Giao thông công chính) – nay sáp nhập thành Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông TP.Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án là 32,75 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án là 2004 - 2005.

Đơn kêu cứu của một số hộ dân trong diện GPMB
Đơn kêu cứu của một số hộ dân trong diện GPMB

Tuy nhiên, sau đó một số hộ dân ngõ 102 đường Trường Chinh đã có đơn khiếu nại về một số nội dung liên quan đến dự án. Ngày 18/10/2006, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4760/UBND-XDĐT, nội dung là điều chỉnh thu hẹp mặt cắt ngang từ 17m xuống còn 13,5m từ đoạn giao với đường Trường Chinh đến ngách 74/3 và khẳng định vẫn giữ nguyên chỉ giới đường đỏ phía Tây, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ phía Đông.

Sau nhiều năm dự án trên nằm án binh bất động, ngày 13/12/2011, UBND TP.Hà Nội ra quyết định số 5781/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án trên. Lúc này, tổng mức đầu tư dự án (tạm tính) tăng lên là 85,628 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án là 2012 - 2014 nhưng sau đó cũng không thực hiện được.

Như vậy, dự án trên đã hai lần. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc, khiếu nại của người dân chưa được giải quyết dứt điểm.

Mới nhất, ngày 05/4/2017, UBND TP.Hà Nội đã ra văn bản số 82/TB-VP, thông báo Kết luận của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP về việc giải quyết kiến nghị của công dân liên quan đến việc mở rộng ngõ 102 Trường Chinh. Trong đó, thông báo này ghi rõ “đồng ý giữ nguyên phương án chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt năm 2007). 

Mới đây, người dân nhận được thông báo số 833/BQLCTGT-GS1, ngày 30/5/2017, của Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông TP.Hà Nội về việc sẽ tiến hành “Vạch sơn chêm dày ngoài hiện trường để thực hiện công tác GPMB thực hiện dự án”. 

“Để dự án vừa đảm bảo tính khoa học, công bằng, không tốn kém tiền GPMB và lại thẳng đẹp, chúng tôi đề nghị dừng thực hiện Công văn số 395 ngày 4/4/2017 của Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông Hà Nội và Thông báo số 82 ngày 5/4/2017 của Văn phòng UBND TP.Hà Nội do người dân chưa được giải thích, tham gia ý kiến.

Đề nghị nắn thẳng đoạn 1 của dự án (đoạn từ đầu ngõ 102 Trường Chinh đến ngách 74/3), trên cơ sở giữ nguyên chỉ giới đường đỏ phía Đông, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ phía Tây. Nếu không thực hiện phương án nắn thẳng, thì đề nghị mở rộng đều về hai bên cho công bằng”, đơn kêu cứu của các hộ dân ghi rõ.

Gây khó dễ cho báo chí?

Để tìm hiểu rõ hơn về dự án trên, ngày 1/6/2017, PV đã đến đặt lịch làm việc với Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông TP.Hà Nội. Đến ngày 5/6, PV liên hệ với đơn vị này thì bộ phận văn phòng cho biết lãnh đạo ban đã giao cho Phòng giám sát 1 trả lời và liên hệ với PV. 

Sáng ngày 06/6, PV đã chủ động gọi điện đến bộ phận này và được hẹn gặp vào 10h sáng cùng ngày, sẽ có lãnh đạo bộ phận trả lời. Đúng thời gian trên, PV đến Phòng giám sát 1 (địa chỉ B12 Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) để làm việc. 

Tiếp PV là ông Hoàng Văn Tuấn (Phó trưởng Phòng giám sát 1. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ông Tuấn lại đề nghị PV phải có giấy giới thiệu đã được sự đồng ý của lãnh đạo ban thì vị này mới làm việc với PV. Ông Tuấn cho biết, phòng chưa nhận được bất kỳ giấy giới thiệu, nội dung nào từ Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông TP.Hà Nội chuyển sang ?!. 

Có thể thấy rõ việc nắn đường cong ít, thành...cong nhiều
Có thể thấy rõ việc nắn đường cong ít, thành...cong nhiều 

Để không làm mất thời gian của cả hai bên, PV đã đề nghị Phòng giám sát 1 liên hệ lại với lãnh đạo ban. Tuy nhiên, sau khi liên hệ, ông Tuấn cho biết chỉ ghi nhận nội dung PV cần làm việc và hẹn sẽ cung cấp thông tin vào một buổi khác.

Trong khi đó, liên hệ lại với Ban Quản lý dự án, đại diện đơn vị này cho biết đã chuyển giấy giới thiệu đến Phòng giám sát 1 (qua hình thức Scan, gửi qua email cho ông Hà - trưởng Phòng giám sát 1) để trả lời báo.

Như vậy, không hiểu sự phối hợp làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí của Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình giao thông TP.Hà Nội và các bộ phận như thế nào? Có hay không việc Phòng giám sát 1 đã phớt lờ chỉ đạo của lãnh đạo Ban và gây khó dễ cho PV? 

Những câu hỏi trên xin gửi đến các ngành chức năng TP.Hà Nội.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm